Viết tiếp giấc mơ đến trường cho học sinh, sinh viên nghèo
![]() | Tập huấn về tín dụng chính sách đối với cán bộ là Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn |
![]() | NHCSXH Hưng Yên: Giúp hàng ngàn hộ nghèo được vay vốn |
![]() |
NHCSXH huyện Phúc Thọ tại điểm giao dịch xã |
Về xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ, trong những ngày đầu năm học mới, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn ý nghĩa của nguồn vốn tín dụng đối với HSSV do NHCSXH đang triển khai, hỗ trợ kịp thời nhu cầu vốn cho nhiều phụ huynh và HSSV khó khăn trước thềm năm học mới.
Căn nhà cấp 4 của gia đình bà Dương Thị Lâm (thôn 4, xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội), một hộ vay vốn HSSV nằm gọn ở cuối ngõ là nơi chúng tôi đến thăm. Với ý chí của một người mẹ, bà Lâm đã tần tảo để đưa giấc mơ được học hành đỗ đạt của cậu con trai thành hiện thực và hy vọng về một tương lai tươi sáng.
Với giọng nói run run và đôi mắt đỏ hoe khi kể về hoàn cảnh của gia đình, bà Dương Thị Lâm cho biết, cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn, trong nhà không có gì đáng giá đến một triệu đồng. Chồng mất sớm, một mình bà nuôi dạy 3 người con ăn học. Ở tuổi 61, bản thân lại ốm đau nhưng để kiếm tiền cho con đi học, bà vẫn phải gồng mình đi làm thuê từ bốc vác, cắt cỏ thuê đến mùa vụ thì đi gặt để nuôi các con ăn học.
Dù khó khăn nhưng hai người con lớn của bà đã có công việc ổn định, chỉ còn cậu con trai út Nguyễn Hồng Quân vẫn đang tiếp tục học tập tại Hà Nội. Khi Quân bước vào năm thứ hai đại học cũng là lúc kinh tế gia đình gần như cạn kiệt, nhưng bà Lâm vẫn kiên quyết: “Kể cả phải bán ruộng, bán đất, tôi vẫn tiếp tục cho con đi học”. Rất may, trong thời điểm khó khăn đó, gia đình bà nhận được sự hỗ trợ từ chính sách tín dụng HSSV nên cậu con trai có cơ hội được đi học tiếp. Mỗi năm gia đình bà Lâm được vay 15 triệu đồng, đủ để chi trả học phí cho Quân yên tâm học tập.
Theo bà Vũ Thị Hoa, Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 8, xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ, trước khi con cái thi đại học, tâm trạng của nhiều phụ huynh đều lo lắng có đỗ đạt hay không, nhưng ngay cả khi đỗ rồi, thì nỗi lo về kinh tế lại hiện hữu rất lớn, nhất là với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Từ khi có chương trình vay HSSV, áp lực đã giảm được phần nào và đến nay, mức vay đã được tăng lên 25 triệu đồng/năm học/HSSV.
![]() |
Cán bộ NHCSXH thăm hộ Dương Thị Lâm đang vay vốn tín dụng HSSV cho con trai học đại học |
Tại xã Long Xuyên có hộ vay Kiều Thị Mích, vay vốn cho sinh viên Ngọc Thanh Phúc với số tiền 33 triệu đồng để theo học tại Học viện Ngân Hàng. Phúc đã ra trường năm 2018 và hiện nay có việc làm ổn định, đã trả nợ cho ngân hàng số tiền gốc 25,5 triệu đồng; Hay ở xã Võng Xuyên có hộ Khuất Thị Tuyết được duyệt cho vay 50 triệu đồng cho sinh viên Lê Tuấn Anh học Đại học Y Hà Nội, sinh viên này đã ra trường năm 2018 hiện nay đã có việc làm ổn định, giúp gia đình trả gốc cho ngân hàng...
Đó chỉ là 3 trong số 250 HSSV có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Phúc Thọ đã và đang được vay vốn ưu đãi của Chính phủ để trang trải được chi phí học tập, giúp các em không bỏ lỡ con đường học tập của mình. Tính đến giữa tháng 9/2020, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phúc Thọ đã cho vay trên 6 tỷ đồng với 210 hộ vay cho con đi học.
Bên cạnh chương trình tín dụng HSSV, nhiều chương trình cho vay khác cũng được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phúc Thọ triển khai thực hiện có hiệu quả như: cho vay nhà ở xã hội, cho vay hộ mới thoát nghèo, cho vay giải quyết việc làm... Ước tính đến giữa tháng 9/2020, tổng dư nợ cho vay 8 chương trình vay vốn mà Phòng giao dịch đang triển khai đạt hơn 418 tỷ đồng, tăng gần 66 tỷ đồng so với đầu năm, hoàn thành trên 99% kế hoạch tăng trưởng. Hoạt động cho vay được thực hiện theo hình thức NHCSXH ủy thác qua các tổ chức hội, đoàn thể gồm: Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Đoàn Thanh niên.
Để nguồn vốn tín dụng HSSV đến với các gia đình khó khăn được kịp thời, ông Đàm Quốc Thịnh, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phúc Thọ cho biết: Trong những tháng cuối năm, NHCSXH huyện sẽ tích cực, chủ động kịp thời tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn, đồng thời phối hợp với các tổ chức nhận ủy thác và Trung tâm Văn hóa thông tin và truyền thông huyện để tuyên truyền về chính sách tín dụng cho người dân biết; Chủ động phối hợp với các xã, thị trấn, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác nắm bắt nhu cầu vay vốn để bình xét cho vay đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách. Ngoài ra, NHCSXH huyện sẽ chủ động liên hệ với NHCSXH thành phố nắm bắt chỉ tiêu kế hoạch, qua đó triển khai hồ sơ vay vốn sớm, sẵn sàng giải ngân khi có kinh phí chuyển về.
Phòng giao dịch cũng đã tư vấn chương trình vay vốn HSSV cho đối tượng được vay vốn là hộ nghèo, cận nghèo, hộ có thu nhập bằng 150% của hộ nghèo; HSSV mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động; lao động nông thôn trong độ tuổi lao động, có trình độ học vấn và sức khoẻ phù hợp với nghề cần học…
“Với những giải pháp quyết liệt này, chúng tôi tin tưởng rằng, chính sách cho vay HSSV sẽ đạt được nhiều thành công hơn nữa, hỗ trợ thêm nhiều HSSV có hoàn cảnh khó khăn hoàn thành tốt việc học, có việc làm ổn định, vươn lên thoát nghèo, từng bước đưa đời sống của các hộ nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn huyện ngày càng ổn định, phát triển hơn”, ông Thịnh chia sẻ.
Tin liên quan
Tin khác

Tăng cho vay tín chấp đối với nông hộ và các mô hình sản xuất theo chuỗi

Co-opBank đồng hành cùng hệ thống QTDND

Cần Thơ: Rà soát nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách đến từng nhóm khách hàng

Đồng vốn Agribank - động lực cho khởi nghiệp thành công

Dòng chảy tín dụng chính sách giữa đại ngàn Tây Nguyên

Lạng Sơn: Nâng cao hơn nữa hiệu quả tín dụng chính sách xã hội

Khánh Hòa nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội

Agribank đồng hành xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại

Quảng Nam nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách trong giai đoạn mới
