agribank-vietnam-airlines

10 sự kiện kinh tế thế giới năm 2022

Hồng Quân
Hồng Quân  - 
Năm qua, dù về cơ bản các nền kinh tế đã thích nghi và trở về trạng thái bình thường giai đoạn hậu COVID-19 nhưng những hệ lụy kéo dài của đại dịch, kết hợp với căng thẳng địa chính trị bùng phát là những yếu tố chính dẫn đến những bất định, thách thức lớn cho kinh tế toàn cầu. Nhìn chung, năm 2022 qua đi với nhiều tin “xấu” hơn là tin “tốt”. Dưới đây là 10 sự kiện kinh tế toàn cầu nổi bật theo bình chọn của Thời báo Ngân hàng. 
aa
2023 có thể là một năm ảm đạm hơn đối với nền kinh tế toàn cầu
10 sự kiện kinh tế thế giới năm 2022

Có thể nói lời “Bye bye” COVID

Ba năm sau khi COVID bùng phát, thế giới dường như đã xoay chuyển tình thế đối với đại dịch toàn cầu. Dù mỗi nền kinh tế có cách thích ứng với đại dịch và triển khai chiến lược “bình thường hóa” trở lại khác nhau nhưng về tổng thể, COVID cuối cùng đã dịu bớt, không còn là “vấn đề” ở nhiều quốc gia và có thể nói, đại dịch COVID-19 gần như đã kết thúc.

Đến khoảng giữa năm 2022, nhờ thành công và hiệu qủa của các loại vắc-xin, các phương pháp điều trị giảm khả năng tử vong do COVID và thực tế rất nhiều người đã nhiễm bệnh nhưng khỏi nhanh trong khi hệ thống y tế không còn bị quá tải, rất nhiều quốc gia đã bãi bỏ các lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại và các biện pháp liên quan khác mà trước đó đã phải áp đặt nghiêm ngặt khi COVID càn quét vào đầu năm 2020. Tất nhiên, việc trở về trạng thái bình thường không có nghĩa mọi hoạt động kinh tế cũng ngay lập tức trở về bình thường. Những tác động, hệ lụy vô cùng lớn và kéo dài của đại dịch này vẫn cần thêm thời gian để chữa lành.

Xung đột tại Ukraine

Ngay khi đại dịch và tác động của nó mới chỉ vừa lắng xuống thì nhân tố căng thẳng địa chính trị gia tăng, đỉnh điểm là xung đột Nga – Ukraine (xảy ra ngày 24/2 và kéo dài đến nay) lại dội gáo nước lạnh khác vào nền kinh tế toàn cầu. Giá nhiên liệu (đặc biệt là dầu mỏ, khí đốt) và đa số hàng hóa nguyên liệu cơ bản khác tăng vọt; giá lương thực, thực phẩm tăng cao; chuỗi cung ứng bị gián đoạn… Trong khi nhu cầu tiêu dùng phục hồi nhanh hậu COVID đã đẩy lạm phát tăng cao đột biến ở nhiều nền kinh tế chính là những thực tế phản ánh rõ nhất mà thế giới phải trải qua.

Lạm phát cao kỷ lục

Thời điểm cuối năm 2021, nhiều nền kinh tế lớn đã chứng kiến lạm phát lập đỉnh nhiều năm. Tuy nhiên phải đến 2022, người ta mới thực sự lo ngại bóng ma của lạm phát. Những tưởng tình trạng lạm phát cao cuối những năm 1970 chỉ còn là ký ức, thì nay lại ùa về trên thực tế. Lạm phát tại Mỹ, EU, Anh và nhiều nền kinh tế khác tăng lên cao nhất trong nhiều thập kỷ, cao gấp nhiều lần mức mục tiêu mà các NHTW đặt ra. Tuy nhiên lạm phát đã có dấu hiệu giảm đi trong thời gian gần đây.

Theo dữ liệu từ Trading Economics, năm 2022 có tới 43% các quốc gia trên toàn cầu ghi nhận lạm phát hai con số trở lên. Trong đó, xuất hiện các nền kinh tế siêu lạm phát như Zimbabwe, Lebanon và Venezuela với các mức lần lượt là: 269%, 162% và 156%. Tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ được nhiều NHTW thực hiện để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên ngay cả khi thắt chặt mạnh, lạm phát dự kiến phải một thời gian dài nữa mới trở về quanh mức mục tiêu đặt ra.

