Bất cập trong thanh toán bằng tài sản công
![]() | Quản lý sử dụng tài sản công hiệu quả: Công khai, đề cao trách nhiệm người đứng đầu |
![]() | Siết chặt quản lý tài sản công |
![]() | Để tránh thất thoát tài sản công |
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về “Dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức xây dựng, chuyển giao - BT”.
Với việc cho phép dùng các tài sản công như: tài sản kết cấu hạ tầng, tài sản công tại cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập… để thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT, thời gian tới ngoài quỹ đất, chính quyền các địa phương còn có thể dùng tài sản công trên đất để thanh toán cho các nhà đầu tư mà không cần thông qua hình thức đấu giá.
![]() |
Nhiều nhà đầu tư rất muốn tham gia vào những dự án như khu đô thị Thủ Thiêm (TP. HCM) |
Quá dễ dãi với nhà đầu tư dự án BT
Chưa xét đến việc bổ sung quy định sử dụng tài sản công để thanh toán cho dự án BT như Dự thảo Nghị định đang được lấy ý kiến. Chỉ xét riêng thực trạng “đổi đất lấy hạ tầng” trong vòng 10 năm trở lại đây, nhiều chuyên gia kinh tế - đầu tư đã cho rằng hình thức đầu tư BT đang có quá nhiều lỗ hổng để chính quyền địa phương và các nhà đầu tư “chia chác” tài sản công là quỹ đất thuộc sở hữu toàn dân.
TS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, về mặt nguyên tắc, quỹ đất đối ứng và giá trị tiền sử dụng đất chỉ được xác định sau khi dự án BT hoàn thành và bàn giao. Tuy nhiên, hầu hết dự án BT hiện nay tiền sử dụng đất đã được tạm tính ngay tại thời điểm ký hợp đồng để tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện song song cả 2 dự án BT và dự án khác đối ứng. Khi dự án hoàn thành, lẽ ra phải thực hiện kiểm toán kỹ thuật và kiểm toán tài chính để xác định chính xác chất lượng, giá trị, làm cơ sở cho việc thanh toán bằng đất. Song thực tế, chưa có dự án BT nào được kiểm toán mà chỉ là quyết toán. Vì vậy rất dễ phát sinh thất thoát nguồn lực về đất đai.
Phân tích kỹ hơn, ông Nguyễn Văn Đực, Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành (TP.HCM) cho rằng, mấu chốt của việc thất thoát tài sản công tại các dự án BT nằm ở lỗ hổng về cơ chế chỉ định nhà đầu tư. Ông Đực cho rằng nếu chưa giải quyết được thực trạng thân hữu, lợi ích nhóm, thì không nên thực hiện đầu tư theo hình thức BT tràn lan. Bởi khi các tài sản công là các quỹ đất không được mang ra đấu giá thì hầu như không xác định được giá thị trường. Từ đó nhiều mảnh đất thuộc các vị trí đắc địa bị định giá thấp hơn 2-3 thậm chí hàng chục lần so với giá thực tế. Nếu các chủ đầu tư một mặt thỏa thuận hạ giá được quỹ đất đối ứng mà chính quyền phải “thanh toán”, một mặt nâng giá được công trình BT thì sẽ được lợi hai đầu. Trong khi đó Nhà nước thì chịu thất thoát tài sản công là quỹ đất vốn thuộc sở hữu toàn dân.
Trên thực tế, các phân tích trên không phải không có lý. Bởi hiện nay mặc dù không vấp phải nhiều phản ứng từ dư luận như các dự án xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) nhưng các dự án BT vẫn đang xảy ra thất thoát lớn. Những kết luận của Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây cho thấy chỉ tính riêng địa bàn TP. Hà Nội đã có hàng chục dự án BT sai phạm trong việc định giá tài sản quỹ đất và “đổi chác” không tương xứng giữa giá trị quỹ đất công với giá trị công trình BT. Thậm chí có những dự án BOT do vướng vào nợ xấu ngân hàng phải xin chuyển sang hình thức BT để tận dụng các nguồn lực công.
Cẩn trọng phát sinh thêm nợ xấu
Theo tờ trình của Bộ Tài chính, sở dĩ cần phải xây dựng nghị định cho phép dùng các tài sản công ngoài quỹ đất để thanh toán cho các dự án BT là vì từ đầu năm 2018 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công sẽ chính thức có hiệu lực, trong đó có quy định bổ sung cho phép thanh toán dự án BT bằng các tài sản công ngoài quỹ đất.
Tuy nhiên, xem xét cả Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và dự thảo nghị định nêu trên cho thấy việc xác định giá trị tài sản công để thanh toán cho các chủ đầu tư dự án BT đều chỉ nói chung chung là “được xác định theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán theo quy định của pháp luật”. Việc lựa chọn nhà đầu tư dự án BT cũng chỉ được thể hiện là “theo quy định của pháp luật về đấu thầu” chứ không có các hướng dẫn chi tiết nào.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín, Giám đốc điều hành Trường Doanh nhân BizLight, việc quy định chưa rõ ràng về cơ chế xác định giá trị tài sản công, cũng như cơ chế “đấu thầu nửa mùa” sẽ rất dễ dẫn đến các nguy cơ lợi ích nhóm. Thực tế nhiều dự án BT do nhà đầu tư đề xuất, sau đó đưa ra sơ tuyển, nhưng không có nhà đầu tư nào khác quan tâm vì họ nhìn thấy dự án đã có chủ, do lợi ích nhóm, “cánh hẩu” chi phối. Nói cách khác, nhiều trường hợp dự án BT là do chủ đầu tư đề xuất khởi phát từ việc nhắm đến một khu đất nào đó, sau đó gặp lãnh đạo địa phương, vẽ ra một dự án công để có cớ dùng khu đất này vào việc hoàn vốn.
Đứng từ góc độ tín dụng ngân hàng, ông Tín cho rằng những dự án kiểu này chứa đựng quá nhiều tiềm ẩn nợ xấu bởi vì các chủ đầu tư được chọn thực hiện các dự án BT nhiều trường hợp không phải là những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính tốt. Chẳng hạn họ đứng ra nhận một dự án giá trị 300 tỷ đồng thì thực tế họ vay ngân hàng đến 60-70%. Sau khi triển khai dự án BT ban đầu họ tiếp tục được thuê dài hạn quỹ đất hoặc tài sản công trên đất mà Nhà nước đã thanh toán. Địa phương sẽ tiếp tục cấp phép thực hiện các công trình như chung cư, trung tâm thương mại… trên nền quỹ đất. Các NHTM cũng tiếp tục đứng ra bảo lãnh xây dựng các công trình này. Đến lúc họ đi vào mở bán, kinh doanh, các ngân hàng lại tiếp tục dồn vốn cho các nhà đầu tư thứ cấp. “Như thế giá trị đất đai ở các dự án dễ bị thổi phồng, tín dụng dễ bị chồng lấn”, ông Tín phân tích.
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Ưu tiên thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng
