Bảo vệ người tiêu dùng: Băn khoăn điều kiện được giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn
Cần quy định cụ thể danh mục hàng hóa dịch vụ bình ổn giá Đại biểu Quốc hội: Cần tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp |
Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) và nhiều đại biểu khác đánh giá rất cao đối với quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật. Hầu hết những ý kiến xác đáng cũng đã được tiếp thu, những ý kiến chưa được tiếp thu đã được giải trình cơ bản cặn kẽ, tuy nhiên vẫn còn khá nhiều quy định bất hợp lý và không khả thi…
Áp dụng thủ tục rút gọn khi giá trị giao dịch phải dưới 100 triệu đồng chưa hợp lý
Về các quy trình mà các tổ chức, cá nhân kinh doanh phải ban hành để bảo vệ người tiêu dùng, dự thảo quy định tất cả các tổ chức, cá nhân kinh doanh chỉ trừ cá nhân hoạt động thương mại mà không phải đăng ký kinh doanh thì đều phải ban hành quy trình giải quyết yêu cầu khiếu nại của người tiêu dùng.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) |
Đại biểu cho biết so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, dự thảo hiện nay cũng đã quy định nhiều nội dung trực tiếp để bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời cũng đã lược bỏ nhiều nội dung giao cho tổ chức, cá nhân kinh doanh phải ban hành và việc quy định như vậy là phù hợp để tăng hiệu lực áp dụng trực tiếp của luật và giảm bớt chi phí tuân thủ pháp luật cho xã hội.
Tuy nhiên, việc quy định tất cả các loại hình doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân hoạt động thương mại có đăng ký kinh doanh đều phải ban hành quy trình giải quyết yêu cầu khiếu nại của người tiêu dùng thì cần phải cân nhắc.
Theo số liệu thống kê chỉ tính riêng doanh nghiệp, hiện nay trên cả nước có khoảng 870.000 doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp không có mối quan hệ trực tiếp với người tiêu dùng. Ví dụ như những doanh nghiệp chuyên bán buôn hoặc những doanh nghiệp chỉ nhận gia công một bộ phận của sản phẩm, hàng hóa, hay những doanh nghiệp siêu nhỏ là những doanh nghiệp theo quy định có quy mô lao động dưới 10 người mà cũng phải bắt buộc ban hành quy trình giải quyết yêu cầu khiếu nại của người tiêu dùng thì rất khó khả thi.
Đại biểu đề nghị việc ban hành quy trình giải quyết yêu cầu khiếu nại của người tiêu dùng chỉ nên áp dụng đối với những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh những ngành hàng lớn, có tác động đối với diện rộng người tiêu dùng, ví dụ như là điện, nước, xăng dầu, các chuỗi siêu thị, các sàn thương mại điện tử lớn, dịch vụ vận chuyển hàng không và một số lĩnh vực khác, còn tất cả những trường hợp còn lại cần quy định trực tiếp ngay trong luật những vấn đề có tính nguyên tắc, những vấn đề có tính yêu cầu đặt ra đối với quá trình giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng để cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh căn cứ vào đó mà áp dụng. Phương án xử lý như vậy sẽ khả thi hơn và sẽ giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho xã hội.
Về các trường hợp bán hàng phải thông báo với Ủy ban nhân dân cấp xã tại Điều 47, dự thảo Luật quy định "trong trường hợp bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên mà có ít nhất 1 sản phẩm, hàng hóa có giá từ 100.000 đồng trở lên hoặc tổng giá trị hàng hóa từ 10 triệu đồng trở lên thì phải thông báo với Ủy ban nhân dân cấp xã để có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra".
Thể hiện sự tán thành việc quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc quản lý các trường hợp bán hàng lưu động, nhất là trong thời gian vừa qua đã xảy ra nhiều vụ lừa đảo ở vùng nông thôn, tuy nhiên, đại biểu cho biết sau khi luật thông qua sẽ có tuổi thọ 10-15 năm hoặc dài hơn, nếu chúng ta quy định mức tiền 100.000 đồng có thể ảnh hưởng đến tính ổn định của luật, bởi sau 10 năm nữa mức tiền 100.000 đồng này sẽ khác rất nhiều so với hiện nay. Do đó, đại biểu kiến nghị đối với mức tiền cụ thể tại Điều 47 nên giao cho Chính phủ hướng dẫn để phù hợp với tình hình thực tế trong từng giai đoạn.
