TP. Hồ Chí Minh: Hỗ trợ lãi vay cho dự án nông nghiệp đô thị
TP. Hồ Chí Minh: Nhiều dự án nông nghiệp kêu vốn Đề xuất tiêu chí xác định dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao |
Ngành nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh dự thảo 3 mức hỗ trợ lãi suất là 60%, 80% và 100%. Trong đó, mức 100% áp dụng đối với các trường hợp là chủ đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản; mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn, sơ chế, chế biến sản phẩm nông nghiệp; chủ đầu tư thực hiện duy trì, phát triển sản phẩm thuộc chương trình OCOP đạt 4 sao, 5 sao; chủ đầu tư sản xuất giống, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chủ đầu tư phát triển sản phẩm thuộc làng nghề, nghề truyền thống, làng nghề truyền thống được UBND thành phố công nhận; chủ đầu tư tham gia chuỗi an toàn thực phẩm sản xuất nông nghiệp…
![]() |
Ngành nông nghiệp thành phố đang phát triển mạnh theo hướng ứng dụng công nghệ cao |
Mức vay được hỗ trợ lãi suất được xác định theo quy mô đầu tư của phương án và quy định của tổ chức cho vay, nhưng không quá 200 tỷ đồng/phương án và không bao gồm các khoản thuế giá trị gia tăng được hoàn, được khấu trừ. Song song với đó, ngân sách thành phố hỗ trợ 80% lãi suất để mua giống, vật tư, thức ăn nhiên liệu, trả công cho người lao động. Còn các hộ nghèo, hộ cận nghèo, ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất…
Lãi suất để tính hỗ trợ lãi vay là lãi suất huy động tiết kiệm bằng tiền đồng kỳ hạn 12 tháng bình quân của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước trên địa bàn thành phố là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam và Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam công bố hàng tháng (loại trả lãi sau) cộng thêm 2%/năm. Lãi suất này do NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh thông báo hàng tháng theo quy định.
Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.Hồ Chí Minh cho biết, ngành nông nghiệp thành phố đang phát triển mạnh theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Tuy nhiên, nhiều người sản xuất chưa tiếp cận được nguồn vốn vay do không có tài sản thế chấp hoặc chưa xây dựng phương án khả thi. Đầu tư cho hạ tầng nông nghiệp, nông thôn tuy đã được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, tập trung quy mô, sản xuất hàng hóa lượng lớn. Một số chuỗi liên kết còn chưa bền vững do doanh nghiệp và người nông dân không thực hiện theo hợp đồng đã ký kết, gây ra các rủi ro. Trong bối cảnh đó, ngành nông nghiệp thành phố chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, sản xuất giống cây trồng. Đồng thời, giảm diện tích trồng lúa, mía, muối hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện của thành phố hiện nay. Đây cũng là hướng đi tất yếu để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững, mang lại thu nhập cao cho nông dân.
Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp thành phố, để hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp đô thị, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng duy trì, mở rộng và thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất giống; phát triển khoa học, công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong nông nghiệp, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cao cho người dân… Đặc biệt, thành phố triển khai hiệu quả chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị (còn gọi là chính sách hỗ trợ lãi vay), là cơ chế đặc thù của thành phố. Điều này góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khuyến khích các thành phần kinh tế mạnh dạn đầu tư trong nông nghiệp, cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân.
Từ năm 2011 đến cuối năm 2021, qua chính sách này, TP.Hồ Chí Minh đã phê duyệt 8.534 quyết định, với tổng vốn đầu tư 13.913,069 tỷ đồng, tổng vốn vay 8.446,158 tỷ đồng. Quy mô vốn đầu tư, vốn vay/hộ, doanh nghiệp qua các năm tăng dần. Đặc biệt, giai đoạn 2018 - 2021, bình quân vốn đầu tư là 1.380 triệu đồng/hộ/phương án, cao hơn 2,44 lần bình quân giai đoạn 2011- 2019 (565 triệu đồng/hộ/phương án) và bình quân vốn vay có hỗ trợ lãi vay 815 triệu đồng/hộ/lượt vay vốn, cao hơn 2,38 lần so với bình quân giai đoạn 2011 - 2019 (343 triệu đồng/hộ/phương án).
Để tiếp tục hỗ trợ một phần lãi vay cho hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn thành phố đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh lấy ý kiến dự thảo nói trên nhằm có cơ sở để UBND thành phố trình HĐND thành phố trong thời gian tới.
Về hiệu quả của chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất lĩnh vực nông nghiệp đô thị, bà Mai Phong Lan, Phó Trưởng phòng Doanh nghiệp, Kinh tế tập thể và Tư nhân, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho biết, chương trình kích cầu đầu tư nhằm khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ… được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao và mang lại hiệu quả thiết thực. Theo thống kê, cứ 1 đồng ngân sách đầu tư cho chuyển cơ cấu nông nghiệp đô thị thì thu hút được 21 đồng vốn đầu tư từ xã hội hóa; 1 đồng ngân sách kích cầu đầu tư giúp huy động được 12 đồng từ các nguồn lực khác.
Tin liên quan
Tin khác

Hướng đi mới trong phát triển thị trường carbon Việt Nam

TP. Hồ Chí Minh nhân rộng mô hình nông nghiệp sinh thái

Hợp tác xã chuyển đổi xanh để bứt phá
![[Infographic] Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng trưởng 13%](https://tbnhnew.mastercms.vn/stores/news_dataimages/2025/042025/11/14/220250411141315.jpg?rt=20250411141318?250411021821)
[Infographic] Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng trưởng 13%

Kon Tum đẩy mạnh đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng

Tiên phong trong nhận ủy thác vốn tín dụng chính sách

Ngư dân Thanh Hóa trúng mùa cá trích, thu nhập tăng cao

Phân bổ nguồn vốn đầu tư cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia tránh chồng chéo, dàn trải

Xuất cấp 1.453 tấn gạo cho 3 tỉnh dịp giáp hạt đầu năm 2025