Toàn cầu thắt chặt tiền tệ chưa từng có

Lạm phát cao đã buộc các NHTW trên toàn thế giới phải tăng nhanh lãi suất để ứng phó. Theo đó, trong năm 2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) – NHTW có ảnh hưởng lớn nhất đến thị trường tiền tệ toàn cầu đã có 7 lần tăng lãi suất chính sách, đưa lãi suất cuối năm 2022 tăng tới 18 lần (lên mức 4,25% - 4,50%) so với thời điểm trước khi có lần tăng đầu tiên vào tháng 3 (mức 0% - 0,25%) và hiện mức cao nhất kể từ năm 2007. Đặc biệt để “bắt kịp” với tốc độ tăng của giá cả, trong 7 lần tăng này Fed đã có 4 lần liên tiếp tăng lãi suất 0,75% - một tốc độ và tần suất tăng chưa từng có tiền lệ.

Trong bối cảnh đó, nếu NHTW các nước không muốn đồng nội tệ suy yếu quá mạnh, thậm chí mất kiểm soát, đồng thời hạn chế đà tăng của giá hàng hóa nhập khẩu do tỷ giá thì không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cũng phải ít nhiều “đồng thuận” theo đà tăng lãi suất của Fed.

Trong thế kỷ 21, có lẽ chưa năm nào như năm vừa qua, thế giới đang chứng kiến sự thắt chặt chính sách tiền tệ một cách “đồng bộ” như vậy. Nếu cộng dồn các lần tăng lãi suất của tất cả các NHTW, con số có lẽ phải lên tới hàng trăm lượt, đến từ cả các nền kinh tế phát triển, đang phát triển và mới nổi hay các quốc gia nghèo.

Rủi ro khủng hoảng nợ tăng cao

Thời kỳ “đồng tiền dễ dãi” đã chính thức kết thúc và thắt chặt tiền tệ đã trở thành xu hướng chủ đạo trong năm vừa qua. Lãi suất tăng khiến vay nợ đắt đỏ hơn, kết hợp với đó là đồng nội tệ mất giá, lạm phát cao, khủng hoảng năng lượng, lương thực trực chờ xảy ra… đang đẩy hơn 50 nước nghèo đứng trước nguy cơ vỡ nợ và hàng chục nước đang phát triển trước rủi ro khủng hoảng nợ. Trong năm, Sri Lanka vào tháng 4 đã tuyên bố vỡ nợ; Ghana mới đây đã đình chỉ thanh toán đối với hầu hết các khoản nợ nước ngoài, báo hiệu khả năng vỡ nợ cũng cận kề…

Theo ước tính của IMF, có khoảng 70% tổng số nợ ở các nước mới nổi và 85% nợ ở các nước có thu nhập thấp là bằng ngoại tệ. Trong khi đó với lạm phát trên đà giảm nhưng vẫn còn rất cao vào cuối năm 2022, nhiều khả năng các NHTW lớn, chủ đạo là Fed còn tiếp tục lộ trình thắt chặt ít nhất trong nửa đầu năm nay trước khi có bất cứ sự đảo chiều hay dừng lại nào, do đó đang tiếp tục tạo ra rủi ro một cuộc khủng hoảng nợ ở nhiều nước nghèo, nhất là các nền kinh tế đang phát triển vốn phải dựa rất nhiều vào vay nợ ngoại tệ. Nhiều tổ chức, trong đó có Fitch Ratings cảnh báo sẽ có nhiều vụ vỡ nợ xảy ra ở các thị trường mới nổi và quốc gia nghèo vào năm 2023.

Đồng USD tăng mạnh

Dù những ngày cuối năm 2022, đồng bạc xanh đã có những tín hiệu giảm giá so với các đồng tiền chủ chốt nhưng xu hướng chung trong cả năm vừa qua là USD lên giá mạnh và cũng đồng nghĩa với hàng trăm đồng nội tệ của các nước đã trải qua mất giá mạnh so với USD.

Việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ là một trong những nguyên nhân chính khiến USD tăng giá. Bên cạnh đó, một yếu tố khác là trong bối cảnh bất ổn địa chính trị gia tăng và triển vọng tăng trưởng xấu đi cũng khiến hiệu ứng tìm “trú ẩn an toàn”, trong đó đồng USD vẫn là lựa chọn hàng đầu. Với thực tế USD vẫn là đồng tiền thống lĩnh trong các hoạt động giao dịch thương mại và thanh toán quốc tế, dự trữ ngoại hối và vay nợ của các nước… nên việc đồng USD tăng giá mạnh đã khiến thị trường tài chính và thị trường hàng hóa toàn cầu chao đảo. Dù những áp lực này đang được kỳ vọng sẽ giảm bớt khi lạm phát và bất ổn lắng xuống, song căng thẳng trên thị trường ngoại hối nhiều khả năng vẫn là vấn đề đau đầu với các NHTW trong năm 2023.

