Tổ tiết kiệm vẫn là kênh dẫn vốn an toàn
![]() | Hiệu quả tín dụng chính sách tại Sóc Trăng |
![]() | Tín dụng chính sách góp phần giảm tín dụng đen |
![]() | Tín dụng chính sách với phát triển kinh tế xanh |
Sự việc sai phạm của các tổ trưởng Tổ Tiết kiệm – Vay vốn (tại xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) mới đây đã khiến hơn 90 hộ dân rơi vào tình trạng mắc nợ NH Chính sách Xã hội (NHCSXH) tại địa phương này với số tiền không đúng với số vốn mà họ được vay trên thực tế.
Thực tế, từ vài năm qua, việc cho vay vốn đối với các hộ ngư dân tại địa phương được Chi nhánh NHCSXH huyện Tuy An triển khai thông qua các Tổ tiết kiệm - vay vốn. Một số tổ được giao cho Hội Liên hiệp phụ nữ xã An Chấn quản lý cho vay và thực hiện thu nợ. Tuy nhiên, thay vì làm đúng quy trình mà NHCSXH đặt ra, một số tổ trưởng Tổ tiết kiệm - vay vốn tại xã An Chấn lại lợi dụng lòng tin của người dân để trục lợi.
Theo đó, khi làm hồ sơ vay vốn, các tổ trưởng này đã cố tình thỏa thuận với các hộ dân để “vay ké” mỗi khoản vay vài chục triệu đồng. Các hộ dân vì cần vốn để sản xuất, kinh doanh, đồng thời cũng tin tưởng vào các tổ trưởng Tổ tiết kiệm - vay vốn nên đồng ý cho tổ trưởng “vay ké”. Kết quả là, có hơn 90 hộ dân bị “vay ké” với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. Chỉ đến khi các khoản “vay ké” này bị trễ hạn trả nợ, phía NH mới phát hiện có sự trục lợi.
Đến thời điểm hiện nay, thông tin từ đại diện chính quyền xã An Chấn cho biết, hiện vụ việc đã được báo cáo lên UBND huyện Tuy An, chính quyền xã cũng đã phối hợp với NHCSXH cấp huyện và cấp tỉnh để cùng xử lý hậu quả phát sinh từ sai phạm này của các tổ trưởng Tổ tiết kiệm - vay vốn.
![]() |
Chi vay ủy thác vốn thông qua Tổ tiết kiệm – vay vốn vẫn chiếm khoảng trên 90% dư nợ của NHCSXH |
Đại diện Phòng Kiểm soát nội bộ - NHCSXH tỉnh Phú Yên cũng thông tin rằng, trên thực tế hiện nay hoạt động ủy thác cho vay vốn chính sách thông qua các Tổ tiết kiệm - vay vốn là kênh dẫn vốn chủ đạo của NHCSXH. Quy trình từ chỗ phối hợp thành lập các Tổ tiết kiệm - vay vốn đến khâu giải ngân vốn và thu tiền lãi, nợ gốc đều được NH quy định rất chặt chẽ, thống nhất và minh bạch.
Quy trình này được cho là hạn chế tối đa tình trạng trục lợi vay vốn trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, kẽ hở chính lại nằm ở các hộ vay vốn và các tổ trưởng Tổ tiết kiệm - vay vốn tạo ra bằng quan hệ thân tình, xuề xòa. Người dân vay vốn ít rành về các thủ tục, giấy tờ nên thường tin tưởng vào các tổ trưởng tổ vay.
Qua tìm hiểu quy trình cho vay vốn chính sách thông qua các Tổ tiết kiệm - vay vốn cho thấy, hiện nay quy trình này được NHCSXH quy định rất chặt chẽ. Sau khi các hội đoàn thể cấp xã (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ…) đề xuất con người, chính quyền xã sẽ ra quyết định thành lập các Tổ tiết kiệm - vay vốn. Các tổ này sẽ bình xét các đối tượng vay và mức vay của các hộ dân. Sau đó lập danh sách và trình lên UBND xã phê duyệt. Danh sách này sau khi được chính quyền xã phê duyệt sẽ được chuyển lên NHCSXH tại địa phương để thực hiện các thủ tục cho vay.
