Bất động sản chăm sóc sức khỏe: Gỡ nút thắt để khơi dòng vốn đầu tư
![]() | Doanh nghiệp bất động sản: Chuyển đổi số để thích ứng với thị trường |
Trong bối cảnh trầm lắng của thị trường bất động sản (BĐS), các chuyên gia vẫn rất tin tưởng vào triển vọng phục hồi thị trường. Tuy nhiên để phát triển bền vững, dài hạn, nhà đầu tư (NĐT) cần mở ra các loại hình BĐS hướng tới việc mang lại giá trị dịch vụ cho khách hàng, thay vì chỉ mua đi bán lại. Một trong những xu hướng đầu tư BĐS triển vọng và đang phát triển nhanh trên thế giới là BĐS chăm sóc sức khoẻ, mà ở Việt Nam cũng đang manh nha hình thành nhưng chưa trở thành một loại hình sản phẩm chuyên biệt.
Tiềm năng lớn nhưng phát triển tự phát
Theo Viện sức khoẻ toàn cầu (GWI), BĐS chăm sóc sức khỏe là những BĐS dân sự hoặc thương mại (văn phòng, khách sạn, nghỉ dưỡng…) có các yếu tố chăm sóc sức khỏe tích hợp trong thiết kế, vật liệu, cách thức xây dựng hay dịch vụ, tiện ích đi kèm hay mục đích sử dụng. Qua đó hỗ trợ chăm sóc sức khỏe toàn diện cho gia chủ. Tuy đây là một xu hướng mới, BĐS chăm sóc sức khỏe đang có tốc độ phát triển khá nhanh trên thế giới.
![]() |
Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển BĐS chăm sóc sức khỏe |
Số liệu của GWI cho thấy quy mô nền kinh tế có liên quan tới chăm sóc sức khoẻ toàn cầu năm 2020 đạt khoảng 4.400 tỷ USD và dự kiến đạt đến 7.000 tỷ USD vào năm 2025. Trong bối cảnh đó, số lượng các dự án BĐS chăm sóc sức khoẻ đã tăng gấp ba lần, từ 740 dự án trên toàn thế giới vào năm 2017 hiện lên hơn 2.300 dự án và còn nhiều hơn các dự án đang phát triển. Riêng lĩnh vực du lịch chăm sóc sức khoẻ toàn cầu đạt 617 tỷ USD năm 2017 và dự kiến tăng lên 816,5 tỷ USD năm 2022, sau đó lên tới 1.127,6 tỷ USD vào năm 2025, mức tăng trưởng trung bình hơn 20%/năm.
Ông Nguyễn Hoàng, chuyên gia nghiên cứu thị trường BĐS cho biết, hiện nay khu vực châu Á đang dẫn đầu xu thế đầu tư BĐS chăm sóc sức khoẻ với quy mô của ngành này khoảng 1.500 tỷ USD. Một số quốc gia có thể kể đến như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc… đã lọt vào top 20 thị trường du lịch chăm sóc sức khoẻ hàng đầu thế giới năm 2020, với doanh số dao động từ 3,5 - 19,5 tỷ USD.
Việt Nam được đánh giá là đất nước có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch chăm sóc sức khoẻ. Tuy nhiên các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe nhìn chung còn ít, chưa đa dạng, chưa tương xứng với tiềm năng. Các chuyên gia BĐS đánh giá loại hình này của Việt Nam còn chưa được khẳng định trên bản đồ du lịch chăm sóc sức khoẻ của thế giới. Đây là điều đáng tiếc. Bởi mức chi tiêu cho du lịch chăm sóc sức khoẻ luôn cao hơn so với du lịch thông thường, cụ thể là đối với khách du lịch quốc tế chi tiêu nhiều hơn 35% và khách du lịch nội địa chi nhiều hơn 77%. Điển hình là chi phí thuê phòng của các khu du lịch nghỉ dưỡng này luôn ở mức cao từ vài trăm USD đến hàng ngàn USD một đêm, ngay cả tại Việt Nam. Vì vậy, để phát triển cả thị trường BĐS cũng như mang lại nhiều giá trị gia tăng cho ngành du lịch, các chuyên gia khuyến nghị cần chú trọng tới việc đầu tư bài bản vào các BĐS chuyên biệt về chăm sóc sức khoẻ.
Cần đa dạng hoá nguồn vốn