Đình lạm

Kinh tế toàn cầu năm 2022 dù dự kiến vẫn có được tăng trưởng không quá tệ (theo dự báo của IMF là 3,2%) nhưng cùng lúc cũng ghi nhận lạm phát rất cao (dự kiến tăng 8,8%), trong đó tại nhiều nền kinh tế lớn như EU, Mỹ Anh chạm đỉnh hơn 4 thập kỷ. Xét trong mối tương quan giữa tăng trưởng GDP và lạm phát đó, rõ ràng hai từ “đình lạm” là thích hợp để miêu tả nền kinh tế toàn cầu năm 2022. Tác động kéo dài của COVID, tình trạng lạm phát giá cả tiếp tục leo thang buộc các NHTW đẩy mạnh thắt chặt tiền tệ… là những nguyên nhân chính.

Tuy nhiên, những tháng cuối năm xuất hiện tín hiệu tích cực là lạm phát đã bắt đầu giảm bớt, đồng nghĩa với nhiều khả năng các NHTW sẽ sớm giảm tốc độ thắt chặt. Cộng hưởng với các yếu tố khác kỳ vọng khả quan hơn (như căng thẳng địa chính trị dịu lại, tác động của COVID về cơ bản không còn…) thì kinh tế toàn cầu năm 2023 có thể thoát ra khỏi tình trạng “đình lạm” với lạm phát thấp đi đáng kể dù tăng trưởng GDP cũng chưa cải thiện nhiều và rủi ro suy thoái vẫn hiện hữu.

Tiền điện tử một năm bi đát

Khởi đầu năm với những dự báo lạc quan nhưng kết thúc năm với những bết bát. Đó là những gì mà thị trường tiền ảo đã trải qua trong năm 2022. Giá đồng Bitcoin có thể ở quanh mức 50.000 USD đến 75.000 USD, thậm chí đạt tới 100.000 USD… là những dự báo được một số tổ chức, cá nhân có tên tuổi trong ngành tài chính đưa ra vào đầu năm. Song thực tế không như kỳ vọng. Thị trường bắt đầu lao dốc không phanh vào tháng 5 khi đồng TerraUSD sụp đổ, kéo theo đồng đồng Luna mất 99,99% giá trị và gây tác động lan truyền ra toàn thị trường. Tiếp đó vào tháng 11, FTX - một trong những sàn giao dịch ảo lớn nhất thế giới - rơi vào khủng hoảng thanh khoản và tuyên bố phá sản tiếp thêm một đòn giáng chí mạng nữa.

Với giao dịch đang quanh mốc 17.000 USD hiện nay, đồng Bitcoin đã “bốc hơi” khoảng 75% giá trị kể từ khi đạt mốc cao nhất gần 69.000 USD vào tháng 11/2021 và khoảng 60% tính từ đầu năm 2022. Là một thị trường ảo nên rất khó để đoán định diễn biến tiếp theo của thị trường tiền ảo trong năm 2023, tuy nhiên khả năng “ngủ đông”, gắn với nhiều cuộc khủng hoảng nữa có thể xảy ra thì đã thấy rõ.

COP27: Thành lập quỹ hỗ trợ “tổn thất và thiệt hại”

Đặt trong bối cảnh địa chính trị vô cùng khó khăn và thách thức năm 2022, việc Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc (COP27, tổ chức tại thành phố Sharm el-Sheikh, Ai Cập tháng 11/2022) nhất trí thành lập quỹ hỗ trợ “tổn thất và thiệt hại” được xem là một đột phá trong lộ trình đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Thỏa thuận này đánh dấu lần đầu tiên các nước phát triển giàu có đồng ý hỗ trợ các nước nghèo và dễ bị tổn thương nhất trước các thảm họa khí hậu. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh quỹ này là một bước quan trọng hướng tới công lý cho các nước nghèo đang phải chịu những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu dù họ chịu rất ít trách nhiệm về lượng khí thải nhà kính.

Thực tế một lượng lớn phát thải khí nhà kính là do các nước công nghiệp giàu có gây ra và quỹ này sẽ hướng tới chi trả cho những thiệt hại mà các nước nghèo, nước đang phát triển không thể tránh hoặc thích ứng được. Tuy nhiên, những chi tiết của thỏa thuận như: quy mô quỹ; các nguồn huy động cho quỹ; đối tượng nào sẽ đóng góp vào quỹ hay những nước nào sẽ được hưởng lợi; cách thức vận hành quỹ… thì ít nhất phải đến COP28 mới có thể rõ ràng hơn.

Wolrd Cup 2022: Kỳ World Cup đắt đỏ nhất lịch sử

Wolrd Cup 2022 – vừa kết thúc với rất nhiều cảm xúc. Để tổ chức thành công ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh này, ước tính nước chủ nhà Qatar đã chi khoảng 220 tỷ USD, vượt xa các con số 3,6 tỷ USD; 15 tỷ USD và 11,6 tỷ USD mà lần lượt các nước chủ nhà Nam Phi, Brazil và Nga đã chi để tổ chức các kỳ World Cup 2010, 2014 và 2018. Wolrd Cup 2022 vì vậy cũng được ghi nhận là kỳ World Cup đắt đỏ nhất trong lịch sử túc cầu.y

Hồng Quân

Tin liên quan

Tin khác

NHTW Nhật Bản có chịu thêm áp lực sớm tăng lãi suất?

