Bảo vệ người gửi tiền thời dịch bệnh
Từ đầu năm 2020 tới nay, các nền kinh tế lớn của thế giới đã và đang chao đảo trong làn sóng dịch Covid-19, qua đó không chỉ kích phát những cuộc khủng hoảng về y tế mà còn gây ra những tổn thất về tài chính đối với các tổ chức tín dụng cũng như người gửi tiền. Thực tế đặt ra yêu cầu phải có những giải pháp trong hoạt động và bảo vệ người gửi tiền nhằm ứng phó hữu hiệu trong tình hình mới.
Xây dựng cơ chế bảo vệ người gửi tiền trong khủng hoảng
Theo một khảo sát mới đây của Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI) về ảnh hưởng của dịch Covid-19, các cơ quan giám sát, điều hành về tài chính – ngân hàng, trong đó có tổ chức BHTG đã áp dụng nhiều biện pháp ứng phó với khủng hoảng nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, tăng tương tác với các tổ chức tham gia BHTG và người gửi tiền, tăng cường chia sẻ thông tin và phối hợp với các thành viên trong Mạng an toàn tài chính.
![]() |
Thực tế đặt ra yêu cầu phải có những giải pháp trong hoạt động và bảo vệ người gửi tiền nhằm ứng phó hữu hiệu trong tình hình mới |
Thứ nhất, tổ chức BHTG cần đảm bảo duy trì các nghiệp vụ cốt lõi thông qua việc xây dựng kế hoạch hoạt động liên tục (business continuity plan). Kế hoạch này nhằm duy trì hoạt động quan trọng của tổ chức BHTG khi số lượng nhân viên có thể giảm tạm thời, do giãn cách xã hội hoặc bất ổn kéo dài. Trong đó, tổ chức BHTG cần ưu tiên các hoạt động thiết yếu với số lượng nhân sự cần thiết tối thiểu, đồng thời xác định các hoạt động sẽ tạm ngừng trong thời gian diễn ra dịch bệnh. Cần có kế hoạch linh hoạt trong việc phân chia nhân sự hoặc làm việc luân phiên, làm việc từ xa, bao gồm cả việc củng cố các điều kiện làm việc từ xa như truy cập dữ liệu trực tuyến, đảm bảo an ninh mạng. Đặc biệt, cần đảm bảo công tác truyền thông chính sách BHTG trong giai đoạn dịch bệnh, phổ biến các thông tin quan trọng về BHTG và tài chính ngân hàng, ổn định tâm lý cho công chúng, tránh khủng hoảng do rút tiền hàng loạt
Thứ hai, cần đảm bảo lập kế hoạch dự phòng quản lý khủng hoảng về BHTG. Việc xây dựng các chiến lược ứng phó khủng hoảng và chính sách quản trị cần là trách nhiệm chung của tất cả thành viên mạng an toàn tài chính. Tổ chức BHTG cần là thành viên của tất cả khung khổ trao đổi thông tin và hợp tác giữa các thành viên mạng an toàn tài chính trong vấn đề ứng phó và quản trị khủng hoảng. Đặc biệt, tổ chức BHTG cần phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền về tài chính, ngân hàng thực hiện chiến dịch truyền thông nhằm dự phòng và quản lý, xử lý khủng hoảng.
Tổ chức BHTG cần tập trung truyền thông chính sách hiệu quả, nhất là khi xảy ra khủng hoảng. Khi đó, người gửi tiền cần nắm được những thông tin về an toàn tiền gửi, hoạt động của các ngân hàng, chính sách BHTG... trước những ảnh hưởng do dịch bệnh gây ra. Các tổ chức BHTG đã tập trung nâng cao nhận thức của công chúng về những lợi ích mà chính sách BHTG mang lại thông qua nhiều phương tiện truyền thông, trong đó có mạng xã hội như Facebook và Twitter, điển hình là ở các nước Colombia, Indonesia, Hong Kong, Kenya và Mexico.
Nhằm hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng, một số tổ chức BHTG đã phối hợp với cơ quan giám sát ngân hàng tạm ngừng hoặc giảm các yêu cầu về kiểm tra sức chịu đựng (stress-test) và giảm phí bảo hiểm trong trường hợp nhất định, điển hình là Cơ quan giám sát tài chính Quebec (AMF) và Tổng công ty BHTG Canada đã cho phép hoãn thời gian thu phí bảo hiểm. Tuy nhiên, một số tổ chức BHTG khác cho rằng không nên trì hoãn việc thu phí bảo hiểm vì điều này sẽ làm gián đoạn việc tích lũy quỹ BHTG. Không có trường hợp nào giảm phí bảo hiểm.
Một số tổ chức BHTG cũng đã lên kế hoạch dự phòng về việc tăng hạn mức nhằm củng cố niềm tin của công chúng và tránh rút tiền hàng loạt nếu xảy ra khủng hoảng. Cơ quan BHTG Thái Lan đã hoãn việc giảm hạn mức (đã được ấn định trước trên lộ trình chuyển từ bảo hiểm toàn bộ sang bảo hiểm với hạn mức xác định) đến tháng 8/2021.
Bảo vệ người gửi tiền trong trạng thái bình thường mới
