Xét tuyển đại học: Cuộc đua có phần đỏ-đen?
Cuối cùng thì 20 ngày cho việc xét tuyển vào các trường đại học và cao đẳng đợt I cũng kết thúc. Bởi học sinh và gia đình không chỉ lo lắng việc rớt hạng, mà còn phải cập nhật danh sách từ các trường đã nộp rồi rút, chuyển hồ sơ và đi nộp lại trường khác, quay cuồng trong những tính toán thiệt hơn và dĩ nhiên cũng có yếu tố may rủi cho việc có một tấm giấy gọi đại học với thí sinh.
![]() |
Thí sinh và nhà trường cùng quay cuồng với việc nộp và rút hồ sơ xét tuyển |
Theo quy chế xét tuyển năm 2015 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đưa ra thì mỗi thí sinh có thể nộp hồ sơ dự tuyển được 4 nguyện vọng vào một trường cho mỗi kỳ xét tuyển và sẽ có 3 kỳ xét tuyển cho cả đợt năm học 2015 này.
Đây có lẽ là một trong những bước cải tiến công tác tuyển sinh năm nay với lý giải là tạo thêm nhiều cơ hội cho các thí sinh. Nhưng sau khi kết thúc đợt I cho kỳ xét tuyển sinh này đã lộ rõ nhiều bất cập.
Ông Lương Xuân Hạo, một trong những phụ huynh đến từ Bắc Sơn, Bắc Thái chia sẻ: “Sau khi biết kết quả thi của cháu, thì cả hai bố, con chúng tôi xuống thẳng Hà Nội và suốt hơn hai tuần này chúng tôi đã ba lần nộp, rút hồ sơ và cũng may mắn là đã chốt được nguyện vọng vào trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội”.
Còn anh Huấn con Ông Hạo khẳng định, nguyện vọng là muốn vào trường Đại học Mỏ, địa chất nhưng thực sự không dám phiêu lưu khi lạc vào mê hồn trận danh sách và điểm số xét tuyển của các trường thay đổi từng ngày, từng giờ. Trước sức ép của gia đình, anh đành phải nộp vào một trường vừa phải để có cơ hội tốt hơn.
Trong số các thí sinh tham gia nộp hồ sơ xét tuyển đợt I chắc cũng không ít những trường hợp vất vả như bố, con ông Hạo. Như các năm, thí sinh nộp hồ sơ trường mình có khả năng thi đỗ trước. Năm nay, gia đình thí sinh hồi hộp chờ đợi kết quả của kỳ thi gần 20 ngày rồi lại tiếp tục chờ thêm 20 ngày nữa trong áp lực, lo âu với việc nộp và rút hồ sơ để hy vọng sẽ đỗ đại học.
PGS Văn Như Cương có nhìn nhận rất hình tượng: “Học sinh như đang lao vào cuộc chơi đỏ đen, không khác gì đánh bạc hay chơi chứng khoán". PGS Văn Như Cương khẳng định: Kỳ thi THPT quốc gia tổ chức hứa hẹn sẽ hạn chế bớt kinh phí cho gia đình thí sinh, nhưng thực chất là tốn kém và căng thẳng hơn rất nhiều.
Số lượng lớn thí sinh phải chạy đua trong vòng 20 ngày luôn trong tâm trạng thấp thỏm và lo sợ. Các em không có thời gian nghĩ đến những khoa ngành mình thích mà cố gắng làm sao để đỗ được đại học.
Thí sinh Nguyễn Thị An Bình chia sẻ: “Năm nay, bên cạnh kỳ thi cam go, bọn em còn phải chạy đua nộp hồ sơ nữa. Gần như bọn em chỉ tập trung vào việc nộp hồ sơ để đỗ vào được đại học mà khó có thể vào được ngành mình muốn học. Học đại học mà không thể học được đúng ngành mình muốn thì còn học để làm gì nữa? Cuộc đua này chả khác gì trò chơi may rủi, hay nói một cách vui đây chả khác gì chơi chứng khoán cả, hết rút rồi lại nộp.
Khi đưa ra đề án cải cách này, Bộ GD&ĐT đã nói những ưu điểm: giảm sự lãng phí, tránh được may rủi bởi có điểm trước mới nộp và giảm số lượng thí sinh ảo... Vậy mà em chẳng thấy ưu điểm đâu mà ngược lại, chi phí không hề giảm mà còn tăng, không chỉ vậy học sinh và phụ huynh còn vất vả hơn các năm trước rất nhiều, với cách xét 4 nguyện vọng cho một đợt nộp hồ sơ thì số lượng thí sinh ảo quá tăng ấy chứ”.
Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, GS. Phạm Minh Hạc đưa ra đề xuất các trường THPT tự tổ chức kỳ thi tốt nghiệp. “Tại sao lại phải ghép 2-3 tỉnh vào một cụm thi? Tại sao cả nước chỉ có 38 cụm thi? Hãy để kỳ thi tốt nghiệp cho các trường THPT tự tổ chức. Họ có thể đào tạo thì cũng có thể tổ chức thi tốt nghiệp. Đề thi của Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT sẽ quản lý thi nơi mình phụ trách.
Học sinh thi tại trường mình học, giấy chứng nhận tốt nghiệp ghi rõ tên trường”, Giáo sư Hạc nói. Cũng theo nguyên Bộ trưởng GD&ĐT, Bộ nên có tiêu chí về chỉ tiêu và giao cho các trường tự tuyển sinh sẽ đỡ tốn kém hơn. Các trường tuyển sinh theo nhu cầu của mình, cũng như chủ động trong đào tạo.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, nói kỳ thi thất bại hoàn toàn là quá nặng nề. Tuy nhiên, kỳ thi còn nhiề̀u bất cập và rắc rối trong việc xét tuyển nguyện vọng. Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Bộ GD&ĐT cần tăng cường giao quyền tự chủ cho các trường. Sự thực là các trường chưa được giao tự chủ hoàn toàn nên mới có những rắc rối nảy sinh như vừa qua.
Kỳ xét tuyển của các trường năm nay mới đi được 1/3 chặng đường, với những bất cập lộ ra, thiết nghĩ, Bộ GD&ĐT cần có những điều chỉnh cho phù hợp với nguyện vọng, lợi ích của thí sinh và các trường, giúp các thí sinh không “trượt chân” trước ngưỡng cửa cuộc đời.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
