5 vấn đề lưu ý để có giải pháp phù hợp dự án cao tốc Bắc - Nam
![]() | Chính phủ kiến nghị chuyển 3 dự án PPP tuyến cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công |
![]() | Thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam |
![]() |
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) |
Sau gần ba năm được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông lại được trình Quốc hội để bàn xem đầu tư theo hình thức nào: mục tiêu đến năm 2021 cơ bản hoàn thành dự án chắc chắn không đạt; định hướng 530 km trên 654 km, chiếm 81% chiều dài dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư không thành công.
Chính vì vậy, nhiều đại biểu thống nhất việc chuyển đổi 3 dự án sang đầu tư công như Chính phủ trình vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cân nhắc kỹ và cũng phù hợp với ý kiến của cấp có thẩm quyền cũng như thực tế hiện nay.
Tuy nhiên, thảo luận tại hội trường, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) đã đưa ra 5 vấn đề cần lưu ý để có giải pháp phù hợp. Thời báo Ngân hàng xin trích đăng.
Thứ nhất, tuy chỉ chuyển đổi 3/8 dự án nhưng thực chất là chuyển đổi 267km, chiếm 40,8% tổng chiều dài dự án, sang đầu tư công và tỷ trọng đầu tư theo hình thức đối tác công tư chỉ còn 40% tổng chiều dài dự án, thay vì 81% như mục tiêu ban đầu; kêu gọi đầu tư từ xã hội chỉ còn khoảng 22%, trong khi 78% sẽ đầu tư bằng ngân sách.
Trong khi đó, 5/8 dự án còn lại tiếp tục triển khai đầu tư theo hình thức đối tác công tư, nhưng với thực tế hiện nay và khả năng cho vay của ngân hàng như Chính phủ báo cáo thì không có gì bảo đảm sẽ lựa chọn được nhà đầu tư.
Đây là vấn đề cần quan tâm để chấn chỉnh khâu dự báo, chuẩn bị đầu tư các dự án đối tác công tư và phải xem xét lại vì sao không thực hiện được kêu gọi đầu tư; không phải dự án cao tốc Bắc Nam mà từ 2016 đến nay không có dự án BOT giao thông nào triển khai được.
Việc chuyển đổi là bất đắc dĩ, không nên tạo thành tiền lệ và tạo thành nếp nghĩ "khó khăn là dùng ngân sách, cứ dùng ngân sách thì mới bảo đảm khả năng thành công".
Thực ra, nếu cách đây gần 3 năm, đầu tư toàn bộ dự án bằng ngân sách thì cũng chỉ cần thêm 22 nghìn tỷ đồng và đến nay cơ bản cũng gần xong dự án.
Thứ hai, báo cáo của Chính phủ cho rằng, vốn đã bố trí giai đoạn 2016-2020 là 55 nghìn tỷ đồng chỉ cần bổ sung 23 nghìn tỷ đồng để hoàn thành dự án là có sự nhầm lẫn về kế hoạch trung hạn với dự toán có thể bố trí được hàng năm, kế hoạch trung hạn là cam kết chi không phải tiền thật, dự toán hàng năm mới là tiền thật bố trí được, phụ thuộc vào nguồn thu, cân đối ngân sách và tiến độ thực hiện dự án.
Mặc dù kế hoạch trung hạn 2016-2020 đã cam kết bố trí 55 nghìn tỷ đồng nhưng dự án triển khai chậm, nhu cầu vốn ít nên đến hết năm 2020 dự toán hàng năm (tiền thực) mới bố trí được 16 nghìn tỷ đồng, còn thiếu tiền thật 38 nghìn tỷ cộng với 23 nghìn tỷ bổ sung thì tổng cộng dự án còn cần 62 nghìn tỷ để hoàn thành và cơ bản sẽ chuyển sang giai đoạn sau 2021-2025 mới có thể bố trí được.
Giả sử theo thuyết minh của Chính phủ, việc chuyển đổi có thể giải ngân thêm được 7 nghìn tỷ đồng trong năm 2020 thì vẫn phải chuyển giai đoạn sau 53 nghìn tỷ đồng. Và để có 7 nghìn tỷ đồng bổ sung thêm cho dự án thì phải cắt giảm kế hoạch của các dự án đang triển khai, vì dự toán 2020 đã chia xong hoặc phải xin Quốc hội tăng bội chi.
