Xã hội hóa hoạt động thư viện
Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” đã xác định rõ, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động thư viện là một trong những nhiệm vụ và giải pháp quan trọng để phát triển văn hóa đọc. Để thực hiện điều này, ngành thư viện Việt Nam đã có được sự hỗ trợ về mọi mặt. Hàng loạt chương trình, dự án đã được tổ chức hiệu quả như sách hóa nông thôn, lập tủ sách trại giam và các cơ sở giáo dưỡng, tổ chức hoạt động phục vụ sách, báo tại các điểm bưu điện văn hóa xã, hỗ trợ các thư viện, tủ sách ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... Nhờ các nguồn lực xã hội hóa, bức tranh toàn cảnh về thư viện Việt Nam đã có sự thay đổi tích cực và rõ nét trong những năm gần đây với cơ sở vật chất được nâng cao, công nghệ mới được triển khai và các hoạt động có liên quan được tổ chức đều đặn.
![]() |
Mô hình ô tô thư viện lưu động đa phương tiện thu hút bạn đọc |
Có thể dẫn ra đây những ví dụ điển hình như thư viện “Sách ơi mở ra” thu hút đông đảo học sinh trên địa bàn Hà Nội. Đến đây, các em không chỉ đọc sách mà còn tham gia nhiều hoạt động sáng tạo như rèn kỹ năng đọc sách, thảo luận, viết văn, thí nghiệm khoa học… Thư viện được mở năm 2015, từ ý tưởng của tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Minh, giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Chỉ với 500 cuốn ban đầu từ tủ sách gia đình, đến nay, thư viện đã có 2 cơ sở (ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy và phường Văn Quán, quận Hà Đông) với hàng chục nghìn cuốn sách, mở cửa miễn phí cho học sinh và tổ chức được gần 100 sự kiện về văn hóa đọc. Đáng nói là mô hình thư viện tư nhân này đã được chuyển giao cho hơn 20 trường học ở Hà Nội. Đây chỉ là điển hình trong hơn 100 thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng và hàng nghìn tủ sách trên cả nước được hình thành theo hướng xã hội hóa.
Một mô hình nữa phải kể tới là dự án xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện “Ánh sáng tri thức” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Tập đoàn Vingroup thực hiện từ tháng 10/2016. Đó là những chiếc xe được thiết kế hiện đại, với hơn 4.500 cuốn sách, trang bị máy tính, ti vi, máy chiếu… đã lăn bánh đến với hàng triệu bạn đọc ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hồi cuối tháng 9 vừa qua, dự án đã trao tặng thêm cho 31 thư viện tỉnh, thành phố xe ô tô thư viện lưu động.
Trước đó, từ năm 2011, Thư viện Hà Nội đã được Quỹ Quốc tế Singapore, Tập đoàn Keppel Land hỗ trợ xe thư viện lưu động để phục vụ học sinh. Tuy chưa được thiết kế tối ưu, nhưng xe có thể đi vào những khu vực chật hẹp, một số loại địa hình khó khăn, trở thành phòng đọc lưu động, đa năng. Tính đến hết năm 2018, xe đã tới hơn 100 trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội, phục vụ hơn 60.000 lượt học sinh. 6 tháng đầu năm 2019, đã có hơn 60 trường tiểu học, trung học cơ sở của 14 huyện, thị xã được “đón” chuyến xe tri thức này.
Theo Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vũ Dương Thúy Ngà, trong những năm qua, việc đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động thư viện diễn ra dưới nhiều hình thức. Nhiều tổ chức, quỹ văn hóa trong nước và quốc tế đã hỗ trợ sách báo, giúp các thư viện phát triển phong phú vốn tài liệu. Chỉ tính riêng Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên, mỗi năm đã hỗ trợ các thư viện từ 30.000 đến 40.000 cuốn sách. Nhiều thư viện được Quỹ Force (Hà Lan) hỗ trợ sách, tài liệu cho người khiếm thị…
“Những hoạt động xã hội hóa như vậy đang tạo luồng sinh khí mới cho hoạt động thư viện nói riêng và phát triển văn hóa đọc nói chung”, bà Ngà khẳng định và cho biết, xã hội hóa trong phát triển văn hóa đọc hiệu quả hay không, phụ thuộc vào sự chủ động của từng địa phương, nhất là những người quản lý, điều hành hoạt động thư viện.
Tuy nhiên, bên cạnh những thư viện xã hội hóa hoạt động khá hiệu quả thì ở rất nhiều nơi lại vấp phải rào cản là sự hạn chế về cơ sở vật chất, từ diện tích thư viện/phòng đọc quá nhỏ đến số lượng sách không đủ so với yêu cầu. Ở nhiều thư viện trường học, quy trình mượn/đọc tương đối máy móc, không tiện cho học sinh; cách quản lý thiếu linh hoạt, cách khai thác sách thiếu sáng tạo dẫn đến một thực tế là trẻ không những không đủ hứng thú với việc mượn - đọc - trả sách trong thời gian ở trường, mà ngay cả việc mượn sách về để đọc ở nhà trong những ngày nghỉ cuối tuần hay dịp hè cũng không dễ thực hiện được... Đó có thể coi là một sự lãng phí lớn, cần sớm khắc phục.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