Tại Việt Nam, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các giải pháp cấp bách của ngành Ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn của dịch bệnh Covid-19. Trong đó, tập trung thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, ổn định kinh tế vĩ mô; tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh; đáp ứng kịp thời, đầy đủ vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là để khôi phục và duy trì sản xuất cho các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Dịch Covid-19 đã và đang tác động trực tiếp đến tình hình hoạt động, chất lượng tài sản và kết quả kinh doanh của TCTD, giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng so với cùng kỳ các năm trước. Dịch bệnh tác động xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm suy giảm năng lực trả nợ của khách hàng khi đến hạn trong thời gian tới, gia tăng nợ xấu toàn hệ thống, ảnh hưởng đến việc kiểm soát nợ xấu và xử lý nợ xấu của các TCTD; đồng thời ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu đề ra tại phương án cơ cấu lại. Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận, dự kiến một số mục tiêu tại Đề án 1058 khó có khả năng hoàn thành vào cuối năm 2020, trong đó có mục tiêu về kiểm soát tỷ lệ nợ xấu.
Như vậy, với đặc thù chịu ảnh hưởng với “độ trễ” nhất định, trong thời gian tới, hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng sẽ bộc lộ nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đã xác định vai trò, nhiệm vụ của mình là luôn đồng hành cùng hệ thống ngân hàng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền trong mọi tình huống.
Thực hiện chủ trương của toàn ngành Ngân hàng, BHTGVN chủ động ban hành Kế hoạch hành động phòng, chống dịch Covid-19 nhằm ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của dịch bệnh, ứng phó có hiệu quả nhất góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người lao động. Các biện pháp rà soát, phòng dịch và khai báo y tế được triển khai đầy đủ trên toàn hệ thống bảo hiểm tiền gửi. Các nghiệp vụ như giám sát từ xa, kiểm tra tại chỗ được thực hiện hiệu quả, điều chỉnh phù hợp với diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Trong đó, tăng cường công tác khai thác, chia sẻ thông tin hiệu quả từ Ngân hàng Nhà nước nhằm đáp ứng nhu cầu của các nghiệp vụ BHTG. Ông Vũ Văn Long – Phó Tổng giám đốc BHTGVN cho biết, tùy theo diễn biến của dịch, BHTGVN đã xây dựng các phương án phù hợp, đảm bảo việc duy trì hoạt động thường xuyên, liên tục, hiệu quả của tổ chức. Ngay cả trong những tình huống xấu nhất, các hoạt động nghiệp vụ cốt lõi của BHTGVN vẫn không bị gián đoạn, do đó bảo đảm bảo vệ an toàn tiền gửi của người gửi tiền trong hệ thống ngân hàng.
Tính đến hết tháng 9/2020, BHTGVN bảo vệ cho gần 6 triệu tỷ đồng tiền gửi của người gửi tiền tại 1.283 tổ chức tham gia BHTG (96 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1 ngân hàng hợp tác xã, 1.182 quỹ tín dụng nhân dân và 4 tổ chức tài chính vi mô). Đặc biệt, trong thời gian tới, hạn mức BHTG có thể sẽ sớm được điều chỉnh lên mức 125 triệu đồng đối với mỗi người gửi tiền được bảo hiểm tại một tổ chức tham gia BHTG. Đây sẽ là mức tăng tương đối mạnh, qua đó bảo vệ quyền lợi người gửi tiền ở một mức độ cao hơn, hiệu quả hơn, nâng cao niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng.
Tin liên quan
Tin khác

Sáng 14/4: Tỷ giá trung tâm giảm 37 đồng

Lan tỏa tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi

Sáng 12/4: Bạc xanh tiếp tục lao dốc

Giải pháp thanh toán không tiền mặt cho hệ thống xe buýt công cộng

Lãi suất gửi tiền 1 tháng tại các ngân hàng hiện ra sao?

UOB kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ được giữ nguyên

Bảo hiểm nông nghiệp – "tấm khiên" vững chắc cho Hợp tác xã

Sáng 11/4: Tỷ giá trung tâm quay đầu giảm trở lại

Sáng 10/4: Tỷ giá trung tâm tăng 28 đồng
![[Infographic] Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam với một số ngoại tệ để xác định trị giá tính thuế từ 10-16/4](https://tbnhnew.mastercms.vn/stores/news_dataimages/2025/042025/10/07/infographic-ty-gia-tinh-cheo-cua-dong-viet-nam-voi-mot-so-ngoai-te-de-xac-dinh-tri-gia-tinh-thue-tu-10-164-20250410075435.jpg?rt=20250410075437?250410075759)