NHTW Nhật Bản có chịu thêm áp lực sớm tăng lãi suất?

Theo nhà đàm phán hàng đầu của Nhật Bản, chính sách tiền tệ của nước này có thể là một nội dung thảo luận tại cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Nhật sắp tới. Liệu đây có là một áp lực đối với NHTW Nhật Bản (BOJ) phải sớm tăng lãi suất?
Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang lấy lại cân bằng

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang lấy lại cân bằng

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường nguyên liệu công nghiệp và nông sản đã gây thu hút các nhà đầu tư trong tuần giao dịch vừa qua.
Các ngân hàng trung ương lên kịch bản ứng phó với bão thuế quan

Các ngân hàng trung ương lên kịch bản ứng phó với bão thuế quan

Tuần này, các quyết định chính sách tiền tệ đầu tiên của Nhóm G-7 kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump khơi mào cuộc chiến thương mại, gây hỗn loạn trên các thị trường toàn cầu, dự kiến sẽ phản ánh những cách tiếp cận khác biệt giữa hai bờ Đại Tây Dương.
Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ hai liên tiếp

Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ hai liên tiếp

Singapore đã nới lỏng chính sách tiền tệ lần thứ hai liên tiếp vào thứ Hai, khi quốc gia này công bố mức tăng trưởng GDP thấp hơn dự kiến trong quý đầu năm.
Quan chức Nhật Bản cho biết, họ muốn đồng yên Nhật mạnh lên

Quan chức Nhật Bản cho biết, họ muốn đồng yên Nhật mạnh lên

Nhật Bản phải củng cố sức mạnh của đồng yên vì sự suy yếu của đồng nội tệ đã đẩy chi phí sinh hoạt của các hộ gia đình lên cao, Itsunori Onodera - Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu chính sách của Đảng Dân chủ tự do (đảng cầm quyền) cầm quyền cho biết hôm Chủ Nhật (13/4).
Áp lực đè nặng lên trái phiếu Mỹ và bạc xanh

Áp lực đè nặng lên trái phiếu Mỹ và bạc xanh

Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục gây xáo trộn thương mại toàn cầu với quyết định miễn thuế cho một loạt thiết bị điện tử tiêu dùng và linh kiện công nghệ. Động thái này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy cổ phiếu công nghệ và thị trường chứng khoán Mỹ nói chung, trong khi thị trường trái phiếu và tiền tệ có thể sẽ diễn biến theo một chiều hướng khác.
Mỹ miễn thuế đối ứng với smartphone, laptop và loạt sản phẩm công nghệ

Mỹ miễn thuế đối ứng với smartphone, laptop và loạt sản phẩm công nghệ

Mỹ vừa thông báo miễn thuế đối ứng với nhiều mặt hàng điện tử tiêu dùng quan trọng như smartphone, laptop, ổ cứng, thẻ nhớ...
Trái phiếu Kho bạc Mỹ không còn là tài sản an toàn?

Trái phiếu Kho bạc Mỹ không còn là tài sản an toàn?

Từng được xem là tài sản trú ẩn an toàn, nhưng trái phiếu Kho bạc Mỹ cũng bị bán tháo mạnh trong tuần vừa qua khi các nhà đầu tư lo ngại căng thẳng thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đẩy kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái và đẩy lạm phát tăng.
Tình thế lưỡng nan của Fed: Lạm phát hay suy thoái

Tình thế lưỡng nan của Fed: Lạm phát hay suy thoái

Tâm lý người tiêu dùng Mỹ sụt giảm mạnh, trong khi kỳ vọng lạm phát vọt lên mức chưa từng thấy kể từ đầu những năm 1980, đã khuếch đại tình thế tiến thoái lưỡng nan của Fed trong việc xác định liệu nền kinh tế đang phải đối mặt với cú sốc giá mới hay đang hướng đến suy thoái, hay thậm chí là cả hai.
Đồng euro vọt lên đỉnh 3 năm so với USD, giới đầu tư đánh giá lại triển vọng tài sản Mỹ

Đồng euro vọt lên đỉnh 3 năm so với USD, giới đầu tư đánh giá lại triển vọng tài sản Mỹ

Trong bối cảnh thị trường toàn cầu biến động mạnh do căng thẳng thương mại leo thang, đồng euro bất ngờ trở thành điểm sáng trên thị trường ngoại hối, khi tăng vọt lên mức cao nhất trong 3 năm so với USD.
AI
B - Edu
B - Finance
B - Data