Mặc dù tiềm năng phát triển lớn như vậy, song theo các chuyên gia, việc phát triển thị trường du lịch chăm sóc sức khoẻ nói chung và BĐS chăm sóc sức khoẻ nói riêng ở Việt Nam còn nhiều khó khăn. Vướng mắc đến từ việc thiếu các khái niệm cơ bản về ngành này để các chủ đầu tư xây dựng mô hình kinh doanh và cơ sở hạ tầng chuyên biệt. Vì chưa có khái niệm rõ ràng nên Việt Nam cũng chưa có hoạt động quảng bá rộng rãi để thu hút khách hàng du lịch trong nước và quốc tế.
Vướng mắc lớn hơn đến từ việc thiếu vốn đầu tư cho loại hình BĐS chăm sóc sức khoẻ. Trong báo cáo mới đây gửi tới Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá, cơ cấu nguồn lực cho thị trường BĐS còn bất hợp lý, chủ yếu từ nguồn tín dụng ngân hàng, vốn huy động qua phát hành trái phiếu và tiền ứng trước của khách hàng, vốn chủ đầu tư chỉ chiếm khoảng 15 - 30% tổng mức đầu tư của dự án. Hiện nay trên thị trường BĐS nói chung chưa có các nguồn vốn trung, dài hạn ổn định cho thị trường.
Bà Hà Thu Giang, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cũng cho rằng, các doanh nghiệp BĐS không nên quá phụ thuộc nguồn vốn vay ngân hàng. Bà Giang khẳng định, về cơ chế chính sách, NHNN đã ban hành đầy đủ và cơ chế cho vay hiện nay dựa trên cơ sở tự thỏa thuận giữa NHTM đối với khách hàng. Tính đến cuối tháng 8, tín dụng trong lĩnh vực BĐS tăng trưởng 15,68%, cao hơn mức tăng chung 11%, với quy mô 2,4 triệu tỷ đồng. Nhưng trong đó tín dụng lĩnh vực BĐS chủ yếu ở đối tượng mua nhà để ở, cho vay kinh doanh BĐS chỉ chiếm 1/3. NHNN luôn khuyến nghị nguồn vốn đầu tư vào BĐS nói chung cần được huy động từ nhiều nguồn khác như FDI, vốn tự có, phát hành trái phiếu...
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cũng cho rằng, ngoài các nguồn cung ứng vốn là tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp; thì NĐT cần khai thác các nguồn khác như cổ phiếu, vốn FDI, quỹ đầu tư, hoạt động M&A… Bên cạnh đó, ông Lực khuyến nghị cho phép thành lập các định chế tài chính BĐS chuyên biệt như quỹ/cơ quan tiết kiệm nhà ở, quỹ tín thác đầu tư BĐS, cơ quan tái tài trợ BĐS thế chấp nhà ở, chứng khoán hóa BĐS...
Để huy động thêm nguồn vốn từ bên ngoài, TS. Cấn Văn Lực cho rằng cần tiếp tục giải quyết bằng việc tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý. Theo đó, việc cho phép người nước ngoài được mua condotel sẽ không chỉ giải quyết một phần về vốn cho chủ đầu tư, giải quyết các khó khăn tắc nghẽn của BĐS nghỉ dưỡng hiện nay, mà còn hấp dẫn thêm khách nước ngoài đến du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khoẻ tại Việt Nam.
“Quan điểm của tôi là cần tiếp tục nghiên cứu để cho phép người nước ngoài được mua, được sở hữu nhà ở, các loại hình BĐS tại Việt Nam trong đó có BĐS nghỉ dưỡng, được nhận tài sản thế chấp. Điều này phải nhất quán và hoàn toàn khả thi, đảm bảo có lợi cho các bên và đặc biệt là an toàn”, ông Lực chia sẻ thêm.
Tin liên quan
Tin khác

Thị trường bất động sản bán lẻ Hà Nội tăng trưởng ấn tượng

Phát triển nhà ở xã hội: Tăng lợi nhuận cho chủ đầu tư có phải là giải pháp căn cơ?

Bất động sản TP. Hồ Chí Minh: Sức cầu ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực

Niềm tin người mua nhà được củng cố

Thế hệ trẻ nan giải bài toán an cư

Lừa đảo mua nhà ở xã hội: Cẩn thận tiền mất, tật mang

“Kiềng ba chân” bảo chứng cho lợi thế kinh doanh vững chắc tại Asia Vibe

Mở ra cơ hội cho người trẻ mua nhà

Sốt đất ảo tại Quảng Nam, chính quyền tăng cường kiểm soát
