BIDV: Cân bằng hài hòa lợi ích
Cuối tuần qua, ngày 12/3/2021, BIDV đã “mở hàng” mùa Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) ngân hàng năm nay. Những vấn đề cổ đông quan tâm vẫn xoay quanh chuyện chia cổ tức, lợi nhuận, tăng vốn điều lệ, cách nào để ngân hàng phát triển an toàn, bền vững…
![]() |
Ảnh minh họa |
Theo thông tin từ Đại hội, năm 2020 mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động kép của thiên tai và đại dịch Covid-19, song BIDV đã đảm bảo hoạt động an toàn với những kết quả tích cực. Cụ thể, tổng tài sản của BIDV đạt 1.516.686 tỷ đồng, tăng trưởng 1,8% so với năm 2019, tiếp tục là NHTM có tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam; tổng nguồn vốn huy động năm 2020 đạt 1.402.248 tỷ đồng; tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1.438.520 tỷ đồng, tăng trưởng 8,5% so với năm 2019, chiếm 13,4% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 9.026 tỷ đồng… BIDV thực hiện chi trả cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt với tổng giá trị đạt 3.218 tỷ đồng, tỷ lệ chi trả đạt 8%/năm.
ĐHĐCĐ thống nhất với một số chỉ tiêu kinh doanh của BIDV năm 2021, cụ thể: Tăng trưởng huy động vốn 12-15%; Tăng trưởng dư nợ tín dụng đảm bảo tuân thủ giới hạn tín dụng của NHNN giao, dự kiến tăng trưởng 10-12%; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến đạt 13.000 tỷ đồng. Đặc biệt ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ lên l48.524 tỷ (tăng 20,6%) qua phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%). Ngoài ra, BIDV dự kiến phát hành thêm 341,5 triệu cổ phần mới bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ (dự kiến vào cuối năm nay, khi được cơ quan quản lý chấp thuận).
Tháng 11/2020, BIDV đã phát hành riêng lẻ cho KEB Hana Bank hơn 603,3 triệu cổ phần với tổng giá trị giao dịch gần 20.300 tỷ đồng (tương đương với 15% vốn của BIDV). Sau khi phát hành cổ phần cho KEB Hana Bank, vốn điều lệ BIDV tăng từ 34.187 tỷ đồng lên 40.220 tỷ đồng, cao nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Chủ tịch HĐQT BIDV Phan Đức Tú cho biết, tất cả các nội dung tăng vốn điều lệ năm nay đều đã thông báo với phía KEB Hana Bank. Tuy nhiên, “đến giờ phút này, tôi không khẳng định Hana Bank có tham gia hay không”. Mặc dù vậy, ĐHĐCĐ vẫn quyết định thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên hơn 48.500 tỷ đồng thông qua chia cổ tức năm bằng cổ phiếu và phát hành 341,5 triệu cổ phần mới ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.
Về lợi nhuận, năm 2020 BIDV vượt kế hoạch tài chính của NHNN giao nhưng đã giảm 15,9% so với năm 2019. Lãnh đạo BIDV lý giải, do BIDV chủ động giảm thu nhập hơn 6.400 tỷ đồng để thực hiện cơ cấu nợ và miễn giảm lãi, phí cho khách hàng khó khăn do Covid-19 theo chỉ đạo của NHNN. Nếu không hỗ trợ khách hàng trong thời kỳ Covid-19, lợi nhuận năm 2020 của BIDV có thể tăng 44% so với năm 2019.
Một cổ đông vẫn tỏ ra băn khoăn khi đặt câu hỏi về kế hoạch thực hiện mục tiêu lợi nhuận 13 ngàn tỷ đồng trong năm nay của BIDV. Ông Lê Ngọc Lâm - Tổng giám đốc BIDV dẫn giải: Trong cơ cấu thu nhập dự kiến năm 2021, thu nhập ròng từ lãi tăng khoảng 19%. Ngân hàng cũng sẽ thúc đẩy các khoản thu phi lãi suất, tăng khoảng 16-17%; Thu hồi nợ ngoại bảng khoảng 8.000 tỷ đồng. Động lực tăng trưởng của BIDV sẽ là tiết kiệm chi phí, nhất là chi phí vốn. Đơn cử, năm 2021, BIDV đặt mục tiêu tăng CASA lên tối thiểu 16%.
Năm 2020 việc trích lập dự phòng rủi ro cao đã giảm đáng kể lợi nhuận của BIDV, song Ban lãnh đạo BIDV vẫn quyết định trích lập dự phòng khoảng 24.000 tỷ đồng, tăng so với năm 2020 do môi trường bất định bởi Covid-19. Tuy nhiên ngân hàng này cũng đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 24-38% hàng năm từ nay đến năm 2025; tỷ lệ bao phủ nợ xấu mục tiêu đạt 130%.
Từ ĐHCĐ của BIDV có thể thấy, các cổ đông luôn quan tâm đến lợi ích sát sườn là cổ tức, yêu cầu ngân hàng phải có phương án, mục tiêu tăng trưởng tốt… Đó là những mong muốn chính đáng. Song, ở vị trí là một NHTM Nhà nước, BIDV còn phải đi đầu trong thực thi các chủ trương, chính sách của Chính phủ, NHNN.
Trên thực tế, không chỉ BIDV mà cả hệ thống ngân hàng đã, đang nỗ lực chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19 bởi các nhà băng đều hiểu rõ, ngân hàng - doanh nghiệp là mối quan hệ cộng sinh, doanh nghiệp có phát triển thì ngân hàng mới có thể kinh doanh hiệu quả được. Bên cạnh đó, trong bối cảnh môi trường toàn cầu còn nhiều bất định như hiện tại, các ngân hàng cần phải củng cố năng lực tài chính mới có thể phát triển bền vững. Ngân hàng phát triển bền vững thì quyền lợi của cổ đông mới có thể được đảm bảo vững bền. Có lẽ các cổ đông cũng cần hiểu rõ những điều này.
Tin liên quan
Tin khác

Chênh lệch giá vàng mua – bán tăng: Rủi ro cao cho nhà đầu tư

Sáng 14/4: Tỷ giá trung tâm giảm 37 đồng

Lan tỏa tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi

Sáng 12/4: Bạc xanh tiếp tục lao dốc

Giải pháp thanh toán không tiền mặt cho hệ thống xe buýt công cộng

Lãi suất gửi tiền 1 tháng tại các ngân hàng hiện ra sao?

UOB kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ được giữ nguyên

Bảo hiểm nông nghiệp – "tấm khiên" vững chắc cho Hợp tác xã

Sáng 11/4: Tỷ giá trung tâm quay đầu giảm trở lại