Việc giải ngân vốn được NH trực tiếp thực hiện tại xã. Các tổ trưởng tổ vay vốn được ủy nhiệm thu lãi và khoản tiền vay gốc được hộ dân trả dần hàng tháng. Khi nộp tiền hàng tháng một mặt hộ vay giữ biên lai thu lãi mà tổ trưởng đưa, một mặt chứng kiến và ký vào bảng kê nộp mà tổ trưởng cầm để nộp cho NH. Vì thế, ngoại trừ trường hợp tổ trưởng và người dân vay vốn cùng thống nhất các con số vay vốn và trả nợ thì sẽ không xảy ra được khả năng trục lợi.
Thực tế cho thấy rằng tính đến thời điểm hiện nay kênh ủy thác cho vay vốn thông qua các Tổ tiết kiệm - vay vốn vẫn là kênh dẫn vốn chủ đạo của NHCSXH. Chỉ tính riêng việc ủy thác vốn cho Hội Phụ nữ Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2016 hệ thống NHCSXH trên cả nước đã thực hiện cho vay trên 58.000 tỷ đồng cho hơn 2,6 triệu hộ vay vốn tại 73.160 Tổ tiết kiệm - vay vốn.
Trong khi đó tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm dưới 1% tổng dư nợ. Điều này cho thấy rằng những vụ việc lợi dụng lòng tin để trục lợi nguồn vốn ưu đãi chính sách như trường hợp vừa xảy ra tại xã An Chấn, chỉ là trường hợp cá biệt. Hầu hết các Tổ tiết kiệm - vay vốn khác tại Tuy An (Phú Yên) nói riêng và cả nước nói chung vẫn là những “cánh tay nối dài” hiệu quả của hệ thống NHCSXH, góp phần đưa nguồn vốn ưu đãi lãi suất đến hàng triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ hàng chục ngàn học sinh, sinh viên có tiền trang trải chi phí học tập và giúp đỡ hàng trăm ngàn lao động nông thôn có việc làm, cải thiện thu nhập.
MÔ HÌNH CỦA TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH Theo nguyên tắc thành lập Tổ tiết kiệm – vay vốn của NHCSXH, việc thành lập Tổ tiết kiệm - vay vốn nhằm mục đích giúp các hộ vay vốn tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất, kinh doanh đồng thời cùng giám sát nhau trong việc vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ NH. Đối tượng gia nhập Tổ tiết kiệm – vay vốn gồm hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn của NHCSXH. Nguyên tắc thành lập tổ được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, đoàn kết, tương trợ, cùng có lợi. Để thành lập một Tổ tiết kiệm – vay vốn phải có tối thiểu 5 tổ viên và tối đa 60 tổ viên có cư trú hợp pháp theo địa bàn dân cư thuộc đơn vị hành chính cấp xã. Ban quản lý Tổ tiết kiệm – vay vốn được quy định phải có đủ 2 người (1 tổ trưởng, 1 tổ phó) do các thành viên tổ trực tiếp bầu. Nếu chưa bầu được thì Chủ tịch UBND cấp xã chỉ định đề cử nhưng người được đề cử phải là người có phẩm chất đạo đức, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình trong công việc và được các tổ viên trong tổ tín nhiệm. Ngoài ra người này phải không có mối quan hệ vợ gia đình với lãnh đạo xã và không phải là cán bộ phụ trách các tổ chức cấp hội trực tiếp nhận ủy thác từ NHCSXH. |
Tin liên quan
Tin khác

Tăng cho vay tín chấp đối với nông hộ và các mô hình sản xuất theo chuỗi

Co-opBank đồng hành cùng hệ thống QTDND

Cần Thơ: Rà soát nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách đến từng nhóm khách hàng

Đồng vốn Agribank - động lực cho khởi nghiệp thành công

Dòng chảy tín dụng chính sách giữa đại ngàn Tây Nguyên

Lạng Sơn: Nâng cao hơn nữa hiệu quả tín dụng chính sách xã hội

Khánh Hòa nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội

Agribank đồng hành xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại

Quảng Nam nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách trong giai đoạn mới
