Băn khoăn viễn cảnh mới
![]() |
Ảnh minh họa |
Thực tế thị phần trên mảng điện thoại của Thế giới di động đã tăng rất nhanh từ mức 30% cuối năm ngoái lên 40% tính đến tháng 10 (theo công bố của công ty). Tập trung vào chiến lược “Đại dương đỏ”, Thế giới di động mở chuỗi rộng khắp cả nước để đánh chiếm thêm thị phần của các đối thủ nhỏ không có thương hiệu.
Tính đến tháng 10 thì thị phần của các cửa hàng nhỏ lẻ đã sụt giảm từ mức 40% cuối năm trước xuống chỉ còn 20%, trong đó 10% lọt vào tay Thế giới di động và 10% rơi vào các chuỗi bán lẻ khác như FPT Shop, Vien Thong A...
Trên mặt trận điện máy, chuỗi cửa hàng Điện máy xanh đã tăng được gấp đôi thị phần để đạt 16% vào thời điểm cuối tháng 10. Tổng lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm của toàn công ty khoảng 1.222 tỷ đồng, tăng mạnh 60% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù vậy, các cổ đông của Thế giới di động xem ra vẫn lăn tăn về hiệu quả hoạt động. Thực tế là thị trường tiêu dùng điện tử - điện máy của Việt Nam đang dần bão hòa, tốc độ tăng trưởng chậm lại (theo GfK) thì việc duy trì biên lợi nhuận trong một miếng bánh không to thêm là một điều thách thức cho bất kỳ nhà bán lẻ nào.
Thế giới di động cũng không phải ngoại lệ. Lợi nhuận ròng tháng 9 của công ty bất ngờ tụt dốc xuống chỉ còn 102 tỷ đồng, thậm chí còn thấp hơn tháng 3 đầu năm.
Lý giải cho điều này, Chủ tịch Thế giới di động Nguyễn Đức Tài cho biết, công ty phải chi các khoản marketing rất lớn cho Điện máy xanh để giành doanh số. Chi phí này nhiều khả năng sẽ được rót tiếp tục trong quý IV năm nay và cả năm sau để Điện máy xanh giành được thị phần 30%.
Nhưng đó cũng là điều gây lo ngại cho các cổ đông, khi chi phí quảng cáo có thể không mang lại hiệu quả như mong muốn. Câu trả lời có thể sẽ có ngay vào kết quả kinh doanh quý IV năm nay.
Rủi ro của công ty còn đến từ các động lực tăng trưởng mới trong tương lai. Trước mắt, sự kỳ vọng kể từ 2018 trở đi sẽ phụ thuộc vào ván bài Bách hóa xanh - chuỗi phân phối thực phẩm. Nhưng vấn đề là hiện tại EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) của chuỗi này vẫn chưa dương, tức doanh thu chưa đủ lớn để bù đắp chi phí hoạt động sau gần 1 năm thử nghiệm. Ông Nguyễn Đức Tài cho biết sẽ tiếp tục thử nghiệm đến cuối năm để ra quyết định có chính thức mở hay sẽ đóng chuỗi.
Thực tế thì ngành thực phẩm của Việt Nam khá hấp dẫn khi quy mô ước tính lên đến 60 tỷ USD. Tức chỉ cần chiếm 10% thị phần là đã có thể đạt được doanh thu 6 tỷ USD và lợi nhuận ròng hàng trăm triệu USD mỗi năm.
Rủi ro là ở chỗ thị trường bán lẻ thực phẩm và đồ dùng thiết yếu đã có khá nhiều tay chơi tham gia, cả trong và ngoài nước. Nếu tính riêng trên thị trường cửa hàng tiện lợi cạnh tranh trực tiếp với Bách hóa xanh thì đã có Stop &Go, Coop Food, Big C Express, Circle K, B’smart hay mới đây là sự xuất hiện chuỗi Vinmart+ với 650 cửa hàng.
Sắp tới đây chuỗi 7 Eleven của Nhật dự kiến sẽ xâm nhập vào Việt Nam. Mục tiêu mà 7 Eleven đặt ra là phát triển được 100 cửa hàng sau ba năm tại Việt Nam và nhân lên thành 1.000 sau 10 năm.
Thực tế thì kinh doanh chuỗi thực phẩm khó khăn hơn nhiều so với bán tủ lạnh hay điện thoại bởi chất lượng không đồng đều, tỷ lệ thất thoát hàng lớn và thời gian lưu trữ trên kệ rất ngắn. Đặc biệt chi phí vận chuyển và tìm mặt bằng hợp lý sẽ là một vấn đề gây đau đầu với bất kỳ một nhà bán lẻ nào. Vì thế mặc dù sở hữu nhiều kinh nghiệm bán lẻ nhưng chưa có gì để khẳng định Bách hóa xanh sẽ mang đến một sự đột biến về lợi nhuận cho Thế giới di động.
Ngoài Bách hóa xanh, Thế giới di động dự kiến sẽ thiết lập trang thương mại điện tử Vuivui.com. Đây dường như sẽ là trang tổng hợp bán hàng, giao dịch tất cả những loại hàng hóa mà Thế giới di động đã và đang vận hành. Hiện Vuivui.com đã có phiên bản beta và giao hàng tại TP.HCM. Đối thủ chính của Vuivui sẽ là Adayroi.com của Vingroup.
Thêm vào đó, Thế giới di động cũng sẽ thử nghiệm phiêu lưu ra nước ngoài với việc mở khoảng 10 cửa hàng phân phối điện thoại tại Campuchia trong năm sau. Nhưng chuyện ra biển lớn, với một sự khác biệt lớn về văn hóa người tiêu dùng sẽ là thách thức mà Thế giới di động sẽ phải đối mặt.
Tin liên quan
Tin khác

Chứng khoán toàn cầu hứng khởi vì ông Trump miễn thuế với smartphone

Chứng khoán Mỹ lại “đỏ lửa” vì căng thẳng thương mại

ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 9,5% trong năm 2025

Cổ phiếu toàn cầu phục hồi, nhưng rủi ro thuế quan vẫn còn lớn

Chứng khoán Mỹ phục hồi mạnh sau quyết định hoãn thuế quan 90 ngày của ông Trump

Chứng khoán Mỹ lao dốc phiên thứ 4 liên tiếp vì nỗi lo thuế quan

Sacombank có thể không chia cổ tức trong năm nay

Cổ phiếu châu Á phục hồi, dẫn đầu là Nhật Bản, nhờ lạc quan về thương mại

Chứng khoán Mỹ tiếp tục lao dốc trong phiên đầu tuần do nỗi lo suy thoái, lạm phát
