Tìm thị trường cho làng nghề truyền thống
Loay hoay đầu ra cho sản phẩm
Đến nay, trên địa bàn Quảng Nam có 4 nghề truyền thống, 30 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận. Tổng số cơ sở ngành nghề nông thôn tham gia hoạt động tại các làng nghề lên đến 2.095 cơ sở với 4.278 lao động... Những năm qua, Quảng Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các làng nghề xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại. Song, cũng như cả nước vấn đề nan giải hiện nay đối với các làng nghề ở địa phương vẫn chính là đầu ra cho sản phẩm.
Quảng Nam có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng. Trong đó, có thể kể đến như: Làng gốm Thanh Hà, làng nghề mộc Kim Bồng, làng đèn lồng Hội An; dệt vải tơ lụa Mã Châu; đúc đồng Phước Kiều… Thời gian gần đây, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, các cơ sở sản xuất gặp nhiều khó khăn, doanh thu giảm, thu nhập của người lao động sụt giảm. Đến nay, mặc dù các làng nghề đã hoạt động trở lại. Song, hầu hết đang trong giai đoạn xoay chuyển, tìm hướng thích nghi trước những tác động của dịch bệnh. Đặc biệt, tại các làng nghề ở địa phương đang tồn tại hai mối lo. Đó là, không có người kế nghiệp và đầu ra cho sản phẩm.
![]() |
Du khách trải nghiệm làm gốm ở làng gốm Thanh Hà - Hội An |
Một trong những yếu tố quan trọng khiến giới trẻ mặc dù yêu nghề truyền thống nhưng không kiên trì được với nghề là do thu nhập thấp. Thống kê từ cơ quan chức năng địa phương, hiện lao động tại các làng nghề, làng nghề truyền thống chủ yếu là người lớn tuổi, trung niên và số lao động trẻ tỷ lệ rất thấp. Dù cơ quan chức năng liên tục mở các lớp đào tạo nghề truyền thống nhưng vẫn không đủ sức hút với lao động tại địa phương. Các lớp dạy nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống chỉ có thời gian từ 3 - 4 tháng. Trong khi, đặc thù của nghề này đòi hỏi kỹ thuật tinh xảo và người học nghề phải kiên nhẫn. Bởi vậy, có thể nói điểm yếu của một số làng nghề ở Quảng Nam là đã quá mai một, làng nghề không còn một ai đứng ra để bảo tồn, vực dậy nghề.
Trên thực tế hiện nay, bên cạnh các sản phẩm công nghiệp phát triển rầm rộ, thì các sản phẩm của làng nghề ở địa phương vẫn na ná nhau về kiểu dáng; tính sáng tạo, độc đáo trong sản phẩm còn hạn chế. Phần lớn ngành nghề chưa có doanh nghiệp “đầu đàn” làm đầu mối tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hầu hết, cơ sở trong làng nghề truyền thống quy mô nhỏ. Chưa kể đến việc, sản phẩm tương tự nhau, mẫu mã, kiểu dáng đơn điệu, sức cạnh tranh yếu do thiếu thông tin thị trường…
Làng nghề phải tự thay đổi
Quảng Nam - một trong những địa phương có làng nghề và các nghề truyền thống rất phong phú. Tuy nhiên, trước thách thức của phát triển kinh tế thị trường, việc tìm chỗ đứng cho các ngành nghề, nhất là thủ công truyền thống đòi hỏi phải có tầm nhìn và cách làm phù hợp. Trong đó, để có chỗ đứng trên thị trường, sản phẩm làng nghề ở địa phương phải được cải tiến mẫu mã, chất lượng, kể cả thay đổi phương thức sản xuất và quảng bá, tiếp thị sản phẩm. Những người làm nghề nên tự thân tìm tòi thúc đẩy sản phẩm nghề kết nối với chuỗi giá trị...
Ông Ngô Tấn - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam cho rằng, để phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống mang thương hiệu sản phẩm OCOP theo hướng hàng hóa, đáp ứng xu hướng, thị hiếu của người tiêu dùng, trước hết phải ưu tiên những dòng sản phẩm đặc trưng, mẫu mã đẹp, sản xuất theo quy trình chặt chẽ gắn với truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, cơ sở sản xuất, làng nghề phải đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, tạo niềm tin cho khách hàng…
Để cạnh tranh được với các sản phẩm công nghiệp tràn lan trên thị trường, các làng nghề truyền thống không chỉ thay đổi mẫu mã, kích cỡ phù hợp với thị hiếu khách hàng mà còn phải thay đổi cơ chế hoạt động, tự động hóa một số khâu sản xuất để giảm chi phí, thời gian và nhân lực nhằm giảm giá thành sản phẩm. Cùng với việc thay đổi, cải tiến các sản phẩm để có tính thương mại, phù hợp với thị hiếu khách hàng, hầu hết các nghệ nhân của các làng nghề truyền thống ở Quảng Nam đều mong muốn có sự hỗ trợ từ chính quyền tỉnh Quảng Nam để thúc đẩy làng nghề phát triển, bảo tồn văn hóa truyền thống. Như chú trọng đến chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm); hỗ trợ các điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm; tổ chức các ngày hội, hội chợ triển lãm dành riêng cho sản phẩm làng nghề truyền thống…
Mới đây, Festival nghề truyền thống vùng miền lần thứ nhất - Quảng Nam 2022 đã tổ chức tại Hội An. Quy mô của Festival lần này có 10 nhà gỗ (diện tích bình quân là 53m2/nhà gỗ) và 78 gian nhà tre (kích thước 2,5m x 2,5m/nhà). Đồng thời, ban tổ chức còn bố trí khu gian hàng trung tâm để quảng bá những sản phẩm mới của du lịch Quảng Nam và các hoạt động xúc tiến thương mại.
Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, định hướng phát triển làng nghề gắn với du lịch thông qua Festival Nghề truyền thống vùng miền lần thứ nhất - Quảng Nam 2022. Chúng tôi mong muốn giới thiệu với mọi người những giá trị quý giá của nghề truyền thống cũng như tôn vinh nghệ nhân giữ nghề. Đây cũng là dịp các làng nghề khác trong cả nước cùng tham gia, chia sẻ kinh nghiệm trong đa dạng sản phẩm, nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường hiệu quả. UBND tỉnh cũng đã giao các cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng các đề án bảo tồn và phát huy các làng nghề, nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch, kể cả tham khảo, học tập địa phương bạn để làm sao đề án có tính khả thi nhất, như: phát triển vùng nguyên liệu, về đào tạo, bồi dưỡng các nghệ nhân có tay nghề cao... Bên cạnh đó, việc thiết kế mẫu mã và tiếp cận thị trường, nhất là ứng dụng khoa học công nghệ và kinh tế số hiện nay cũng đã được triển khai và từng bước hoàn thiện.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
