TP.HCM: Ô nhiễm môi trường - vấn đề nan giải
Tại quận 12 nhiều năm qua, hàng ngàn hộ dân sống phải chịu mùi hôi nồng nặc từ các con sông, kênh, rạch gần đó bốc lên. Đặc biệt tại khu vực phường Đông Hưng Thuận, quận 12 (nơi tập trung nhiều công ty và các cơ sở sản xuất), các dòng sông đen kịt, đặc quánh. Đường Nguyễn Văn Quá, phường Đông Hưng Thuận, quận 12 là khu vực ô nhiễm nặng, bị người dân phản ứng quyết liệt và chính quyền TP.HCM đã có quyết định di dời các cơ sở gây ô nhiễm từ năm 2017. Tuy nhiên, tính tới thời điểm này, các nhà máy ở đây vẫn tồn tại và hoạt động mạnh.
![]() |
Tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số quận vùng ven TP.HCM đang ở mức báo động |
Tương tự, tình trạng ô nhiễm môi trường nước, không khí tại huyện Bình Chánh (TP. HCM) cũng đang rất báo động. Nhiều giải pháp ngăn chặn của chính quyền và ngành chức năng vẫn chưa phát huy hiệu quả. Theo người dân địa phương, ô nhiễm chủ yếu do hàng chục cơ sở giặt nhuộm sấy trên địa bàn gây ra. Nhiều cơ sở bị Phòng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) huyện Bình Chánh và Sở TN-MT TP.HCM xử phạt hành chính, niêm phong máy móc, đình chỉ hoạt động trong tháng 1/2019. Thế nhưng, hiện nay tất cả các cơ sở này đã… hoạt động trở lại!
Ông Nguyễn Văn Tâm - một cư dân sống tại đây cho biết, chính quyền huyện và xã có phối hợp xuống lấy mẫu kiểm tra, nói có phát hiện vi phạm vệ sinh môi trường và hứa xử lý dứt điểm. Tuy nhiên, đến nay, các cơ sở này vẫn hoạt động và tiếp tục xả thải hóa chất. Phần lớn cơ sở gây ô nhiễm môi trường là những cơ sở hoạt động không có phép, hoặc được cấp phép lĩnh vực này nhưng hoạt động ở lĩnh vực khác.
Báo cáo Bộ TN-MT, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP. HCM cũng nhìn nhận, hiện nay trên địa bàn TP.HCM đang tồn tại các cơ sở kinh doanh, sản xuất nhỏ lẻ có phát sinh nước thải, các cơ sở này chủ yếu là thuê mặt bằng và thường xuyên thay đổi hình thức kinh doanh. Cùng với đó, chi phí xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải khá tốn kém khiến các cơ sở này gặp nhiều khó khăn. Thêm nữa, ý thức của một bộ phận người dân còn thấp, vẫn còn thái độ thờ ơ, chưa thực sự quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường…
Các tuyến kênh, rạch nằm trong các khu vực có mật độ dân cư tập trung cao, quá trình đô thị hóa nhanh, nên thường xuyên phải tiếp nhận một lượng lớn nước và rác thải, từ đó gây ra ứ đọng gây ô nhiễm dẫn đến chất lượng nước mặt tại các tuyến này bị suy giảm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, tình hình lấn chiếm hành lang bảo vệ gây thu hẹp dòng kênh, rạch đang diễn ra ở hầu hết các tuyến kênh, rạch xen cài trong khu dân cư, dẫn đến việc nước thải sinh hoạt xả thẳng vào kênh và tích tụ, dần vượt qua ngưỡng tự làm sạch, gây ô nhiễm.
Trên thực tế, rất nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường vẫn cố tình đối phó với cơ quan quản lý Nhà nước bằng mọi hình thức, thủ đoạn tinh vi hơn như thay đổi pháp nhân hoạt động sau khi bị xử phạt (điển hình là các trường hợp hoạt động tái chế phế liệu, dệt nhuộm trên địa bàn xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B); có hệ thống xử lý nhưng không vận hành thường xuyên; chôn hệ thống xả thải trong lòng đất; lén xả nước thải vào đường thoát nước mưa...
“Một số hành vi rất khó xử lý do phải lập biên bản xử lý vi phạm hành chính ngay tại thời điểm xảy ra hành vi và không đủ lực lượng để chốt chặn; không có phương tiện giám sát để xử lý. Lại nữa, mức phạt đối với hành vi vi phạm các quy định về vệ sinh công cộng quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP khá cao, trong khi đó, đối tượng vi phạm đa số là người lao động có thu nhập thấp, việc cưỡng chế, tạm giữ tang vật trường hợp người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt vì thế cũng khó khăn”, ông Tuyến cho biết.
Dù vậy, lãnh đạo UBND TP.HCM khẳng định trong thời gian tới sẽ hỗ trợ xử lý các điểm ô nhiễm môi trường gây bức xúc ở địa phương, xử lý nghiêm và cho cưỡng chế các cơ sở vi phạm đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động, niêm phong thiết bị nhưng vẫn cố tình vi phạm.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
