Bất động sản “hàng hiệu” có lên ngôi?
![]() | Gỡ “nút thắt” để phát triển bền vững thị trường bất động sản |
![]() | Tín dụng bất động sản: Không thắt nhưng phải chặt |
Bến đỗ mới của thị trường
Thời gian gần đây, nhiều dự án bất động sản (BĐS) hàng hiệu đã xuất hiện tại Việt Nam. Trong đó, TP. Đà Nẵng đang được đánh giá nằm trong nhóm 20 thị trường hàng đầu thế giới về phân khúc này. Với bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi, BĐS hàng hiệu được kỳ vọng trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn, chờ đón những cơ hội mới...
Hiện, có điều rất đáng chú ý là không phải Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, mà Đà Nẵng lại trở thành bến đỗ mới của BĐS hàng hiệu, khi mới đây được xướng tên trong top 20 nhóm thị trường hàng đầu thế giới. Tại Đà Nẵng, nguồn cung về căn hộ và biệt thự có dấu hiệu tăng sau khi thành phố chính thức mở cửa cho khách du lịch quốc tế, sau một thời gian “chiến đấu” với dịch Covid-19. Trên thực tế, thời gian qua, TP. Đà Nẵng luôn đóng vai trò quan trọng, hạt nhân trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên, được tập trung phát triển trở thành “thành phố đáng sống nhất Việt Nam”, một “thiên đường” du lịch nghỉ dưỡng… Trước cơn “bão dịch” mang tên Covid-19, chỉ trong năm 2019, TP. Đà Nẵng đã đón gần 8,7 triệu lượt khách với mức doanh thu lên đến 31 nghìn tỷ đồng. Trong đó, lượng du khách quốc tế tăng 10 lần trong một thập kỷ qua. Đà Nẵng liên tục được vinh danh tại các giải thưởng danh giá quốc tế như: “Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu Châu Á” của Tổ chức Du lịch thế giới, hay “Điểm đến hàng đầu năm 2020” do Google bình chọn…
![]() |
BĐS hàng hiệu không phải là một phân khúc rộng của thị trường |
Hội tụ các yếu tố để trở thành thiên đường du lịch, thời gian gần đây TP. Đà Nẵng đang là lựa chọn ưu tiên của các “ông lớn” BĐS, cùng những thương hiệu quản lý vận hành khách sạn hàng hiệu của thế giới. Đến nay, thành phố đã trở thành điểm đến của nhiều thương hiệu lớn trong lĩnh vực BĐS hàng hiệu. Trong đó, có thể kể đến hàng loạt thương hiệu như, Hyatt, InterContinental, Sheraton, Best Western. Sự xuất hiện của tên tuổi Marriott International với thương hiệu Le Méridien là minh chứng về sức hút khó cưỡng của thị trường BĐS hàng hiệu tại địa phương. Theo các chuyên gia, có những yếu tố đặc biệt đem lại sức hấp dẫn cho thị trường BĐS Đà Nẵng nói chung và BĐS hàng hiệu nói riêng. Đầu tiên chính là những giá trị nội tại như điều kiện tự nhiên, danh lam thắng cảnh. Đây là những yếu tố quan trọng để vùng đất Đà Nẵng trở thành một thị trường đầu tư bền vững. Tiếp theo, tại TP. Đà Nẵng giá BĐS thường rất sát giá trị thật. Bên cạnh đó, sự phục hồi du lịch sau 2 năm chịu ảnh hưởng dịch bệnh và những chính sách cải cách sẽ thay đổi bộ mặt của Đà Nẵng, tạo tiền đề cho sự phát triển của thành phố bên bờ sông Hàn.
Từ đầu năm 2022 đến nay, trên thực tế thị trường, TP. Đà Nẵng trở nên sôi động hơn nhờ sự tham gia và mở rộng hoạt động của các thương hiệu quốc tế. Tiêu biểu nhất có thể kể đến kế hoạch mở rộng đầu tư của tập đoàn khách sạn Marriott International. Bên cạnh đó, thị trường cũng sẽ đón nhận thêm lượng lớn dự án nghỉ dưỡng, căn hộ cao cấp từ các thương hiệu lớn như, dự án Fusion Resort & Villas, Le Méridien Resort & Spa hay The Filmore...
Ông Nguyễn Đức Thêm, quản lý cấp cao bộ phận Kinh doanh nhà ở của Savills Hà Nội cho rằng, sự tham gia và mở rộng của các thương hiệu khách sạn, nghỉ dưỡng lớn tại Đà Nẵng là một tín hiệu đáng mừng, khẳng định vị thế của thành phố trên trường quốc tế. Với danh tiếng toàn cầu, những thương hiệu này là cơ sở cần thiết để các nhà đầu tư ngoại quốc đặt niềm tin khi đầu tư các dự án hàng hiệu tại Đà Nẵng. Từ đó, các sản phẩm Second home (ngôi nhà thứ hai) sẽ được săn đón nhiều hơn tại địa phương.
