500 DN tư nhân lớn nhất: Tăng trưởng chủ yếu vẫn dựa trên mở rộng nguồn lực, tăng quy mô
TS. Lương Văn Khôi – Phó Giám đốc NCIF cho biết, khu vực kinh tế tư nhân đang ngày càng trở thành khu vực quan trọng trong nền kinh tế, như đã được khẳng định trong Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và gần đây là Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Năm 2018, khu vực này chiếm 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp hơn 40% GDP, 38% ngân sách Nhà nước và tạo việc làm cho 80% lao động. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, giai đoạn 2021-2030 nêu rõ “phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế”. Trong đại dịch COVID-19, vai trò và vị thế của khu vực kinh tế tư nhân tiếp tục được khẳng định, tạo nền tảng quan trọng để khu vực kinh tế tư nhân là “lực kéo”, là “trụ cột” của nền kinh tế.
![]() |
Nhóm 500 doanh nghiệp VPE500 được lựa chọn dựa trên việc xếp hạng theo giá trị trung bình thứ hạng của 3 tiêu chí lao động; tổng tài sản; doanh thu. Chỉ số sử dụng cho xếp hạng là trung bình cộng của thứ hạng trên 3 tiêu chí trên. Cách xếp hạng này khác với các xếp hạng của báo cáo hiện nay của Việt Nam (VNR500) hoặc Fortune500.
Trong số 668,5 nghìn doanh nghiệp (số liệu năm 2019), doanh nghiệp tư nhân là 647,6 nghìn doanh nghiệp. Trong đó, riêng nhóm VPE500 (chiếm 0,089% tổng số doanh nghiệp) đã tạo việc làm cho 10,4% lao động, chiếm 13% tổng tài sản và tạo ra 15,8% doanh thu thuần. Như vậy, VPE500 có thể coi như lực lượng dẫn dắt, tạo ảnh hưởng trên thị trường và kết quả hoạt động của nhóm doanh nghiệp này có thể coi như hàn thử biểu của khu vực doanh nghiệp.
Báo cáo cho thấy, tài sản và doanh thu của nhóm VPE500 đang tăng nhanh nhất so với các nhóm doanh nghiệp khác cũng như trong chính nhóm các doanh nghiệp tư nhân (VPEs). Tuy nhiên, tốc độ tăng năng suất lao động của VPE500 không cao hơn nhiều so với VPEs, cho thấy tăng trưởng nhóm này vẫn dựa trên mở rộng nguồn lực, tăng quy mô hơn là tăng năng suất lao động.
Cũng theo báo cáo, các chính sách hiện hành cho thấy, từ định hướng, chủ trương đến cơ chế, chính sách, Việt Nam không có sự phân biệt đối xử hoặc chính sách riêng đặc thù cho doanh nghiệp lớn, thậm chí có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đóng góp cho báo cáo, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cho rằng về môi trường kinh doanh, nếu nhìn vào văn bản pháp lý thì không có sự phân biệt đối xử, nhưng thực tế sự phân biệt đối xử vẫn nặng nề, nhất là trong phân bổ nguồn lực và điều này báo cáo chưa nêu rõ. Thực tế, nguồn lực lớn đang ở trong tay doanh nghiệp Nhà nước, do có yếu tố lịch sử, và thứ đến là doanh nghiệp FDI cũng luôn dễ tiếp cận nguồn lực đất đai hơn doanh nghiệp Việt Nam; hay doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp thân hữu dễ tiếp cận hơn doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ, hộ kinh doanh.
Chuyên gia này cho rằng các nghiên cứu cần đưa ra những góc nhìn thẳng như vậy. Chứ nếu chỉ nhìn trên văn bản pháp quy sẽ không thấy được thực tế này. Số văn bản, thông tư nhiều gấp 5-6 lần số nghị định và gấp hàng chục lần luật. Tuy luật là văn bản pháp quy cao nhất nhưng nhiều quy định lại cài cắm ở thông tư. Do đó, cần thiết công khai, minh bạch, công bằng, tính nhất quán, tính khả thi của chính sách…
“Những điều này từ ngày tôi làm việc đến nay vẫn là vấn đề nan giải. Việt Nam không thiếu các văn bản hay, nhưng việc thực thi lại khác. Nhiều khi những quyết sách hay, chính sách tốt đưa ra trên văn bản lại bị rơi rụng trong thực thi”, bà Phạm Chi Lan nói.
Nhóm chuyên gia NCIF cho rằng, các chính sách trong thời gian tới cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng không chỉ tạo thuận lợi với doanh nghiệp trong gia nhập thị trường mà còn giúp doanh nghiệp sống sót và tăng trưởng. Đặc biệt cần khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư để cải tạo năng suất chuyển dần sang tăng trưởng theo chiều sâu.
Trong khi đó theo chuyên gia Phạm Chi Lan, không nên có đề nghị chính sách riêng cho doanh nghiệp lớn, mà chỉ có chính sách ưu đãi chung cho khu vực tư nhân. Các nước dành sự ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ yếu tập trung chính sách để hỗ trợ cho các ngành phát triển, còn doanh nghiệp nào tham gia thực hiện các chương trình dự án lớn mà nhà nước định hướng cần phát triển thì doanh nghiệp tham gia được thụ hưởng.
“Cái cần nhất cho doanh nghiệp tư nhân phát triển là sự bình đẳng và cần giải quyết vấn đề về quyền tài sản, bởi hiện nay đây đang là một vướng mắc”, theo bà Phạm Chi Lan.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
