Biên phòng sẽ quản lý rừng biên giới?
![]() | Đà Nẵng: Giao cảng sông Hàn cho Biên phòng quản lý |
![]() | Lỗ hổng quản lý rừng |
Trách nhiệm không rõ ràng
Quảng Nam có khoảng 140km đường biên tiếp giáp với nước bạn Lào. Trong đó, chỉ tính riêng huyện Nam Giang có đến 78km đường biên. Mới đây, tại cuộc họp bàn về việc bảo vệ lâm khoáng sản trên địa bàn huyện, ông Alăng Mai, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho rằng, công tác quản lý rừng ở khu vực vành đai biên giới lâu nay đang có sự chồng chéo giữa các lực lượng. Điều này, khiến việc quản lý, bảo vệ rừng đã gặp khó khăn lại càng khó khăn hơn...
![]() |
Đang tồn tại sự chồng chéo trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng |
Ông Alăng Mai dẫn chứng về trách nhiệm không rõ ràng giữa các lực lượng trong vụ việc phá rừng pơmu đang gây xôn xao dư luận. Theo đó, vụ phá rừng pơmu xảy ra trên địa bàn xã La Dêê, do Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung làm chủ rừng.
Tuy nhiên, kiểm lâm địa bàn là người của Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, rồi quản lý địa bàn lại là lực lượng biên phòng Quảng Nam. Do vậy, mang tiếng là chủ rừng, song Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung chỉ “hữu danh vô thực”.
Bởi, theo ông Đỗ Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung, tuy có nhiệm vụ quản lý rừng, nhưng kiểm lâm cũng không dễ vào khu vực biên giới, phải báo cáo và xin phép biên phòng. Do chưa có quy chế phối hợp giữa đơn vị với nhau, nên mỗi lần lực lượng đi tuần tra phải có giấy giới thiệu của biên phòng…
Điều này, khiến việc quản lý, bảo vệ rừng giữa các lực lượng “giậm chân” lên nhau. Đặc biệt, với tình trạng “cha chung, không ai khóc” khi xảy ra các vụ việc để mất rừng, rất khó điều tra, xử lý những cá nhân, tập thể có liên quan. Vụ phá rừng pơmu vừa mới phát hiện ở Quảng Nam lớn chưa từng có, đã và đang làm rúng động dư luận và Thủ tướng yêu cầu làm rõ. Hiện, các cơ quan điều tra, công an tỉnh Quảng Nam đã liên tiếp bắt giữ nhiều đối tượng có liên quan và một số đối tượng đã ra đầu thú.
Trên địa bàn huyện Nam Giang, cũng đang còn những “điểm nóng” về nạn phá rừng khác. Đơn cử như nạn phá rừng tại khu vực rừng đầu nguồn thủy điện Sông Bung 4 và thủy điện Sông Bung 2 đang ở mức báo động. Mặc dù, chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức truy quét, chốt chặn tại các “điểm nóng” song vẫn chưa giải quyết triệt để nạn phá rừng tại đây.
Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến việc mất rừng liên tiếp ở Quảng Nam cũng như một số địa phương khác ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên liên tiếp bùng phát như trong thời gian qua, một phần do yếu tố chủ quan của các lực lượng chức năng.
Đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam từng thừa nhận, một phần nguyên do phá rừng là chủ quan. Theo đó, khu vực rừng biên giới Việt - Lào từ trước đến nay tương đối ổn định, việc tuần tra biên giới không thường xuyên, dẫn đến việc phát hiện các vụ việc còn chậm.
Biên phòng làm “chủ công”
Trước vấn nạn phá rừng đang xảy ra nghiêm trọng ở địa phương, ông Alăng Mai đưa ra đề xuất, đối với khu vực địa bàn biên giới, UBND tỉnh Quảng Nam xem xét, thống nhất giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chịu trách nhiệm quản lý bảo vệ. Các ban, ngành liên quan phối hợp tham gia. Trong khi đó, ngành kiểm lâm cũng được yêu cầu vào sát cửa rừng hơn, để bảo vệ rừng hiệu quả...
Ngay lập tức, đề xuất lực lượng biên phòng làm “chủ công” trong công tác bảo vệ rừng khu vực biên giới cũng được tỉnh Quảng Nam tán thành. Xung quanh vấn đề này, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, UBND tỉnh sẽ báo cáo với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan về việc để cho lực lượng biên phòng quản lý rừng thuộc vành đai biên giới không chỉ tại Nam Giang mà trên địa bàn toàn tỉnh.
Trước mắt, ông Thu đề nghị, các lực lượng, chính quyền địa phương cần tăng cường trách nhiệm của nhóm hộ tham gia bảo vệ rừng và chủ rừng; thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các lực lượng trong quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt nâng cao ý thức để mỗi người dân như một kiểm lâm viên, một người bảo vệ rừng…
Trong khi đó, đại diện Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam cũng đồng tình ủng hộ phương án giao cho lực lượng biên phòng quản lý, làm chủ rừng ở khu vực vành đai biên giới. Việc này nhằm phân trách nhiệm rõ ràng hơn cho lực lượng biên phòng nhằm ngăn chặn tình trạng phá rừng ở khu vực biên giới. Bên lề hội nghị thường niên đánh giá tình hình thực hiện Biên bản ghi nhớ giữa Cục Kiểm lâm Việt Nam và Lào vừa tổ chức tại TP. Đà Nẵng.
Ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam thông tin thêm, sắp tới sẽ có quy chế phối hợp, đề nghị giữa kiểm lâm Việt Nam và Lào. Đặc biệt, đề xuất tổ chức giao lại khu vực rừng biên giới cho lực lượng biên phòng hai nước quản lý. Biên phòng đã được giao quản lý vùng biên nên giao họ quản lý rừng luôn sẽ có nhiều thuận lợi.
Ở cấp cao hơn, theo ông Đỗ Trọng Kim, Phó cục trưởng Cục Kiểm lâm Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng ủng hộ đề xuất giao rừng vùng biên giới cho lực lượng biên phòng quản lý.
Ngoài việc, đề xuất lấy lực lượng biên phòng làm “chủ công” trong việc bảo vệ rừng biên giới, Quảng Nam cũng đã lên phương án sắp xếp, kiện toàn lại các ban quản lý rừng, chủ rừng, nâng mức dịch vụ trông coi, bảo vệ để người dân gắn bó hơn với rừng.
Xem xét, quản lý cán bộ tại các khu vực nhạy cảm, tạo cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng. Đặc biệt, sau sự cố phá rừng pơmu, ngành kiểm lâm địa phương đang tính toán di chuyển các trạm barie vào sát cửa rừng nhằm bảo vệ rừng tận gốc...
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
