TP. Hồ Chí Minh: Quỹ tín dụng trong thị trường cạnh tranh
Tuy nhiên trong điều kiện hiện nay, khi nền kinh tế đã hội nhập sâu, rộng vào kinh tế thế giới, thì những biến động trên thị trường tài chính, hàng hóa hoặc những biến động địa chính trị đều có tác động trực tiếp, gián tiếp đến các chủ thể nền kinh tế.
Trong đó các QTD sẽ có nguy cơ tổn thương lớn hơn nếu hoạt động không có chiến lược chuyên nghiệp và hiệu quả. Làm sao để nâng cao hiệu quả hoạt động của các QTD nhân dân trên địa bàn TP.HCM trong 5 năm tới, khi đất nước đã trở thành thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN và khi TPP có hiệu lực mà Việt Nam là một thành viên tích cực.
![]() |
Rủi ro lớn nhất của các QTD là cho vay quá nhiều ra ngoài, các thành viên bỏ bê sản xuất kinh doanh |
Kinh tế tập thể trong thị trường tiền tệ sôi động
Ở TP.HCM các QTD đã trải qua 20 năm hoạt động, với nhiều khó khăn và thách thức, song đến nay, mô hình này vẫn khẳng định được sự cần thiết đối với quá trình phát triển của nền kinh tế nhiều thành phần, trong mối quan hệ giữa nông thôn và thành thị.
Các QTD nhân dân ở TP.HCM chủ yếu được lập nên ở các quận, huyện, ngoại thành. Chính phân khúc thị trường nông thôn đã thúc đẩy các QTD nhân dân phát triển ở ngoại thành TP.HCM thời gian qua. Đến nay, tổng nguồn vốn huy động của các QTD nhân dân ở TP.HCM đã lên đến 1.500 tỷ đồng, tăng 2,1 lần so với 5 năm trước. Riêng vốn chủ sở hữu cũng lên đến 115 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với 5 năm gần nhất. Nguồn vốn hoạt động tăng trưởng đều và quy mô mở rộng đã tạo điều kiện cho các QTD trên địa bàn tăng cường cho vay hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu vốn cho các thành viên và khách hàng của mình.
Chất lượng nguồn vốn hiện nay của các quỹ cải thiện nhiều so với những năm trước đây. Trong đó vốn huy động từ thị trường 1, tức tiền gửi của các thành viên quỹ, khách hàng dân cư, chiếm tỷ trọng cao (96%) trong tổng nguồn vốn hoạt động của các quỹ.
Đặc biệt tiền gửi có kỳ hạn chiếm 99% tỷ trọng tổng vốn huy động từ thị trường 1. Tỷ lệ nợ xấu của các QTD nhân dân trên địa bàn TP.HCM những năm qua duy trì ở mức dưới 3%. Kết quả quan trọng này không chỉ phản ánh hiệu quả, uy tín của các QTD nhân dân trên địa bàn TP.HCM, mà còn góp phần quan trọng trong quá trình mở rộng tăng trưởng và phát triển hoạt động cho vay của các quỹ.
Ngoại trừ một số QTD nhân dân còn có kết quả kinh doanh thấp do phát sinh từ những vấn đề nội tại, nhưng phần lớn các quỹ ở TP.HCM đều duy trì được sự ổn định, tăng trưởng và kinh doanh có lãi. Đây là kết quả quan trọng trong giai đoạn 2011-2015 của các QTD nhân dân ở TP.HCM, khi nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng gặp rất nhiều khó khăn do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và những khó khăn kinh tế vĩ mô.
Cùng với đó tính chuyên nghiệp trong hoạt động của các QTD nhân dân ở TP.HCM cũng được cải thiện rõ nét. Trong đó có sự hỗ trợ từ cơ chế chính sách, môi trường pháp lý thuận lợi cho các quỹ hoạt động, hạn chế rủi ro nghiệp vụ, an toàn hệ thống về trình độ quản trị, điều hành.
Cụ thể: tỷ lệ sử dụng vốn, hệ số an toàn, tỷ lệ nợ xấu… đang được các QTD nhân dân ở TP.HCM thực hiện theo quy định đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả hạn chế thấp nhất các rủi ro tín dụng phát sinh, rủi ro thanh khoản, rủi ro đổ vỡ.