Về việc giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn tại tòa án ở Điều 70. Dự thảo quy định "một trong những điều kiện để được giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn đó là khi giá trị giao dịch phải dưới 100 triệu đồng", tức là từ 101 triệu trở lên sẽ không được áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án.
Về vấn đề này ngay từ năm 2015 khi xây dựng Bộ luật Tố tụng dân sự đã rất phân vân, khi đó đã đề xuất giá trị giao dịch là 50 triệu hay 70 triệu để được áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết vụ án, nhưng sau đó đã phải bỏ đề xuất này bởi vì không phù hợp với thực tế.
Bởi lẽ, trong lĩnh vực tư pháp, tính chất phức tạp của một vụ án không phụ thuộc vào giá trị tranh chấp lớn hay nhỏ, là 100 triệu, 1 tỷ hay là 10 tỷ mà nó phụ thuộc vào tình tiết chứng cứ của vụ án có rõ ràng, đầy đủ hay không.
Trong rất nhiều trường hợp, có khi giá trị tranh chấp chỉ là vài triệu đồng nhưng tình tiết thì rất phức tạp, chứng cứ không rõ ràng, các bên không lập hợp đồng mà thỏa thuận miệng và cho đến nay không thừa nhận nghĩa vụ đã cam kết thì không thể áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp, mặc dù chỉ là vài triệu đồng.
Nhưng ngược trở lại có những vụ án giá trị tranh chấp lên đến vài chục tỷ đồng nhưng các bên lập hợp đồng rất rõ ràng, chặt chẽ và mỗi lần giao hàng đều có biên bản giao, nhận đầy đủ thì vẫn có thể áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết.
“Chúng tôi cũng xin cung cấp thêm là chúng ta đã có một kinh nghiệm lập pháp rất tốt, khi ban hành Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu và trong nghị quyết này, Quốc hội cũng đã dành riêng Điều 8 để quy định về các điều kiện được áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp đối với vấn đề xử lý tài sản bảo đảm cho các khoản nợ xấu. Mặc dù tranh chấp về tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu ngân hàng thường có giá trị rất lớn, có những vụ lên đến vài chục tỷ, vài trăm tỷ nhưng Quốc hội cũng không khống chế giá trị tranh chấp khi quyết định giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn.
Vậy trong những vụ án liên quan đến nhu cầu tiêu dùng, tính chất của nó thường sẽ đơn giản hơn mà dự thảo lại khống chế không được vượt quá 100 triệu như vậy là chưa phù hợp với thực tế và chưa đồng bộ trong cách tiếp cận của các luật, nghị quyết của chúng ta hiện nay”, đại biểu Thủy dẫn chứng và kiến nghị bỏ điều kiện về giá trị tranh chấp và không nên hạn chế việc giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn chỉ vì giao dịch đó có giá trị hơn 100 triệu đồng, trong khi tất cả những điều kiện khác đều được thỏa mãn điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn.
Chưa chắc kiện đã đúng, nhưng kiện xong đưa lên công khai cần cân nhắc
Cùng phát biểu về nội dung này, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, Bộ luật Dân sự quy định về thủ tục rút gọn tại Điều 37 như các đại biểu đã nêu, nếu như tất cả các vụ án dân sự, trong đó các vụ kiện liên quan đến người tiêu dùng thỏa mãn các điều kiện của Điều 37 thì được áp dụng thủ tục rút gọn.
![]() |
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại hội trường |
Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự cũng có Điều 36 mở đường cho các bộ luật khác, nếu như các bộ luật khác quy định có thể áp dụng rút gọn thì trình tự, thủ tục rút gọn phải theo tố tụng dân sự. Như vậy, Bộ luật Tố tụng dân sự không cấm các bộ luật khác quy định trình tự rút gọn và mở đường cho các bộ luật khác có thể quy định thủ tục rút gọn.