Đây là vấn đề cần lưu ý, tránh như việc sử dụng dự phòng ngân sách trung ương của kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Qua 2 kỳ họp, Quốc hội giao cho Chính phủ tự cân đối sắp xếp vì Quốc hội nói thiếu nguồn, Chính phủ khẳng định thu xếp được nguồn nhưng thực tế phân bổ xong dự toán 2020 không một đồng dự phòng nào được sử dụng do so với kế hoạch trung hạn thì dự toán hàng năm không đủ tiền vẫn thiếu 152 nghìn tỷ đồng, thiếu cả những dự án đang triển khai nên không có nguồn để sử dụng dự phòng. Số tiền hơn 20 nghìn tỷ đồng ghi trong dự toán 2020 là cho các dự án từ nguồn dự phòng thực chất là từ nguồn cắt giảm kế hoạch đã phân bổ cho các dự án khác, không một đồng dự phòng nào được sử dụng.
Thứ ba, báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá cụ thể tác động đến nợ công khi chuyển đổi hình thức đầu tư. Theo báo cáo nợ công của Chính phủ, năm 2020, 2021 rất nhiều khoản nợ đến hạn phải trả. Số nợ phải trả lớn và bội chi phải tăng để khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19 dẫn đến phát hành trái phiếu chính phủ sẽ khó khăn do quy mô thị trường trái phiếu còn nhỏ, tiềm lực tài chính của các tổ chức tài chính phi ngân hàng còn hạn chế, dư địa các quỹ tài chính ngoài ngân sách và ngân hàng thương mại để mua trái phiếu hạn hẹp. Nên cần tính toán kỹ khả năng hấp thụ của thị trường trái phiếu khi phát sinh các khoản vay mới, xem xét khả năng vay và giá phải trả để sắp xếp lại các khoản vay, ưu tiên cho nhiệm vụ cấp bách và cho dự án cao tốc Bắc Nam.
Thứ tư, khả năng cấp vốn tín dụng của các ngân hàng cho dự án gặp nhiều khó khăn, Chính phủ đã nêu rất rõ trong tờ trình. Nhưng với những khó khăn như Chính phủ nêu thực chất là các ngân hàng sẽ không thể cấp tín dụng cho các nhà thầu trúng thầu. Đây là bất cập cần tháo gỡ vì nếu như vậy không chỉ có dự án cao tốc Bắc Nam mà tới đây cũng sẽ không có dự án BOT nào được cấp tín dụng để có thể triển khai được.
Vì vậy, để triển khai được các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư cần lượng vốn tín dụng rất lớn nên Chính phủ cần có giải pháp tháo gỡ để tiếp tục triển khai 5 dự án thành phần còn lại của dự án cao tốc Bắc Nam và các dự án BOT trong thời gian tới.
Thứ năm, báo cáo của Chính phủ chưa nêu cụ thể phương án thu hồi vốn của các dự án chuyển đổi sang đầu tư công. Thu phí dịch vụ đối với các dự án đầu tư công là chủ trương đúng đã được qui định trong Luật Quản lý tài sản công, Nghị quyết của Quốc hội để tạo nguồn duy tu sửa chữa, nguồn trả nợ và tiếp tục triển khai các dự án khác. Chính phủ cần phải chi tiết cụ thể để thực hiện.
Thực chất hiện nay, các dự án đầu tư công của ngân sách trung ương chủ yếu thực hiện bằng nguồn vốn vay nên Chính phủ cần có phương án thu phí không chỉ đối với các dự án thành phần bằng hình thức đầu tư công của dự án cao tốc Bắc Nam mà còn cả các dự án đầu tư công khác thực hiện bằng nguồn vốn vay. Tuy nhiên phương án thu phí phải tính toán kỹ để phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế, khả năng chi trả của người dân.
“Tôi thống nhất việc chuyển đổi như Chính phủ trình nhưng cần lưu ý đến 5 vấn đề đã nêu trên và thể hiện trong Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh dự án; Chính phủ cũng cần cam kết và quyết tâm hoàn thành dự án theo tiến độ trình Quốc hội, không nên để chậm trễ thêm một lần nữa”, đại biểu Hoàng Quang Hàm phát biểu.
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Ưu tiên thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng
