Xuất nông sản sang thị trường khó tính: Phải bỏ tư duy “buôn chuyến”
![]() | Hợp lực nâng tầm giá trị nông sản |
![]() | Thách thức trong xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc |
![]() | Đảm bảo hàng nông sản phục vụ Tết |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong 11 tháng năm 2022 xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt khoảng 49,04 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2021. Đến nay, đã có 8 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ). Rất nhiều mặt hàng đã đến và bước đầu được thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ đón nhận, báo hiệu những khởi sắc trong thời gian tới.
Để đạt được kết quả như thế, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, đây là cả một quá trình chuẩn bị, đầu tư của các ban ngành, các cơ quan chức năng, đặc biệt các doanh nghiệp khi đã thích ứng rất nhanh với yêu cầu của thị trường, yêu cầu của kỹ thuật.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Công ty cổ phần tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu là một trong những doanh nghiệp được tham gia xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc, và mới đây là bưởi da xanh sang thị trường Hoa Kỳ sau khi chúng ta “khơi thông” được những thị trường này.
Bà Ngô Tường Vy - Tổng Giám đốc Công ty Chánh Thu chia sẻ, trong năm 2022, các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây đã có mức tăng trưởng cao. Hiện, giá bán sầu riêng của Chánh Thu không thua kém các thương hiệu của Thái Lan. Đây là bước đệm và năm 2023 sẽ là năm tăng tốc của công ty, nhất là sản phẩm sầu riêng.
Thời gian tới, Chánh Thu sẽ tăng cường liên kết với nông dân, hợp tác xã để tăng mã số vùng trồng nhằm đáp ứng nhiều và tốt hơn cho thị trường xuất khẩu, và mong các địa phương, nông dân cùng đồng hành.
“Doanh nghiệp sẽ luôn bám sát để cập nhật thông tin liên quan đến các sản phẩm xuất khẩu cũng như về hàng rào kỹ thuật, các thị trường mới... Ngoài ra, công ty tiếp tục nâng cao liên kết cùng nông dân và các đơn vị khác để có được vùng nguyên liệu tốt nhất phục vụ cho xuất khẩu”, bà Ngô Tường Vy cho biết thêm.
Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn. Là cơ quan đầu mối thông tin về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết theo thống kê, mỗi năm Văn phòng nhận khoảng 1.000 thông báo từ các thành viên WTO về thay đổi các tiêu chí an toàn thực phẩm. Trong đó, có khoảng 70 - 80% các thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu.
Phân theo các lĩnh vực, riêng nhóm liên quan đến thuốc bảo vệ thực vật, an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật có 623 thông báo, chiếm 57%; Về thú y, các vấn đề an toàn thực phẩm liên quan trong vệ sinh thú y, kiểm dịch động vật trên cạn có 388 thông báo, chiếm 31%, còn lại là thủy sản.
Ông Ngô Xuân Nam nhận định, tình hình này sẽ khiến việc xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp ngày càng khó khăn hơn, nhất là đối với thị trường Trung Quốc.
Đồng quan điểm, bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, đến nay có gần 1.000 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đã có mã (EU code) tại thị trường EU. Đây là chứng chỉ quan trọng để có thể thâm nhập và chinh phục các thị trường khác, bởi EU là thị trường khó tính nhất. Đó cũng là thành công, khẳng định thương hiệu của thuỷ sản Việt Nam. Tuy nhiên, về lâu dài, xuất khẩu thủy sản Việt sẽ luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn tại nhiều thị trường.
Ví dụ, thị trường Trung Quốc sẽ là thị trường khó tính và ngày càng khó hơn nữa, thậm chí sẽ có những quy định và thay đổi rất bất ngờ. Thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản… được dự báo cũng sẽ có những trở ngại lớn. Do đó, doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam sẽ phải có những thay đổi toàn diện và sâu rộng. Đây cũng là cơ hội và thách thức trong thời gian tới.
Bà Phan Thị Thu Hiền - đại diện Cục Bảo vệ thực vật cũng thông tin, Trung Quốc hiện đang đưa ra nhiều yêu cầu nghiêm ngặt về vùng trồng và cơ sở đóng gói sản phẩm. Họ cũng đưa ra cảnh báo những phương pháp xử lý đối với các trường hợp vi phạm.
“Muốn xuất khẩu vào các thị trường khó nhưng có giá trị cao thì phải thay đổi tư duy, phải bỏ tư duy “buôn chuyến”. Doanh nghiệp phải có bạn hàng, phải liên kết để có những vùng sản xuất đảm bảo yêu cầu mã số vùng trồng của nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, cần tổ chức lại sản xuất để vừa giảm chi phí đầu vào, vừa đảm bảo tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm”, ông Nguyễn Như Cường nhấn mạnh.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Bộ Xây dựng cắt giảm tối thiểu 30% điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Gia tăng ứng dụng AI trong lĩnh vực tài chính

Hà Nội đưa mô hình tư vấn miễn phí hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vào hoạt động
