Vụ sập giàn giáo ở công trình Formosa: Trách nhiệm thuộc về ai?
Tai nạn thảm khốc từ sự vô tâm
Vụ sập giàn giáo ở công trình Formosa gần đây đã khiến cho 15 công nhân tử vong và 30 người bị thương. Địa điểm xảy ra vụ tai nạn tại công trình đúc giếng chìm xây dựng đê chắn sóng cảng Sơn Dương, do nhà thầu NiBeLc, nhà thầu phụ của Tập đoàn Samsung C&T thi công.
![]() |
An toàn lao động đang là vấn đề rất bức xúc |
Theo phản ánh của phóng viên, có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, việc để xảy ra tai nạn lao động trong một công trường lớn như thế này là trách nhiệm của chủ đầu tư cũng như chủ sử dụng lao động. Tại buổi họp báo mới đây, đại diện Formosa cũng khẳng định rằng, việc để xảy ra tai nạn đau lòng này trách nhiệm hoàn toàn thuộc về phía nhà thầu Samsung C&T.
Mặc dù nguyên nhân của vụ việc vẫn đang được điều tra, song theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh, nguyên nhân ban đầu được nhận định là do sự cố má phanh thủy lực không đảm bảo dẫn đến toàn bộ hệ thống giàn giáo (dài 30m, rộng 35m, cao 20 m) bị sụp đổ, gây ra tai nạn.
Thế nhưng điều khiến dư luận bức xúc hơn cả theo phản ánh của một số công nhân, trước lúc giàn giáo sập xuống khoảng 30 phút, giàn giáo đã bị rung lắc. Công nhân hoảng sợ bỏ chạy nhưng chỉ huy công trình người Hàn Quốc đã yêu cầu họ quay trở lại tiếp tục làm việc và thảm kịch xảy ra sau đó.
Ở đây chúng ta thấy một vấn đề hết sức nghiêm trọng là sự vô lương tâm, thiếu trách nhiệm người đứng đầu, tức là người lãnh đạo, là người chỉ huy công trường đó.
Được biết, căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu được, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án liên quan đến hành vi "Vi phạm các quy định về ATLĐ" theo Điều 227 – Bộ luật Hình sự nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Người lao động còn thiếu hiểu biết
Song qua vụ tai nạn thảm khốc này cũng như nhiều vụ tai nạn lao động khác xảy ra gần đây, không thể không nói tới nhận thức về vấn đề ATLĐ của người lao động hiện nay còn nhiều bất cập.
Nguyên nhân một phần cũng bởi, trên thực tế đối tượng tham gia lao động rất đông và đa dạng, trong đó phần lớn là những lao động thời vụ, tranh thủ lúc nông nhàn đi làm để kiếm thêm thu nhập. Những đối tượng này phần lớn đều không được trang bị các phương tiện bảo hộ lao động cũng như kiến thức về ATLĐ.
Thực tế còn cho thấy, người công nhân cũng không dám tự bảo vệ bản thân trước nguy hiểm rình rập. Giá như những người công nhân thấy giàn giáo rung thì phải kiên quyết không tiếp tục làm việc, phải bỏ chạy, thậm chí sẵn sàng bỏ việc nếu quản lý bắt làm trên cái giàn giáo nguy hiểm ấy…
Nhưng một điều hiển nhiên đến thế sao họ không làm? Có điều gì quý giá hơn sự sống của chính bản thân mình hay sao? Có lẽ chính sự khó khăn, thiếu thốn về tài chính đã đẩy người công nhân vào thế không có quyền lựa chọn. Những người công nhân ấy không có được cả cái quyền từ chối làm những điều có thể gây nguy hiểm cho bản thân mình. Biết là nguy hiểm, họ vẫn cứ phải làm. Đó là điều đau xót và đáng để cho chúng ta phải suy nghĩ!
Anh CHAVDART TASEV- kỹ sư giám sát công trình người Ấn Độ đang làm việc tại Việt Nam cho biết: “Qua thời gian dài làm việc ở các công trường tại Việt Nam, tôi có thể nói hiểu biết về ATLĐ của lao động Việt Nam rất thấp. Chính vì thực tế này mà những người như chúng tôi ngày nào cũng phải đứng lớp giảng dạy trong những phòng học dã chiến ngay tại công trường những quy định về ATLĐ, những khả năng có thể xảy ra và những quy trình bắt buộc công nhân phải thực hiện, tuân thủ khi làm việc trên công trường để bảo vệ tính mạng của chính họ”.
Thế nhưng liệu có được bao nhiêu chủ đầu tư, nhà thầu có tâm như vậy, mà phần đông chỉ chạy theo lợi nhuận và thờ ơ, không quan tâm đến việc trang bị thiết bị bảo hộ, công tác ATLĐ.
Bên cạnh đó, đằng sau những vụ tai nạn lao động này, không thể không nói tới công tác kiểm tra, giám sát thi công cũng như vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền các địa phương.
Theo Bộ trưởng – Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên, để tăng cường quản lý về chất lượng, hạn chế các sự cố, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014, trong đó quy định cụ thể, chi tiết việc quản lý chất lượng công trình. Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, thanh tra, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định về an toàn lao động, chất lượng công trình. |
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
