Bất động sản Thanh Hóa: Cần xóa rào cản để khai phá tiềm năng
Từ nay đến năm 2025, rất nhiều tuyến đường giao thông liên kết với Thanh Hóa được chú trọng phát triển như cao tốc Hà Nội - Ninh Bình... Bên cạnh đó, cảng Nghi Sơn cũng sẽ được nâng cấp lên tiêu chuẩn 1A để có thể tiếp đón tàu trọng tải lớn hơn; sân bay Thọ Xuân cũng được nâng công suất lên sân bay quốc tế để đến năm 2030 có thể đón 5 triệu lượt khách/năm.
Sự phát triển của Thanh Hóa cũng cũng được ghi nhận qua con số hơn 3.600 doanh nghiệp đăng ký mới trong năm 2021, bổ sung vào tổng số hơn 20.000 doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 2.300 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 650 nghìn tỷ đồng. Thêm vào đó, toàn tỉnh hiện có 140 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 14,6 tỷ USD, đứng thứ 8 trên cả nước.
Trong bối cảnh đó, bất động sản xứ Thanh cũng đang thu hút rất nhiều sự quan tâm.
![]() |
Bất động sản Thanh Hóa có tiềm năng nhưng phải đi chậm, đi chắc |
Từ cuối năm 2021 đến nay, thị trường bất động sản tại Thanh Hóa đã ghi nhận lượng giao dịch lớn chưa từng có, ước tính có tổng cộng khoảng 10.000 giao dịch trong quý IV/2021 và quý I/2022. Tính từ đầu quý IV/2021 đến cuối quý I/2022, trung bình giá bất động sản Thanh Hóa đã tăng khoảng 25-30%.
Với nhiều lợi thế và tiềm năng, trong những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa được quan tâm và đầu tư của nhiều nhà đầu tư lớn như Sun Group, Vingroup, T&T, Flamingo… Tập đoàn Sun Group triển khai tổ hợp dự án du lịch nghỉ dưỡng quy mô 1.260 ha tại TP. Sầm Sơn. Tập đoàn này cũng đang nghiên cứu triển khai khu nghỉ dưỡng khoáng nóng quy mô gần 100 ha tại huyện Quảng Xương. Tập đoàn T&T cũng bắt đầu xây dựng dự án khu du lịch sinh thái Tân Dân (thị xã Nghi Sơn) có quy mô 84,8 ha, tổng vốn đầu tư hơn 3.660 tỷ đồng. Tại TP. Thanh Hóa, Vingroup đang cho mở bán phân khu biệt thự Hướng Dương thuộc khu đô thị Vinhomes Star City, quy mô 147 ha.
Tuy nhiên bên cạnh đó, “thị trường bất động sản Thanh Hóa thời gian gần đây cũng có nhiều sản phẩm được tung ra bán hàng theo hình thức “lúa non”, góp vốn thỏa thuận với nhiều rủi ro”, ông Nguyễn Ngọc Dinh - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Bắc bộ nói.
Đồng quan điểm trên, ông Đỗ Quý Duy - Giám đốc kinh doanh Tập đoàn bất động sản Hải Phát, bổ sung rằng giao dịch bất động sản tại Thanh Hóa vẫn chủ yếu giữa người dân trong tỉnh. Người mua thường “lướt sóng”, bỏ cọc.
Cũng theo ông Duy, quy hoạch ở địa phương đa dạng nhưng thiếu chiều sâu, các khu công nghiệp rời rạc không tạo thành một hệ sinh thái. Tại Thanh Hóa chưa có khu công nghiệp lớn hình thành một cách bài bản. Do đó, chưa thu hút các chủ đầu tư lớn cả trong nước lẫn nước ngoài vào bất động sản công nghiệp.
Ngoài ra, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Thanh Hóa cũng phải cạnh tranh gay gắt. Hiện Condotel Thanh Hoá đang bán quanh mức 40 triệu đồng/m2, tuy nhiên với mức giá này, các nhà đầu tư sẽ chọn Quy Nhơn (Bình Định) với nhiều ưu thế hơn. Còn ở phân khúc cao cấp, nhà đầu tư hoàn toàn có thể chọn Nha Trang hay Đà Nẵng. Nếu lựa chọn ngôi nhà thứ hai, nhà đầu tư sẽ chọn ở Hoà Bình hay Vĩnh Phúc vì vị trí gần Hà Nội hơn, giá vốn đang ở mức hợp lý. Do đó theo ông Duy, lựa chọn sản phẩm đầu tư nào ở Thanh Hoá đang là bài toán rất khó giải.
Ông Phan Xuân Cần - Chủ tịch Soho Việt Nam cho rằng, bất động sản Thanh Hóa có tiềm năng nhưng phải đi chậm, đi chắc. Đối với bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, để khai thác nghỉ dưỡng 4 mùa, Thanh Hoá cần có quá trình, thời gian đầu tư, thu hút người dân đến và thay đổi xu hướng du lịch. Đặc biệt, phải “tạo ra công ăn việc làm trước, bất động sản sẽ đi theo”, ông Cần nhấn mạnh điểm này.
Cùng với đó, Thanh Hóa cũng cần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 của Thanh Hóa đạt 63,21 điểm, giảm 0,7 điểm so với năm trước; xếp thứ 43 toàn quốc, giảm 15 bậc so với năm 2020, thuộc nhóm trung bình. Đây là tình trạng khá đáng báo động. Ngoài ra, tỉnh cũng cần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để phục vụ cho công tác triển khai hạ tầng và bàn giao đất cho doanh nghiệp triển khai được sớm nhất.
Tin liên quan
Tin khác

Thị trường bất động sản bán lẻ Hà Nội tăng trưởng ấn tượng

Phát triển nhà ở xã hội: Tăng lợi nhuận cho chủ đầu tư có phải là giải pháp căn cơ?

Bất động sản TP. Hồ Chí Minh: Sức cầu ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực

Niềm tin người mua nhà được củng cố

Thế hệ trẻ nan giải bài toán an cư

Lừa đảo mua nhà ở xã hội: Cẩn thận tiền mất, tật mang

“Kiềng ba chân” bảo chứng cho lợi thế kinh doanh vững chắc tại Asia Vibe

Mở ra cơ hội cho người trẻ mua nhà

Sốt đất ảo tại Quảng Nam, chính quyền tăng cường kiểm soát
