Xuất bản điện tử cần được khơi thông
Xuất bản phẩm điện tử có thể chia thành 2 loại, một là các tác phẩm đã được xuất bản hợp pháp dưới hình thức khác nay được chuyển sang hình thức điện tử; và hai là được tạo lập bằng phương thức điện tử, chưa được xuất bản dưới hình thức khác và có quyết định xuất bản của NXB hoặc giấy phép xuất bản của cơ quan quản lý.
Nhờ có cách mạng công nghiệp 4.0, quy trình xuất bản, ứng dụng công nghệ, hình thức phát hành, marketing các ấn phẩm điện tử thuận tiện hơn. Cách mạng công nghiệp 4.0 giúp sách điện tử không bị giới hạn về nội dung và hình thức thể hiện, không giới hạn về dung lượng thông tin chứa trong nó; sách điện tử nhờ những ứng dụng công nghệ hiện đại có thể truyền đạt nội dung một cách vô cùng đa dạng, sinh động do được tích hợp thêm các dạng dữ liệu đa phương tiện từ âm thanh, video đến những hình ảnh thậm chí là hình ảnh 3D, 4D... Bằng sự xóa nhòa mọi ranh giới, giới hạn, xuất bản điện tử đã giúp giảm nhiều công đoạn trong xuất bản truyền thống. Giờ đây, các tác giả có thể đưa sản phẩm của mình dưới dạng định dạng tiện tử thông qua các công ty nắm giữ hạ tầng bigdata (dữ liệu lớn) đến thẳng với người đọc mà không cần qua công đoạn biên tập, giới thiệu của các nhà xuất bản.
![]() |
Việt Nam có nhiều tiềm năng cho sách điện tử nói riêng, xuất bản điện tử nói chung |
Tại Việt Nam, xuất bản điện tử đã phát triển trong khoảng 10 năm trở lại đây. Có thể kể đến các đơn vị kinh doanh phát hành sách trực tuyến, cung cấp sách điện tử như Vinabook, Tiki, Fahasa, Công ty Lạc Việt, Vinapo... cùng với đó là một loạt các ứng dụng đọc sách online “bùng nổ” trên thị trường sách. Dự án sách tiếng Việt Google Books khá phát triển với rất nhiều đầu sách miễn phí, có những tên sách đã không thể tìm mua trên thị trường truyền thống thì người đọc vẫn có thể tìm kiếm bản sách điện tử trên nền tảng này. Hàng loạt ứng dụng đọc sách online dành cho điện thoại thông minh khác với tinh thần “mang cả thư viện vào ngôi nhà của bạn” cũng đã xuất hiện và cùng cạnh tranh như Vinabook Reader, Miki, iBooks, Waka, Tea Book... NXB Trẻ thành lập hẳn một thương hiệu Ybook với số lượng lớn sách được số hóa, có tiêu chuẩn cao với nhiều ấn phẩm được công chúng đón nhận. Waka – đơn vị hoạt động xuất bản điện tử hàng đầu Việt Nam cho biết, những tháng đầu năm 2020, doanh thu của đơn vị tăng 20%-30%, đặc biệt tăng trong thời điểm thực hiện cách ly xã hội phòng, chống dịch COVID-19 lượng người đọc sách điện tử tăng vọt cho thấy đọc sách điện tử được nhiều người quan tâm.
Với thị trường hơn 90 triệu dân, tỷ lệ người sử dụng thiết bị công nghệ tương đối cao, xuất bản điện tử là hướng phát triển được kỳ vọng góp phần đưa ngành xuất bản nước ta vươn lên tầm cao mới. Tuy nhiên, các con số thống kê cho thấy xuất bản điện tử ở Việt Nam phát triển chưa xứng với tiềm năng. Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin - Truyền thông), năm 2017 chỉ có 137 xuất bản phẩm điện tử được đăng ký lưu chiểu, trong khi có tới trên 26.000 đầu sách được in. Sang năm 2018, xuất bản phẩm điện tử đã tăng lên gần 200, nhưng vẫn là một tỷ lệ quá thấp so với hơn 31.000 cuốn sách in truyền thống. Riêng năm 2019, xuất bản phẩm điện tử đạt hơn 2.400 cuốn với 1,5 triệu lượt truy cập.
Sở dĩ chúng ta có tiềm năng nhưng xuất bản điện tử còn kém phát triển vì trước hết, các xuất bản phẩm điện tử lậu, không bản quyền, phát tán miễn phí trên rất nhiều diễn đàn, trang mạng ở trong và ngoài nước đã ảnh hưởng đến doanh thu cũng như danh tiếng của các NXB. Bên cạnh đó, theo ông Trần Chí Đạt, Giám đốc, Tổng biên tập NXB Thông tin và Truyền thông, một NXB muốn làm sách điện tử phải đầu tư rất nhiều trang thiết bị, tốn kém, trong khi tiềm lực của nhiều đơn vị không đủ đáp ứng. Đầu tư nhân lực công nghệ thông tin cũng đòi hỏi cao, trong khi nhân lực của NXB về công nghệ còn yếu.
Để phát triển xuất bản điện tử, bà Đinh Thị Thanh Thủy - Giám đốc, Tổng biên tập NXB Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh cho rằng, cơ quan quản lý cần hướng dẫn chi tiết thủ tục, điều kiện để các đơn vị thuận lợi tham gia; đồng thời, tăng cường quản lý, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm bản quyền trong hoạt động xuất bản. Chúng ta nên có chiến lược quốc gia về xuất bản và phát hành sách điện tử, trong đó sẽ quy hoạch lại các đơn vị có đủ khả năng xuất bản, kinh doanh số, tận dụng nguồn lực và lợi ích của công nghệ để phát triển đa dạng hình thức xuất bản điện tử: Sách điện tử, sách nói, sách tương tác ảo... Bên cạnh đó, chúng ta cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ quản lý xuất bản chuyên nghiệp, thành thạo ngoại ngữ, sử dụng tốt các phương tiện, thiết bị điện tử, viễn thông liên quan đến công nghệ thông tin, kỹ thuật số để có thể tiếp cận với những ứng dụng công nghệ tương ứng với phương thức xuất bản mới.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
