20 năm ngành Ngân hàng Bắc Kạn: Tiếp lửa trên quê hương cách mạng
![]() | Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn |
![]() | NHNN Chi nhánh Bắc Kạn: Trợ lực cán bộ nữ phát huy năng lực giới |
Ra đời trong khói lửa
Sau khi Ngân hàng Quốc gia được thành lập, tháng 6/1951 tại Khuổi Dủm, xã Huyền Tụng, huyện Bạch Thông, ngân hàng tỉnh Bắc Kạn được thành lập và đi vào hoạt động. Ra đời và hoạt động trong điều kiện kháng chiến, song ngân hàng tỉnh thường xuyên nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Uỷ ban Hành chính kháng chiến, sự giúp đỡ, đùm bọc của nhân dân địa phương.
Nhờ thế, ngân hàng tỉnh Bắc Kạn đã bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ tổ chức quản lý kho bạc, cung ứng tiền phục vụ bộ đội chiến đấu và các cơ quan trong tỉnh; tiến hành thu đổi tiền tài chính, cho vay nông dân phát triển sản xuất, cho vay mậu dịch quốc doanh để thu mua, nắm nguồn hàng phục vụ kháng chiến.
![]() |
Năm 2013, NHNN Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn đã vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước trao tặng |
Cùng với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, cán bộ ngân hàng còn đào hầm bí mật, tham gia làm cầu, sửa đường địch đánh phá để vận chuyển tiền phục vụ tiền tuyến chiến đấu, góp phần quan trọng vào thắng lợi của công cuộc kháng chiến kiến quốc.
Sau hoà bình lập lại (1954), ngân hàng tỉnh Bắc Kạn tiếp tục thực hiện công tác quản lý kho bạc; tổ chức công tác thanh toán trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước; cung ứng tiền mặt, huy động và cho vay vốn phục vụ công cuộc khôi phục và cải tạo kinh tế trên địa bàn; đầu tư vốn cho các hợp tác xã nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, mua bán; cho vay đối với các đơn vị quốc doanh thuộc các ngành công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, góp phần xây dựng quan hệ sản xuất XHCN và tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật trên địa bàn tỉnh nhà.
Từ năm 1957, ngân hàng tỉnh Bắc Kạn mở rộng mạng lưới đến các huyện. Đến năm 1960, tất cả các huyện đều có các chi điếm ngân hàng huyện. Việc này góp phần quản lý, huy động vốn, thanh toán cung ứng vốn được thuận lợi, phục vụ tốt hơn sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh thực hiện nghiệp vụ chuyên môn, cán bộ ngân hàng tỉnh Bắc Kạn luôn nêu cao cảnh giác, chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu cao.
Năm 1965, ngân hàng tỉnh Bắc Kạn và ngân hàng tỉnh Thái Nguyên sáp nhập thành ngân hàng Bắc Thái. Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX tháng 10/1996, Quốc hội ra nghị quyết điều chỉnh lại địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố, trong đó tỉnh Bắc Kạn được thành lập lại trên cơ sở chia tách từ tỉnh Bắc Thái và sáp nhập hai huyện Ba Bể, Ngân Sơn của tỉnh Cao Bằng.
Để thực hiện công tác quản lý Nhà nước về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng trên địa bàn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, ngày 5/12/1996, Thống đốc NHNN Việt Nam ra Quyết định số 326/QĐ-NH9, chia tách chi nhánh ngân hàng tỉnh Bắc Thái, thành lập chi nhánh NHNN tỉnh Bắc Kạn và chi nhánh NHNN tỉnh Thái Nguyên từ ngày 1/1/1997.
![]() |
Đoàn viên, người lao động ngành Ngân hàng tỉnh Bắc Kạn tham gia hội diễn chào mừng 20 năm tái lập tỉnh |
Hai thập kỷ đồng hành cùng nhân dân
Giám đốc NHNN Chi nhánh Bắc Kạn, bà Phùng Thị Mỵ chia sẻ: “Ngày đầu thành lập, chi nhánh gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, không có trụ sở làm việc phải mượn tạm khu nhà cấp 4 đã thanh lý của ngân hàng Bạch Thông để tiến hành sửa chữa, cải tạo lại làm trụ sở tạm để làm việc kiêm kho tiền. Cán bộ không có chỗ ở phải thuê nhà dân, điều kiện sinh hoạt và đời sống rất khó khăn. Thế nhưng, vấn đề nan giải nhất vẫn là tổ chức bộ máy và cán bộ…”.
Lúc mới thành lập, chi nhánh chỉ có 7 cán bộ được điều động từ ngân hàng Bắc Thái và 1 cán bộ điều động từ ngân hàng Vĩnh Long đến nhận nhiệm vụ, trong đó 50% số cán bộ được điều động không làm nghiệp vụ chuyên môn. Trước khó khăn đó, thực hiện chủ trương của ngân hàng Bắc Thái cũ và được Ngân hàng Trung ương chấp thuận, NHNN tỉnh Thái Nguyên đã cử 7 cán bộ làm nghiệp vụ biệt phái công tác tại Chi nhánh NHNN tỉnh Bắc Kạn ngay từ ngày đầu thành lập.
Sau đó cử thêm 4 lượt cán bộ biệt phái từ 1 đến 3 tháng, một số đồng chí thực hiện biệt phái đến 9 tháng, 1 năm, có người gần 3 năm. Các đồng chí cán bộ biệt phái đều đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trải qua 20 năm thành lập lại, hoạt động ngân hàng trên địa bàn ngày càng được mở rộng. Nếu như năm 1997, mới chỉ có 2 chi nhánh ngân hàng cấp I, 4 chi nhánh cấp II thì đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 4 Chi nhánh NHTM, 1 chi nhánh NHCSXH tỉnh, 7 chi nhánh Agribank huyện, 7 phòng giao dịch NHCSXH huyện, 9 phòng giao dịch của Agribank, 4 phòng giao dịch của BIDV; 1 phòng giao dịch của VietinBank, 1 phòng giao dịch của Ngân hàng Phát triển khu vực Bắc Kạn-Thái Nguyên, 15 phòng giao dịch của NHTMCP Bưu điện Liên Việt.
Mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch của các TCTD đã “phủ sóng” khắp các huyện thị trong tỉnh. Không chỉ mở rộng về mạng lưới, mà số dư huy động vốn, đầu tư cũng tăng mạnh so với ngày đầu thành lập. Ngày 1/1/1997, số dư huy động vốn là 33 tỷ đồng, dư nợ 45 tỷ đồng, thì ước thực hiện đến 31/12/2016 số huy động vốn sẽ đạt 5.500 tỷ đồng, tăng 166 lần so với 1/1/1997; dư nợ đạt 8.000 tỷ đồng, tăng 173 lần so với 1/1/1997.
Theo Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn Phùng Thị Mỵ, thì trong những năm qua, NHNN chi nhánh tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ làm đầu mối trên địa bàn với cấp uỷ, chính quyền địa phương, và cũng là đầu mối triển khai chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng đến các ngân hàng trên địa bàn.
NHNN Chi nhánh Bắc Kạn cũng là cơ quan tham mưu với UBND tỉnh trong triển khai chính sách tín dụng theo ngành, lĩnh vực. Chi nhánh cũng chỉ đạo thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp; thực hiện giám sát từ xa, thanh tra tại chỗ, kiểm tra về tài chính, tín dụng, hỗ trợ lãi suất, cho vay tiêu dùng, BĐS... đối với các ngân hàng trên địa bàn, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống.
Hướng tới tương lai…
NHNN Việt Nam đã xác định mục tiêu tổng quát trong điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng giai đoạn 2016-2020 như sau: “Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm ổn định giá trị đồng tiền, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả huy động và phân bổ nguồn vốn trong nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững”.
Trên cơ sở ấy, NHNN Chi nhánh Bắc Kạn đã xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI với mục tiêu: huy động vốn tăng từ 13-15%/năm, dư nợ tăng từ 12-14%/năm, nợ xấu dưới 3% trong tổng dư nợ.
Để đạt được mục tiêu đã đề ra, chi nhánh sẽ tập trung tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức; tiếp tục triển khai Luật NHNN, Luật Các TCTD; triển khai kịp thời chỉ đạo điều hành của NHNN về chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng; triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật.
Đồng thời, thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương về hoạt động ngân hàng; tham gia xây dựng các cơ chế, chính sách, các đề án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương có liên quan đến hoạt động ngân hàng, giữ ổn định thị trường tiền tệ trên địa bàn.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh, tăng cường huy động vốn nhàn rỗi trong dân cư, NHNN Chi nhánh Bắc Kạn chỉ đạo các ngân hàng trên địa bàn không ngừng đa dạng hoá các hình thức huy động vốn, tranh thủ sự hỗ trợ về nguồn vốn từ ngân hàng cấp trên; tăng trưởng dư nợ phù hợp với tăng trưởng nguồn vốn và trình độ quản lý; đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội.
Song song với công tác huy động vốn, chi nhánh NHNN chỉ đạo các TCTD triển khai chính sách tín dụng theo ngành, lĩnh vực, góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Phấn đấu tăng trưởng dư nợ bình quân 12-14%/năm; vốn tín dụng bám sát kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh giai đoạn 2016-2020.
Chú trọng đầu tư vốn cho các dự án phát triển kinh tế, cho vay phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thương mại, dịch vụ; cho vay vốn lưu động các DN xây dựng cơ sở hạ tầng; đồng tài trợ các dự án ngoài địa bàn; cho vay các đối tượng chính sách góp phần giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội.
Đồng thời, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, áp dụng lãi suất linh hoạt theo tín hiệu thị trường và định hướng của NHNN; tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh; nâng cao chất lượng thanh toán, trả lương qua tài khoản.
Cùng với đó là đẩy mạnh các hoạt động an sinh xã hội, cùng chia sẻ khó khăn với tỉnh, thể hiện trách nhiệm của ngành đối với xã hội và góp phần nâng cao uy tín, phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành Ngân hàng…
Có thể nói, 20 năm qua đã đánh dấu bước trưởng thành về mọi mặt của NHNN Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn. Trong thời gian tới, phát huy những thành tích đã đạt được, NHNN Chi nhánh Bắc Kạn sẽ tiếp tục đồng hành cùng nhân dân, chính quyền tỉnh Bắc Kạn chinh phục những đỉnh cao mới trong phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân để “miền núi tiến kịp miền xuôi”.
Tin liên quan
Tin khác

Chênh lệch giá vàng mua – bán tăng: Rủi ro cao cho nhà đầu tư

Sáng 14/4: Tỷ giá trung tâm giảm 37 đồng

Lan tỏa tín dụng chính sách ở Quảng Ngãi

Sáng 12/4: Bạc xanh tiếp tục lao dốc

Giải pháp thanh toán không tiền mặt cho hệ thống xe buýt công cộng

Lãi suất gửi tiền 1 tháng tại các ngân hàng hiện ra sao?

UOB kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ được giữ nguyên

Bảo hiểm nông nghiệp – "tấm khiên" vững chắc cho Hợp tác xã

Sáng 11/4: Tỷ giá trung tâm quay đầu giảm trở lại