Kênh đầu tư hấp dẫn
Báo cáo chuyên sâu về BĐS hàng hiệu của Savills World Research mới đây đã khẳng định, lĩnh vực BĐS sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và đa dạng trong vòng 5 năm tới. Thị trường BĐS hàng hiệu ghi nhận mức tăng trưởng 230% trong vòng một thập kỷ qua. Hiện nay, trên thế giới có khoảng gần 100 nghìn căn hộ trong phân khúc này. Nguồn cung được dự báo sẽ tăng gần gấp đôi trước năm 2026...
Theo các chuyên gia, loại hình BĐS hàng hiệu có tác động tích cực tới thị trường trong việc mang tới tiêu chuẩn thiết kế tầm cỡ cũng như tạo ra nhiều trải nghiệm đẳng cấp đạt chất lượng và dịch vụ quản lý đồng bộ theo tiêu chuẩn toàn cầu. Đáng chú ý, Đà Nẵng nằm trong top 20 thành phố hàng đầu về BĐS hàng hiệu với mức tăng trưởng nguồn cung tương lai tới 57% từ các dự án hiện tại. Bên cạnh đó, giá đất BĐS của Đà Nẵng ở mức rất hợp lý nên việc đầu tư vào Đà Nẵng trong thời điểm này sẽ mang lại nhiều cơ hội triển vọng cho nhà đầu tư... Cũng theo ông Nguyễn Đức Thêm, thị trường BĐS tại Đà Nẵng sở hữu dịch vụ và tiện ích vốn có ở các thành phố lớn, đồng thời luôn mang đến trải nghiệm nghỉ dưỡng cho người sử dụng. Đây là nét độc đáo hiếm có của Đà Nẵng. Điều này, kèm với các thương hiệu quốc tế, là hai yếu tố chủ lực thu hút giới đầu tư. Tuy nhiên, các sản phẩm hàng hiệu và cao cấp tại Đà Nẵng còn tương đối hạn chế. Bởi vậy, trong thời gian tới, thị trường vẫn còn đó nhiều cơ hội và tiềm năng để phát triển.
Được biết, hiện TP. Đà Nẵng đang triển khai hàng loạt chương trình kích cầu du lịch như “Enjoy Danang - Tận hưởng Đà Nẵng”. Đây là động lực cần thiết để thúc đẩy thị trường du lịch, từ cả nguồn khách nội địa và quốc tế. Kéo theo đó, nhu cầu về BĐS nghỉ dưỡng, đặc biệt phân khúc hàng hiệu cũng sẽ được hưởng lợi xu hướng này. Bên cạnh đó, theo Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thay vì phát triển theo bề ngang, các khu đô thị hiện hữu sẽ được tái phát triển theo mô hình đô thị nén, nâng cao hệ số sử dụng đất. Định hướng này được đưa ra với mục đích hạn chế ảnh hưởng tới hệ sinh thái nội và ngoại vùng. Từ đó, Đà Nẵng đặt mục tiêu trở thành trung tâm du lịch ven biển của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Nhiều chuyên gia nhận định, dù có những tiềm năng, song BĐS hàng hiệu thường không phải là phân khúc rộng của thị trường. Đây có thể được xem là một thị trường ngách đối với các nhà đầu tư và đa phần người mua, do nguồn cung khan hiếm và mức giá cao. Trong đó, với các chủ đầu tư, phân khúc BĐS hàng hiệu đòi hỏi dòng vốn đủ mạnh. Bên cạnh đó là những đòi hỏi khắt khe về vị trí, quy mô, tiện ích của dự án. Còn khách hàng đương nhiên phải là những “thượng đế” có tiềm lực về kinh tế, sẵn sàng dốc hầu bao... Bởi vậy, phân khúc BĐS hàng hiệu liệu có “lên ngôi” hay không đang là một câu hỏi còn bỏ ngỏ đáp án.
Tin liên quan
Tin khác

Thị trường bất động sản bán lẻ Hà Nội tăng trưởng ấn tượng

Phát triển nhà ở xã hội: Tăng lợi nhuận cho chủ đầu tư có phải là giải pháp căn cơ?

Bất động sản TP. Hồ Chí Minh: Sức cầu ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực

Niềm tin người mua nhà được củng cố

Thế hệ trẻ nan giải bài toán an cư

Lừa đảo mua nhà ở xã hội: Cẩn thận tiền mất, tật mang

“Kiềng ba chân” bảo chứng cho lợi thế kinh doanh vững chắc tại Asia Vibe

Mở ra cơ hội cho người trẻ mua nhà

Sốt đất ảo tại Quảng Nam, chính quyền tăng cường kiểm soát
