Tổng thu ngân sách năm 2024 của TP. Hồ Chí Minh ước đạt 502.000 tỷ đồng
Theo ông Nên, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP. Hồ Chí Minh năm 2024 quý sau tăng cao hơn quý trước và dự báo tăng trưởng GRDP ước cả năm khoảng 7,17%; tổng thu ngân sách cả năm hơn 502 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2023, đóng góp khoảng 27% tổng thu ngân sách cả nước.
![]() |
Tổng thu ngân sách của TP. Hồ Chí Minh năm 2024 ước đạt 502.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 27% tổng thu ngân sách cả nước |
Thời gian qua, thành phố đã tập trung triển khai các giải pháp đột phá chiến lược, kiến tạo động lực tăng trưởng mới và đã có chuyển biến quan trọng, nhất là thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, chỉnh trang đô thị, xây dựng thành phố thông minh, từng bước hiện đại, thúc đẩy chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.
Cùng với đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng, đầu tư xây dựng đường Vành đai 3, nút giao thông An Phú, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, mở rộng Quốc lộ 50, Kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên và nhiều dự án quan trọng khác, TP. Hồ Chí Minh đã và đang khởi động tuyến đường sắt đô thị số 2, các tuyến cao tốc kết nối vùng TP. Hồ Chí Minh, đường Vành đai 4 - những dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng mang tầm quốc gia.
Về công tác chuyển đổi số, TP. Hồ Chí Minh đã có sự bứt phá mạnh mẽ, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, dịch vụ và tiện ích số phục vụ người dân và doanh nghiệp. Kinh tế số của thành phố cũng tăng trưởng nhanh, hiện chiếm 21,5% cơ cấu kinh tế và có nhiều triển vọng đến năm 2025 chiếm 25% GRDP theo đúng mục tiêu đề ra.
Các chương trình trọng điểm, đột phá phát triển thành phố theo Nghị quyết Đại hội 11 đã được TP. Hồ Chí Minh tăng tốc, đẩy mạnh thực hiện, gắn với triển khai thực hiện quyết liệt Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 98 của Quốc hội và xây dựng, hoàn thiện nhiều chương trình, kế hoạch, đề án lớn làm cơ sở nền tảng để thành phố bước vào giai đoạn phát triển mới. Đến nay, thành phố đã ban hành 39 nghị quyết triển khai 20/30 nhiệm vụ; hoàn thành 15/25 nhiệm vụ và có thể nói các cơ chế, chính sách đã triển khai sau một năm thực hiện Nghị quyết 98 nhiều hơn cả thời kỳ thực hiện Nghị quyết 54 cộng lại.
![]() |
TP. Hồ Chí Minh đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án Bến Cát - Tham Lương - Rạch Nước Lên cùng nhiều dự án hạ tầng khác cho mục tiêu phát triển |
TP. Hồ Chí Minh hiện đã cơ bản hoàn thành Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cùng với nhiều đề án lớn như: Đề án phát triển mạng lưới đường sắt đô thị; Đề án xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế; Đề án xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; Đề án đầu tư xây dựng các huyện thành quận (hoặc thành phố) giai đoạn 2021 - 2030; cùng với nhiều chương trình, đề án, chiến lược của các ngành, lĩnh vực trọng yếu, đặc biệt là chuyển đổi công nghiệp, phát triển ngành bán dẫn và đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông vận tải...
Định hướng phát triển năm 2025, ông Nguyễn Văn Nên cho biết dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều vấn đề đáng lo ngại, cùng với những thách thức mang tính toàn cầu như già hóa dân số, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… Trong bối cảnh đó, để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội 11 đề ra và Nghị quyết 31, Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị, vừa kiến tạo cơ sở nền tảng để thành phố bước vào “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” là trách nhiệm và thử thách to lớn.
Lãnh đạo thành phố cho biết sẽ tập trung thúc đẩy tăng trưởng đi đôi với nâng cao chất lượng tăng trưởng và cải thiện đời sống nhân dân; tiếp tục cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực trọng yếu, gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án hạ tầng quan trọng và đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và tập trung xử lý cơ bản những vấn đề còn tồn đọng; tăng cường, củng cố vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Năm 2025, thành phố sẽ thực hiện chủ đề “Tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi số; triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội; giải quyết cơ bản những vướng mắc, tồn đọng”. TP. Hồ Chí Minh cũng thống nhất phấn đấu tăng trưởng GRDP đạt 10% và kinh tế số đóng góp trên 25% GRDP; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 7%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 87,2%; tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 3,5%. Phấn đấu đến cuối năm 2025 cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo cả nước; còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố...
“Năm 2025, thành phố sẽ tận dụng, nắm bắt thời cơ, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ và các ngành, lĩnh vực mới nổi; tập trung chuyển đổi công nghiệp, thu hút có chọn lọc các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư chiến lược; triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút, phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ, chuyên gia đầu ngành; khuyến khích, hỗ trợ các trường, viện tăng cường đào tạo nhân lực cho các ngành, nghề then chốt, mới nổi như trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn, chuyển đổi năng lượng, tín chỉ carbon, logistics, đường sắt cao tốc, công nghệ sinh học, công nghệ vi mạch, điện tử, nano và thúc đẩy mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”, ông Nên cho biết.
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Ưu tiên thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng
