Bộ Tài chính: Thu ngân sách quý I tăng quá thấp
Cụ thể, theo thông tin Bộ Tài chính vừa cung cấp hôm nay (15/4), tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trong quý I/2020 đạt 391 nghìn tỷ đồng, bằng 25,9% dự toán, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2019; trong khi tổng chi NSNN tương ứng đạt 343,1 nghìn tỷ đồng, bằng 19,6% dự toán, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Bộ Tài chính lưu ý, tuy thu NSNN vẫn tăng nhưng mức tăng này quá thấp so với mức tăng 13% của quý I/2019 so với cùng kỳ năm trước.
Đối với thu, Bộ Tài chính cho biết, 3 tháng đầu năm là 3 tháng sản xuất kinh doanh bị đứt quãng do nghỉ Tết và do dịch bệnh. Tuy nhiên, cơ quan thuế đã tập trung triển khai công tác thu ngay từ đầu năm, rà soát, nắm chắc đối tượng, nguồn thu ngân sách trên địa bàn, kiểm tra việc kê khai thuế, quyết toán thuế của doanh nghiệp để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời số phát sinh vào NSNN nên thu nội địa cũng có kết quả tốt. Riêng thu nội địa đạt 324,7 nghìn tỷ đồng, bằng 25,7% dự toán, tăng 3,6% so cùng kỳ năm 2019.
Ước tính cả nước có 52/63 địa phương thu nội địa đạt tiến độ dự toán (trên 23%), trong đó 45 địa phương thu đạt trên 26% dự toán; 46/63 địa phương thu cao hơn so cùng kỳ, 17 địa phương thu thấp hơn so cùng kỳ.
![]() |
Ảnh minh họa |
Trong khi đó, thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 77 nghìn tỷ đồng, bằng 22,8% dự toán, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong 3 tháng đầu năm, Tổng cục Hải quan đã triển khai mạnh mẽ các biện pháp để đảm bảo thu theo dự toán được giao, quyết liệt thực hiện các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, chống thất thu, đồng thời chủ động tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan và quyết liệt chống buôn lậu. phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tích cực xử lý, thu hồi nợ đọng thuế.
Về chi NSNN, Bộ cho biết chi quý I đạt 343,1 nghìn tỷ đồng, bằng 19,6% dự toán, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 61,6 nghìn tỷ đồng, bằng 13,1% dự toán, tăng 31,8%; chi trả nợ lãi đạt 33,8 nghìn tỷ đồng, bằng 28,6% dự toán, tăng 9,9%; chi thường xuyên đạt gần 246,6 nghìn tỷ đồng, bằng 23,3% dự toán, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2019.
Nhìn chung, các nhiệm vụ chi ngân sách trong tháng 3 và quý I được thực hiện, theo đúng dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách, đáp ứng các nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội. Để phòng, chống dịch Covid-19, ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đã tăng chi cho các hoạt động y tế, bảo đảm vệ sinh môi trường và các hoạt động hỗ trợ kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19.
Đặc biệt, Bộ Tài chính đã phối hợp với các Bộ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trích 2,7 nghìn tỷ đồng dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 bổ sung cho Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an triển khai các hoạt động phòng chống dịch; xây dựng một số chế độ, chính sách đặc thù trong phòng chống dịch Covid-19.
Riêng về chi đầu tư phát triển, tổng số kế hoạch vốn năm 2020 Thủ tướng Chính phủ đã giao là 470,6 nghìn tỷ đồng. Đến hết tháng 3/2020, có 51/53 (96,2%) Bộ, cơ quan Trung ương và 63/63 địa phương gửi báo cáo phân bổ kế hoạch vốn được giao đến Bộ Tài chính; số vốn đã phân bổ đạt 79,5% kế hoạch được giao đối với trung ương và 100% kế hoạch được giao đối với địa phương. Mặc dù có tiến bộ hơn so với cùng kỳ năm 2019 (tăng cả về tiến độ và mức thực hiện), song tiến độ giải ngân vốn quý I vẫn còn chậm.
Tính đến ngày 15/3/2020, lũy kế vốn đầu tư giải ngân thuộc kế hoạch năm 2020 là 39.839,9 tỷ đồng, bằng 8,86% kế hoạch Quốc hội, Chính phủ giao kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước. Cụ thể: (i) Vốn trong nước giải ngân là 37.818 tỷ đồng, bằng 9,6% kế hoạch Quốc hội, Chính phủ giao kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước và bằng 9,2% kế hoạch Quốc hội, Chính phủ giao; (ii) Vốn ngoài nước kiểm soát, xác nhận qua Kho bạc Nhà nước là 2.021,9 tỷ đồng, bằng 3,6% kế hoạch Quốc hội, Chính phủ giao kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước và bằng 3,4% kế hoạch Quốc hội, Chính phủ giao.
Ngoài ra, hệ thống Kho bạc Nhà nước còn kiểm soát thanh toán vốn của các Bộ, ngành, địa phương phân bổ ngoài kế hoạch Quốc hội, Chính phủ giao là 759,3 tỷ đồng, bằng 9,1% kế hoạch (kế hoạch Bộ, ngành địa phương phân bổ là 8.306,8 tỷ đồng). Thông qua kiểm soát thanh toán vốn đầu tư, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã từ chối 4,7 tỷ đồng.
Về cân đối ngân sách nhà nước và huy động vốn, Bộ Tài chính cho biết: “Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo”. Trong 3 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã thực hiện phát hành 41,8 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ theo kế hoạch năm 2020 để chi trả nợ trái phiếu đến hạn và để nhận nợ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo Nghị quyết của Quốc hội (9.090 tỷ đồng), với kỳ hạn bình quân 16,43 năm, lãi suất bình quân 3,09%/năm (bình quân năm 2019 là 4,51%/năm).
Bộ Tài chính cho biết trong 3 tháng đầu năm đã thoái vốn tại 4 doanh nghiệp nhà nước thuộc danh mục tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ với giá trị sổ sách là 79 tỷ đồng, thu về 220,6 tỷ đồng và thoái vốn tại các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước theo Đề án cơ cấu lại với giá trị sổ sách là 318 tỷ đồng, thu về cho ngân sách nhà nước 551 tỷ đồng. |
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Ưu tiên thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng
