Xóm trọ nghèo chật vật trong mùa dịch
Tích góp từng đồng sống qua ngày
Bên trong căn nhà xập xệ trên phố Bạch Đằng (Hai Bà Trưng, Hà Nội), bà Nguyễn Thị Bình cùng chị Thanh đang phân loại đống sắt vụn nhặt được sau cả một ngày lang thang khắp quận Hai Bà Trưng. Dốc cả bao tải ra, chị Thanh đếm được hơn 30 vỏ lon cùng với 2kg bìa. Chị thở phào nhẹ nhõm vì số sắt vụn này bán đi cũng đủ tiền nhà cho đêm nay ở. Còn bà Bình thì không được may mắn như vậy, cả ngày đi bà chỉ nhặt được hơn chục cái vỏ lon.
Bà Bình, chị Thanh vốn là lao động tự do từ quê lên để tìm kiếm công việc mưu sinh tại Hà Nội, tuy nhiên dịch bệnh đã khiến cuộc sống của họ thêm bội phần khó khăn.
![]() |
Bà Bình và chị Thanh đang đếm số sắt vụn nhặt được sau một ngày rong ruổi |
“Trước khi dịch bùng phát, tôi có nhận được một số công việc như rửa bát, quét dọn tại các nhà hàng nhưng vì dịch, tất cả mọi nơi chỉ được phép bán mang về, tôi bất đắc dĩ phải nghỉ việc. Sau khi chuyển xuống xóm trọ này, tôi theo mọi người ở đây đi bán đồng nát. Tiền nhà ở đây có giá 30 nghìn đồng/ngày, thế nhưng có ngày tôi còn chẳng kiếm nổi 20 nghìn đồng”, bà Bình tâm sự.
Bà Bình sống cùng chồng là ông Nguyễn Văn Thụy, vì bệnh tật nên ông không thể đi làm được, tất cả gánh nặng đổ dồn lên vai người phụ nữ này. Ở tuổi 62, bà vẫn cố gắng đi nhặt nhạnh từng lon nước trong các đống rác ven đường để lo bữa ăn qua ngày. Nhưng khó khăn chưa buông tha, số tiền tiết kiệm ít ỏi bao năm qua giờ đây đã phải lấy ra để trang trải cho cuộc sống của hai vợ chồng.
Mong ước lớn nhất của bà hiện nay là các nhà hàng được mở cửa trở lại, những lao động tự do như bà có thể trở lại công việc lau dọn, rửa bát với mức lương khá khẩm hơn.
Không chỉ bà Bình, hầu hết các hộ gia đình trong xóm trọ này cũng đang gặp tình cảnh khó khăn vì dịch bệnh. Thời điểm trước dịch, nơi đây chỉ có 7 - 8 hộ sinh sống nhưng đến nay đã có gần 20 hộ, gần như chật kín các phòng. Nguyên nhân là do nhiều người đã không còn đủ thu nhập chi trả cho những nơi ở khang trang hơn nên đành tìm về các khu trọ giá rẻ. Những hôm Hà Nội nắng nóng gần 40 độ, các gia đình tại đây phải dùng đủ mọi cách để giảm bớt nóng bức, họ chật vật trong những căn phòng vẻn vẹn chục mét vuông và suy nghĩ kế sinh nhai cho những ngày sắp tới.
Còn với anh Nguyễn Đức Tuấn (quê Hà Nam), tình hình dịch khiến các cửa hàng trở lại hoạt động chưa được bao lâu lại phải đóng ảnh hưởng trực tiếp đến công việc bảo vệ của anh. Chỉ mới vừa tuần trước, anh cùng vợ bàn với nhau sẽ cố gắng làm đủ tiền để rời khu trọ, tìm một nơi ở có điều kiện tốt hơn, sạch sẽ hơn. Thế nhưng chỉ vài ngày sau, Hà Nội lại quyết định đóng các cửa hàng khiến cho anh Tuấn lại một lần nữa lâm vào cảnh mất việc.
“Từ đầu năm đến nay, công việc của tôi không ổn định, cứ làm được vài tháng lại dịch, lương còn chưa được trả hết. Tôi rất mong có sự hỗ trợ để cuộc sống của vợ chồng có thể tốt hơn và nhờ số tiền đó, chúng tôi cũng sẽ tìm những cách buôn bán khác ổn định hơn”, anh Tuấn chia sẻ.
Khá khẩm hơn những người khác, anh Nguyễn Văn Chiến - một công nhân xây dựng - cho biết anh vốn làm việc tại Bắc Ninh nhưng do dịch bệnh nên các công việc đều đang bị dừng lại, anh đành sống nhờ vào công việc tạm thời đó là sửa điện, sửa đường ống nước cho các gia đình, ai gọi gì làm nấy. Mỗi ngày có việc đều anh cũng kiếm được khoảng 300 nghìn đồng, số tiền ít ỏi đủ để nuôi sống gia đình. Tuy nhiên, không phải ngày nào cũng có việc, có những hôm anh ngồi chơi cả ngày thấp thỏm chờ việc.
Mong ngóng nhận được hỗ trợ
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong quý II/2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập... Như vậy, so với quý I/2021, dịch Covid-19 đã làm tăng thêm 3,7 triệu lao động rơi vào tình trạng bị ảnh hưởng tiêu cực.
Trước tình hình đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đặc biệt, đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác, Nghị quyết nêu rõ: Căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.
Biết được gói hỗ trợ mới của Chính phủ có phần hỗ trợ cho lao động tự do, bà Bình mong mỏi số tiền quý giá đó dù ít hay nhiều cũng nhanh chóng đến tay với người dân, đó sẽ là cứu cánh cho họ trong giai đoạn khó khăn của dịch bệnh.
Khi được hỏi về khoản hỗ trợ, anh Chiến ngậm ngùi thành thật chia sẻ: “Lần dịch trước tổ dân phố có đến, chúng tôi đã nhận được khoản hỗ trợ là 3 triệu đồng, nhờ vậy mà gia đình chúng tôi có một quỹ tiết kiệm nho nhỏ, đủ sống qua ngày. Thế nhưng, lần dịch này đã kéo dài vài tháng, số tiền tích lũy đang dần cạn kiệt, tôi mong khoản hỗ trợ có thể đến tay những người đang khó khăn như tôi sớm nhất có thể”.
Thực tế, đa số người lao động tự do tại Hà Nội đều đến từ nhiều miền quê khác nhau, trên vai họ là gánh nặng về chỗ ở, chi phí sinh hoạt thường ngày… Khi được hỏi tại sao không về quê, họ đều có chung câu trả lời đó là do dịch bệnh căng thẳng, về quê đem theo nhiều nguy cơ lây nhiễm cho những người xung quanh, đồng thời ở quê cũng không có việc làm. Chính vì vậy, họ đành bám trụ lại Thủ đô để chờ một ngày dịch được đẩy lùi, cuộc sống mưu sinh sẽ bớt phần vất vả.
Ngày 1/7 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 với quy mô khoảng 26.000 tỷ đồng. Đối tượng thụ hưởng được mở rộng gồm nhiều đối tượng như: Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021, đang tham gia BHXH bắt buộc được hỗ trợ 1,8 triệu đồng đồng; nghỉ việc không hưởng lương hoặc tạm hoãn hợp đồng từ 1 tháng trở lên được hỗ trợ 3,7 triệu đồng. Các trường hợp người lao động đang mang thai được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người; đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em thì được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ em chưa đủ 6 tuổi. Đối với người lao động bị nhiễm COVID-19 hoặc phải cách ly y tế để phòng chống COVID-19, chính sách lần này hỗ trợ toàn bộ tiền ăn. Riêng trẻ em được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/ trẻ em… Bên cạnh đó, Nghị quyết 68/NQ-CP cũng bổ sung nhiều chính sách mới như: giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; cho vay trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh… |
(Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
