Áp lực phải tăng giá
Nếu như chiến tranh, các gián đoạn liên quan đến Covid và chi phí nguyên liệu cao hơn là những yếu tố cần thì việc đồng Yen yếu hơn đáng kể chính là điều kiện đủ để buộc các nhà bán lẻ Nhật Bản phải đối mặt với một hiện tượng chưa từng thấy trong suốt ba thập kỷ qua: lạm phát.
“Đó là một cú đòn đúp”, nhà nhập khẩu bia Tsutomu Kobayashi nói về việc đồng Yen đang suy giảm, đồng thời cho biết doanh số bán hàng của mình đã giảm xuống chỉ còn 1/3 so với hai năm trước. "Với đồng Yen yếu hơn, không có gì là tốt cho chúng tôi".
![]() |
Ảnh minh họa |
Với mức tăng trưởng tiền lương thấp, các nhà bán lẻ từ lâu đã không muốn tăng giá hàng hóa vì sợ làm mất lòng khách hàng – những người tiêu dùng vốn đã quen với tình trạng giảm phát trong nhiều năm qua. Giờ đây, tình hình bắt đầu thay đổi với mọi thứ, từ giá bia và nước tương, đến gà viên chiên hay bánh mì kẹp thịt… tất cả đều tăng cao khi các doanh nghiệp đang “chuyển” chi phí gia tăng đến người mua sắm. Nhưng việc chuyển từ giá sản xuất (với chi phí cao hơn và tiếp tục tăng lên) đến giá hàng hóa cuối cùng sẽ diễn ra một cách quyết liệt và nhanh chóng như thế nào lại đang là một tình thế tiến thoái lưỡng nan, bởi có thể tác động đến nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng Nhật Bản.
Theo Công ty nghiên cứu Teikoku Databank, dựa trên khảo sát 105 doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống lớn hồi đầu tháng này, thì giá của hơn 6.000 sản phẩm thực phẩm sẽ tăng trung bình 11% trong năm nay. “Chi phí lương thực toàn cầu tăng, giá dầu thô tăng, giá vận tải tăng và xảy ra đồng thời xu hướng yếu đi của đồng Yen đang bủa vây hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và vượt quá khả năng chịu đựng của họ”, Teikoku Databank cho biết trong báo cáo ngày 16/4. Riêng nhóm bia, rượu vang và rượu nhập khẩu sẽ có mức tăng mạnh nhất trong năm nay, với 15%.
Và đúng như dự đoán, chỉ 10 ngày sau, nhà sản xuất bia lớn nhất Nhật Bản, Asahi Group Holdings Ltd đã đưa ra thông báo sẽ tăng giá lần đầu tiên sau nhiều năm đối với bia Super Dry và các loại đồ uống khác. Đầu tháng này, nhà điều hành chuỗi cửa hàng tiện lợi Lawson Inc cho biết họ sẽ tăng giá đối với món gà rán “Karaage-Kun” lần đầu tiên sau 36 năm. Trước đó, McDonald’s Holdings Co, Japan Ltd, cho biết vào tháng 3 về việc sẽ tăng giá đối với một số sản phẩm bánh mì kẹp thịt, với lý do chi phí thịt bò, tiền công và vận chuyển cao hơn.
Kikkoman Corp - công ty đã tăng giá nước tương và sữa đậu nành vào tháng 2 - vào thứ Tư vừa qua cho biết tạm ngừng phát hành báo cáo dự báo cho năm tài chính hiện tại, với lý do triển vọng đang không chắc chắn. “Không chỉ Kikkoman, mà toàn bộ ngành công nghiệp thực phẩm này đang phải đối mặt với một tình huống khó khăn”, ông Shozaburo Nakano, Chủ tịch Kikkoman Corp cho biết, đồng thời để ngỏ khả năng về việc có phải tăng giá lần thứ hai với các sản phẩm của mình vào cuối năm nay hay không.
Tất cả những vấn đề như trên nhấn mạnh đến sự không chắc chắn mà các nhà bán lẻ của Nhật Bản đang phải đối mặt, trong bối cảnh tiền lương không tăng đủ nhanh để bù đắp tác động của giá hàng hóa nhập khẩu cao hơn và cũng như để thúc đẩy nhu cầu. “Tôi nghĩ các công ty sẽ không tăng lương vì họ lo ngại đồng Yen có thể mạnh trở lại”, chuyên gia kinh tế Hideo Kumano tại Dai-ichi Life Group nhận định. Trong khi đó, các hộ gia đình Nhật Bản dường như đang cảnh giác hơn với sự sụt giảm lương thực tế.
Trước áp lực ngày càng gia tăng, Chính phủ Nhật Bản đang bắt đầu thừa nhận những tác động tiêu cực của việc đồng Yen yếu đi đối với lĩnh vực bán lẻ của Nhật Bản. Bộ trưởng Bộ Tài chính Shunichi Suzuki vào tuần trước cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi các động thái trên thị trường ngoại hối với tinh thần cảnh giác cao độ”. Trong khi đó, các nhà bán lẻ dường như không có lựa chọn nào khác ngoài việc “chuyển” phần chi phí tăng sang khách hàng. Hơn 70% trong số những người được Teikoku Databank khảo sát cho biết sẽ tăng giá trong vòng một năm nữa.
Tin liên quan
Tin khác

NHTW Nhật Bản có chịu thêm áp lực sớm tăng lãi suất?

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang lấy lại cân bằng

Các ngân hàng trung ương lên kịch bản ứng phó với bão thuế quan

Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ hai liên tiếp

Áp lực đè nặng lên trái phiếu Mỹ và bạc xanh

Mỹ miễn thuế đối ứng với smartphone, laptop và loạt sản phẩm công nghệ

Trái phiếu Kho bạc Mỹ không còn là tài sản an toàn?

Tình thế lưỡng nan của Fed: Lạm phát hay suy thoái

Đồng euro vọt lên đỉnh 3 năm so với USD, giới đầu tư đánh giá lại triển vọng tài sản Mỹ
