Ứng phó với thiên tai, nhìn từ bão Noru
Giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản
Cơn bão số 4 (bão Noru) đã đổ bộ vào nước ta với cường độ rất mạnh, phạm vi ảnh hưởng lớn, kể từ khi hình thành đến khi đổ bộ vào đất liền cường độ bão liên tục thay đổi. Đêm 27 và sáng 28/9, bão số 4 đã ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương khu vực miền Trung, với trọng điểm là Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi...
Đây là một cơn bão mạnh, thậm chí là rất mạnh, song cho đến nay hậu quả của siêu bão này gây ra không nặng nề như nhiều dự đoán. Và qua đó, không ít bài học kinh nghiệm để ứng phó hiệu quả với thiên tai sẽ được rút ra sau cơn bão này.
![]() |
Lực lượng chức năng ở Đà Nẵng dọn dẹp cây xanh gãy đổ sau bão số 4. |
Khi đổ bộ vào miền Trung, bão số 4 có gió cấp 10, giật cấp 14 tại một số nơi trong khu vực. Bên cạnh đó, bão còn gây mưa lớn từ 150-300 mm tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và Kon Tum.
Trước khi bão đổ bộ vào đất liền, nhiều người đã đưa ra so sánh bão Noru với cơn bão Xangsane năm 2006, bão Ketsana 2009, từng gây thiệt hại nặng ở các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên trên thực tế, Xangsane hay Ketsana “không là gì” nếu so sánh với bão Noru.
Với tốc độ di chuyển từ 20-25 km/h thì hiếm có một tàu cá nào có thể chạy nhanh bằng bão Noru... Nói như vậy để biết sức mạnh của cơn bão này khủng khiếp đến mức nào.
Thế nhưng đến giờ phút này, những thiệt hại do siêu bão Noru gây ra ở miền Trung đã được giảm thiểu ở mức tối đa, đặc biệt là không có thiệt hại về người.
Đơn cử, tại Quảng Nam, bão số 4 và mưa lớn làm 110 nhà bị sập trên 70%, 2.974 nhà và 131 phòng học bị hư hại, tốc mái. Bão gây thiệt hại 229 ha lúa, 346 ha hoa màu, 671 ha cây lâu năm; 1.579 ha cây hàng năm, 770ha rừng, 400 cây xanh bị hư hại, ngã đổ... Bão và mưa lớn làm 1 công trình thủy lợi bị hư hỏng.
Theo báo cáo của Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Nam bão số 4 đánh chìm 1 tàu, 1 ghe cá, 2 tàu câu mực của ngư dân xã Tam Quang, Tam Hải (Núi Thành) và 1 tàu lưới vây tại âu thuyền Hồng Triều (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên).
Cũng tại Quảng Nam, do ảnh hưởng của bão số 4, hạ tầng giao thông bị sạt lở, ngập lụt gây tắc đường nhiều vị trí, cây xanh, trụ điện chiếu sáng và trụ cáp quang gãy đổ gây ách tắc giao thông, hệ thống an toàn giao thông trên các tuyến đường hư hỏng nhiều vị trí.
Trong khi đó, cũng là tâm bão song thiệt hại ở Đà Nẵng do bão số 4 cũng rất nhỏ nếu so sánh với các cơn bão khác từng đổ bộ vào địa phương.
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự TP. Đà Nẵng, trên địa bàn không ghi nhận thiệt hại về con người, một số nhà bị tốc mái, nhiều cây xanh bị ngã đổ, một đoạn tường rào của một trường học bị đổ... Trên địa bàn thành phố có 173 trạm biến áp bị sự cố gây mất điện cho 7.832 khách hàng, ngành điện đã khôi phục 89 trạm biến áp, cấp điện trở lại cho 2.923 khách hàng...
Ngay sau bão, ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai một số biện pháp thu dọn cây xanh để bảo đảm giao thông; triển khai công tác thống kê thiệt hại, dọn vệ sinh môi trường sau bão; tập trung ứng phó mưa lớn, nhất là nguy cơ xảy ra lũ, sạt lở đất ở huyện Hòa Vang...
Kinh nghiệm chủ động phòng tránh
Mới đây, tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh các bài học kinh nghiệm về công tác ứng phó bão. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh các bài học kinh nghiệm như, cương quyết, quyết liệt, nhất quán vận động, di dời nhân dân ra khỏi nơi nguy hiểm là yếu tố quyết định để không bị thiệt hại về người; nắm chắc diễn biến, bám sát tình hình, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp để phòng, chống bão kịp thời, hiệu quả; chủ động xây dựng kịch bản, phương án phòng chống bão phù hợp tình hình, thường xuyên tổ chức diễn tập, cập nhật, hoàn thiện và khi xảy ra tình huống thì vận hành các kịch bản, phương án này theo phương châm “4 tại chỗ”.
Thực tế tại miền Trung, trước khi bão số 4 đổ bộ, các địa phương đã phát huy tinh thần chủ động, luôn đề cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, hay hoang mang, mất bình tĩnh trong ứng phó thiên tai. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến vấn đề vận động, di dời nhân dân ra khỏi nơi nguy hiểm.
Tại Đà Nẵng, ngay trước đêm bão đổ bộ vào đất liền, 75.598 nhân khẩu và 13.681 sinh viên, công nhân đang ở các khu nhà trọ đến nơi trú ẩn an toàn. Tổng số người được sơ tán nhiều hơn 7.500 người so với số liệu thống kê, rà soát trước khi triển khai sơ tán. Tại các điểm tránh trú bão, được chính quyền cử cán bộ, nhân viên phân bố chỗ ở, hỗ trợ thức ăn và nước uống đầy đủ cho người dân. Bên cạnh đó, bà con còn được cung cấp mỳ gói, trứng gà, nước suối… để ăn uống.
Lãnh đạo các trường học, cơ quan, đơn vị nơi được chọn làm điểm sơ tán và các địa phương cố gắng đáp ứng các điều kiện sinh hoạt tối thiểu, bảo đảm lương thực, thực phẩm, nước uống... cho nhân dân yên tâm ở lại tránh trú bão.
Bên cạnh đó, thành phố đã yêu cầu các đơn vị chức năng kiểm tra và kiên quyết không cho người ở lại trên các tàu, thuyền khi có gió bão mạnh để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra. Đã có hơn 800 tàu cá vào neo đậu ở âu thuyền Thọ Quang, hơn 220 tàu cá đang neo đậu ở các khu vực vịnh Mân Quang, cồn Ma, bờ đông và bờ tây sông Hàn, Đa Phước, biển Thanh Khê; 664 ghe, thúng đã được cẩu, kéo lên bờ...
Để đảm bảo an toàn, thành phố đã yêu cầu người dân (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ) không ra khỏi nhà bắt đầu từ 20h ngày 27/9 đến khi có thông báo tiếp theo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố.
Đà Nẵng cũng quyết định cho học sinh các cấp nghỉ học cho đến khi có thông báo mới, tùy vào diễn biến mưa bão. Việc cho học sinh nghỉ học sớm nhằm tạo điều kiện cho các địa phương khẩn trương sắp xếp, chuẩn bị cho việc sơ tán dân vào các trường học để tránh trú bão Noru.
Tương tự, tại Quảng Nam toàn tỉnh cũng đã di dời 40.105 hộ/124.524 người đến nơi an toàn. Trong đó, sơ tán tập trung 11.076 hộ/37.317 người, sơ tán xen ghép 29.029 hộ/87.197 người.
Bên cạnh đó, các địa phương miền núi và vùng có nguy cơ sạt lở, cô lập trên địa bàn tỉnh đã triển khai công tác dự trữ lương thực, thực phẩm. Trong đó, huyện Tây Giang dự trữ 180 tấn gạo (cho 10 xã 100 tấn, 6 trường học 80 tấn); Nam Giang dự trữ 36 tấn gạo (trang bị cho mỗi xã 3 tấn), tại các trường học 20,35 tấn, tại các hàng quán, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp 42,8 tấn.
Cũng như Đà Nẵng, để chủ động ứng phó, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do bão số 4 và mưa lũ sau bão, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu phải đặt mục tiêu đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân lên trên hết, trước hết trong chỉ đạo ứng phó nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người, tài sản của nhân dân và nhà nước; Tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó bão số 4 với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất, không để bị động, bất ngờ gây thiệt hại tính mạng của nhân dân.
Trước khi bão vào, Quảng Nam cũng làm tốt công tác kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú, sơ tán dân, chằng chống nhà cửa; trong bão kêu gọi ai ở đâu yên đó. Bên cạnh đó, phát huy tốt vai trò chủ động của người dân trong công tác phòng chống lụt bão để giảm thấp nhất rủi ro, thiệt hại về người và tài sản...
Đây cũng là những nguyên nhân chính khiến Quảng Nam cũng như Đà Nẵng hay các địa phương khác đã “khắc chế” được sức mạnh của siêu bão Noru.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
