Ứng dụng khoa học vào sản xuất mang lại hiệu quả
Những năm qua việc ứng dụng rộng rãi khoa học công nghệ cao vào sản xuất giúp những sản phẩm nông nghiệp của Kon Tum ngày càng nâng cao chất lượng và tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Theo kế hoạch của chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Kon Tum đề ra mục tiêu quy hoạch và phát triển 350 sản phẩm OCOP, với khoảng 200 chủ thể tham gia. Các sản phẩm tạo ra có thương hiệu, chất lượng hàng hóa cao đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu với ít nhất có từ 10 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao.
![]() |
Việc ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến vào sản xuất nông nghiệp đã giúp nông hộ nâng cao thu nhập |
Với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, đến nay, tỉnh Kon Tum đã có 109 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 - 5 sao. Trong đó, có 96 sản phẩm đạt 3 sao, 12 sản phẩm đạt 4 sao, 1 sản phẩm đạt 5 sao. Các sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP đều phát triển khá đồng đều về mẫu mã và chất lượng, ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng và từng bước tạo dựng chỗ đứng ở thị trường trong và ngoài địa phương.
Đối với khu vực HTX hiện Kon Tum có 139 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 71,3% tổng số HTX. Đặc biệt, có nhiều mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới hoạt động có hiệu quả gắn với việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng và quy trình thực hành nông nghiệp tốt.
Đơn cử như HTX Nông nghiệp Công bằng Pô Kô quy mô ban đầu chỉ có 43 hộ thành viên với 78ha đất sản xuất, đến nay mở rộng ra 113 hộ thành viên. Trong đó, có 10% người đồng bào Rơ Ngao, với tổng diện tích gần 200ha đất sản xuất nằm rải rác trên 9 xã thuộc huyện Đăk Hà. Hàng năm, HTX Pô Kô thu được khoảng 700 tấn cà phê nhân xô và các thành viên tham gia sản xuất, cung ứng cà phê chất lượng cao của HTX có thu nhập cao hơn khoảng 30% so với sản xuất cà phê thông thường. HTX tập trung liên kết mối quan hệ 4 nhà, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm cà phê, sản xuất sản phẩm cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao. HTX chính thức hoàn thiện bộ nhận diện thương hiệu, mã vạch, bao bì cho bộ sản phẩm của Pô Kô Farms…
Việc ứng dụng công nghệ 4.0 cũng được nhiều cơ sở sản xuất, HTX, DN đầu tư áp dụng vào sản xuất như sử dụng hệ thống thiết bị máy móc phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân tự động cho cây trồng. Đồng thời, lắp đặt hệ thống cảm biến điều khiển chế độ dinh dưỡng, tưới nước tự động từ xa cho cây trồng qua điện thoại thông minh. Việc sản xuất nông nghiệp an toàn được nhiều địa phương chú trọng phát triển. Nhờ áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, năng suất cây trồng tăng lên đáng kể, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân.
Xác định ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp là tiền đề để nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp của địa phương, từ năm 2016, Tỉnh ủy Kon Tum ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến trên địa bàn. Ngay sau đó, chủ trương này được triển khai rộng rãi đến các địa phương. Nhờ đó, đến nay tổng diện tích sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn khoảng hơn 7.919ha; các sản phẩm trồng trọt ứng dụng công nghệ cao chủ yếu là cà phê, rau, củ, quả... đạt năng suất và chất lượng cao, được thị trường trong nước và xuất khẩu đón nhận.
Theo chủ trương này, Kon Tum cũng đã thực hiện việc dồn điền, đổi thửa tích tụ đất nông nghiệp được 324ha với 75 hộ gia đình và 2 cộng đồng dân cư tham gia. Các địa phương tiến hành triển khai xây dựng được 7 cánh đồng lớn, với 4 loại cây trồng là cà phê, mía, bắp sinh khối và lúa nước tại các huyện theo mô hình liên kết sản xuất.
Trong đó, có 1 cánh đồng lớn 30 ha trồng mía ứng dụng công nghệ cao tại TP. Kon Tum liên kết với Công ty cổ phần Đường Kon Tum; 1 cánh đồng lớn 30ha trồng bắp sinh khối chăn nuôi dê sữa tại xã Măng Bút và 1 cánh đồng lớn 20ha trồng lúa nước tại huyện Kon Plông (Kon Tum); 1 cánh đồng lớn 32ha sản xuất lúa thơm, liên kết tổ hợp tác và 2 cánh đồng lớn 407ha cà phê của 2 tổ hợp tác tại huyện Đăk Hà.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, Kon Tum hiện có 59 trang trại, hộ chăn nuôi áp dụng phương pháp nuôi chuồng trại khép kín và phát triển được 30 chuỗi liên kết trong chăn nuôi. Hiện địa phương bố trí quỹ đất để đầu tư xây dựng dự án chăn nuôi bò sữa và Nhà máy chế biến sữa công nghệ cao tại xã Mô Rai, huyện Sa Thầy (Kon Tum) với quy mô rộng trên 374ha với khoảng 10.000 con bò sữa, công suất chế biến 150 tấn sữa/ngày.
Có thể nói, Nghị quyết số 02 của Tỉnh ủy Kon Tum đã làm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của nông dân, HTX và DN trên địa bàn. Việc nhận thức của người dân về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến được nâng lên. Có sự chuyển biến tích cực từ tư duy canh tác nhỏ lẻ sang dồn điền đổi thửa, tích tụ đất, tổ chức lại sản xuất theo hình thức liên kết để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp.
Cùng đó, việc quy hoạch, bố trí đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được chú trọng. Những tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi, các quy trình công nghệ tiên tiến được ứng dụng vào canh tác, chế biến. Góp phần nâng cao hoạt động sản xuất nông nghiệp, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, giảm nghèo, thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội địa phương...
Tin liên quan
Tin khác

Hướng đi mới trong phát triển thị trường carbon Việt Nam

TP. Hồ Chí Minh nhân rộng mô hình nông nghiệp sinh thái

Hợp tác xã chuyển đổi xanh để bứt phá

Tiên phong trong nhận ủy thác vốn tín dụng chính sách

Ngư dân Thanh Hóa trúng mùa cá trích, thu nhập tăng cao

Phân bổ nguồn vốn đầu tư cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia tránh chồng chéo, dàn trải

Xuất cấp 1.453 tấn gạo cho 3 tỉnh dịp giáp hạt đầu năm 2025

Giá gạo xuất khẩu tiếp tục tăng trong 2 tuần liên tiếp

Xuất khẩu rau quả giảm trong 3 tháng liên tiếp