“Chúng ta hiểu không chỉ luật đang bàn mà các luật khác nếu có thể áp dụng rút gọn. Tại sao áp dụng rút gọn, là để giải quyết vụ việc cho nhanh, tinh thần là như vậy. Quay lại quy định như dự thảo tại Điều 70 là trích dẫn Điều 37 nhưng lại đưa thêm 100 triệu vào đây, đại biểu Thân và đại biểu Thủy nói không phải là bảo vệ người tiêu dùng mà hạn chế quyền của người tiêu dùng. Nhận định như thế là đúng, có những việc trên 100 triệu nhưng thủ tục rất đơn giản, 1 tỷ, 2 tỷ rõ ràng, thỏa mãn Điều 37 vẫn có thể áp dụng để rút gọn, còn chúng ta quy định như vậy thực chất là hạn chế quyền của người tiêu dùng, cho nên các đại biểu đề nghị phải bỏ điều này ra”, đại biểu nói.
Tuy nhiên, tham khảo kinh nghiệm thế giới, với các vụ án có quy mô nhỏ, mà quy mô ở đây chính là giá trị thì họ cũng giải quyết rất đơn giản.
Ví dụ như luật của Đức không phải chỉ có Luật Bảo vệ người tiêu dùng mà tất cả các tranh chấp dân sự có giá trị dưới 5.000 Euro thì Tòa án tối cao không giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm.
Tại sao người ta đặt ra câu chuyện như vậy, là bởi vì nếu như giải quyết sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, xong lại quay lại sơ thẩm thì chi phí của xã hội cho giải quyết một vụ án có quy mô nhỏ này còn lớn gấp nhiều lần giá trị tranh chấp là 1000 Euro, 2000 Euro. Cho nên, nhiều nước quy định giá trị của tranh chấp để người ta làm cho xã hội không phải mất công vào những chuyện lặt vặt.
Quay lại câu chuyện của chúng ta, bảo vệ tranh chấp của người tiêu dùng là có quy mô dưới 100 triệu đồng Ban soạn thảo cũng tham khảo kinh nghiệm thế giới…
Cũng theo ông Nguyễn Hòa Bình, khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong tất cả các hiệp định thương mại tự do người ta đều khuyến cáo Việt Nam phải nội luật hóa nghĩa vụ của bên thua, tức là việc người tiêu dùng hay trường hợp khác đi kiện mà thắng thì đương nhiên nhà sản xuất hay nhà cung cấp dịch vụ phải bồi thường.
Nhưng trong trường hợp người tiêu dùng đi kiện mà lại không đúng, lợi dụng việc đi kiện, doanh nghiệp đang sản xuất rất có uy tín nhưng bị kiện để làm mất uy tín của người ta, người ta không bán hàng được, gây thiệt hại cho người ta thì pháp luật của chúng ta chưa đặt ra nghĩa vụ của bên thua.
Trong các hiệp định thương mại tự do người ta khuyến cáo việc xác định trách nhiệm, nghĩa vụ của bên thua. Trong đó, nghĩa vụ của người đi kiện, tức là người tiêu dùng chúng ta cũng nói là xử theo luật, nhưng thực ra chúng ta không có nghĩa vụ trong trường hợp lợi dụng việc này làm mất uy tín của nhà sản xuất đứng đắn, nghiêm túc, làm theo pháp luật nhưng bị đưa lên mạng.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, việc đi kiện, sau đó đưa lên mạng công khai, cần cân nhắc. Vì đi kiện không có nghĩa người đi kiện là đúng, cho nên đưa lên mạng công khai thì điều này cần phải cân nhắc lại, bởi vì đây là quyền con người, quyền của doanh nghiệp, chưa chắc anh kiện đã đúng nhưng đã kiện xong đưa lên công khai thì điều này liên quan đến nghĩa vụ của bên thua.
Tin khác

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Hội nghị thượng đỉnh P4G: Cơ hội để Việt Nam khẳng định những cam kết mạnh mẽ trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

Chung tay mở ra kỷ nguyên phát triển mới của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc

Thủ tướng: Tháo gỡ bằng hết những khó khăn, vướng mắc về thể chế

Thủ tướng: Thể chế là điểm nghẽn dễ tháo gỡ nhất để chuyển đổi trạng thái

Thành lập Đoàn đàm phán Chính phủ về các vấn đề thương mại với Hoa Kỳ

Phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng 11 khoá XIII

Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam có ý nghĩa chiến lược