Những QTD nhân dân tăng trưởng tốt đã góp phần quan trọng vào thúc đẩy kinh tế ở các quận, huyện, ngoại thành TP.HCM. Song, hiệu quả hoạt động của các quỹ còn có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển bền vững của kinh tế thành phố, chung tay cùng với thành phố giải quyết nhu cầu vốn nhỏ lẻ, cho người dân nghèo mưu sinh, phát triển kinh tế cá thể, kinh tế hộ. Sự phát triển kinh tế những điểm vùng ven của huyện Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè, quận 2, quận 7… thay đổi trong những năm qua có sự tham gia tích cực và hiệu quả của các QTD nhân dân.
Phải gắn chặt với chính quyền sở tại
Không thể phủ nhận những đóng góp về vốn tín dụng của các QTD nhân dân cho người dân nghèo không có khả năng tiếp cận vốn ngân hàng, trong thời gian qua. Song, để mô hình các QTD phát triển sâu rộng vào các tuyến dân cư đô thị còn khó khăn cần có sự phát triển loại hình hợp tác xã kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng này hơn nữa. Theo đó, giai đoạn 2016-2020, một mặt cần phát huy hiệu quả trước đó, mặt khác cần có những giải pháp phát triển mới bền vững như sau:
Thứ nhất, phải khai thác tối đa lợi thế của mô hình hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng. Việc so sánh hoặc cạnh tranh giữa các QTD nhân dân với các NHTM là khó khăn và không thể, tuy cùng hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ, song mô hình hoạt động khác nhau, tổ chức và tiêu chí hoạt động khác nhau. Vì vậy các QTD phải khai thác tối đa lợi thế và mục tiêu hoạt động theo quy định là liên kết, hợp tác và cùng phát triển với các thành viên tham gia.
Thứ hai, cần sử dụng vốn một cách hiệu quả, cho vay vốn đúng quy định, đúng đối tượng và đúng mục đích là nguyên tắc vàng của các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ. Các QTD không được rời xa mục đích là hỗ trợ, cho vay vốn các thành viên của quỹ để tạo điều kiện cho các thành viên phát triển sản xuất kinh doanh. Điều này đã có bài học kinh nghiệm quý báu từ sự đổ bể của một số QTD nhân dân trong thời gian qua do sử dụng vốn không đúng mục đích, đối tượng, một số quỹ đang phải sắp xếp lại theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động, trong quản lý và quản trị điều hành của các QTD nhân dân. Bởi tổ chức hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ, chịu rất nhiều tác động từ kinh tế vĩ mô, từ thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.
Chính vì lẽ đó sự tuân thủ pháp luật trong tổ chức thực hiện quản lý điều hành và sự minh bạch sẽ là yếu tố đảm bảo cho các quỹ hoạt động hiệu quả và hạn chế thấp nhất rủi ro và những tác động khách quan. Điều này đòi hỏi các QTD nhân dân phải thực hiện nghiêm ngặt các quy định pháp luật về tiền tệ tín dụng và ngân hàng. Nâng cao chất lượng các nguồn lực, đổi mới và ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động kinh doanh.
Trên cơ sở đó phối hợp, cần có sự hợp tác chặt chẽ với chính quyền địa phương và các đoàn thể liên quan. Đây là vấn đề không mới, song rất quan trọng, nó luôn là yếu tố thúc đẩy các QTD trên địa bàn hoạt động hiệu quả, an toàn và phát triển, giúp đảm bảo đồng vốn tín dụng đến đúng địa chỉ, hỗ trợ đúng các thành viên, tạo điều kiện cho các thành viên sử dụng vốn hiệu quả, đúng mục đích góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Tin liên quan
Tin khác

TP. Hồ Chí Minh triển khai thanh toán không tiền mặt Open loop

Eximbank đồng hành cùng doanh nghiệp “vượt sóng” kinh tế toàn cầu

Sacombank dành hơn 2,2 tỷ đồng hoàn đến 50% nạp tiền điện thoại

Khai trương chi nhánh HDBank Tân An, điểm giao dịch thứ 377 của HDBank
