Tiền đền bù không bằng quả trứng?
Gần đây, tại xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam), nhiều người dân bỏ hết công việc đồng áng kéo nhau đến tận cửa hầm đường bộ - nơi đang thi công dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đoạn chạy qua huyện Duy Xuyên để phản đối về việc thi công làm hư hại, nứt tường nhà dân.
Điều đáng nói, thiệt hại là thực tế, thế nhưng khi các bên liên quan thực hiện công tác thẩm định đền bù lại áp giá đền bù quá thấp và không thực tế.
![]() |
Trách nhiệm chủ đầu tư ở đâu? |
Nhiều hộ dân phản ánh, gần 1 năm nay, việc liên tục nổ mìn để thi công làm hầm đường bộ thuộc đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi gây nứt nhà của 110 hộ dân. Trước thực trạng này, người dân địa phương có nhà bị nứt đã kiến nghị lên chính quyền địa phương nhờ can thiệp.
Khi chính quyền vào cuộc, nhà thầu thi công là Liên doanh Cienco 4 và Tổng Công ty Sông Đà thuê công ty bảo hiểm đến kiểm định đền bù. Nhưng người dân cho rằng, công tác kiểm định, lập hồ sơ đền bù rất sơ sài và tự ý đưa ra mức giá bồi thường rất phi lý...
Theo bảng giá đền bù do người dân cung cấp, nhiều hộ chỉ được đơn vị bảo hiểm đền bù vài chục ngàn đồng. Cá biệt, hộ ông Lưu Ba chỉ được đền bù 1.667 đồng. “Với mức giá đền bù này quả thực không mua được một quả trứng gà? Nhà tôi mới làm nhưng bị nứt tường, gây thiệt hại cho gia đình, song các đơn vị liên quan lại áp giá đền bù chưa đến 2.000 đồng. Đền bù như vậy là xúc phạm đến người dân” - ông Lưu Ba bức xúc.
Không chỉ riêng trường hợp của ông Lưu Ba, nhiều hộ dân tại đây cũng hết sức bức xúc về những việc làm tắc trách của đơn vị thi công và chủ đầu tư dự án. Hay như ngôi nhà mới xây năm 2014 của ông Lưu Công Sinh bị hư hại nhiều chỗ do việc thi công. Ông Sinh cho biết: “đơn vị thi công nổ mìn liên tục khiến nhà cửa cả xóm rung chuyển. Nhìn ngôi nhà mới xây đã nứt vỡ mà thắt cả ruột, nhà mới xây chưa được 1 năm, bây giờ nứt như thế này, ai mà chịu được”.
Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, có 110 nhà dân bị ảnh hưởng do việc nổ mìn thi công đường hầm dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đoạn qua huyện Duy Xuyên gây ra. Tuy nhiên, qua dự toán bồi thường, nhiều nhà dân bị nứt và ảnh hưởng nhưng bảo hiểm chỉ đền bù vài ngàn đồng là không thể chấp nhận được.
Trước sự bất hợp lý về giá trị đền bù thiệt hại như các hộ dân phản ánh, ngày 30/5/2015, UBND huyện Duy Xuyên, Quảng Nam cùng các đơn vị liên quan tổ chức buổi đối thoại với 110 hộ dân của xã Duy Trinh bị ảnh hưởng bởi thi công dự án để công bố số tiền đền bù sau khi giám định thiệt hại.
Tại buổi đối thoại, đại diện đơn vị thi công xin lỗi người dân về số tiền đền bù đưa ra trước đó và công bố mức bồi thường mới. Theo mức đền bù mới, 110 hộ dân lần lượt sẽ nhận số tiền hơn 600 triệu đồng. Đồng nghĩa với số tiền đền bù cho từng hộ dân cụ thể cũng sẽ được điều chỉnh nâng lên. Ví như hộ ông Lưu Ba được điều chỉnh từ 1.667 đồng tăng lên 2,4 triệu đồng…
Thế nhưng các hộ dân địa phương vẫn không đồng tình. Nhiều hộ dân ý kiến, việc chỉ giám định hư hỏng bên ngoài mà không tính đến thiệt hại về kết cấu bên trong là chưa thoả đáng. Đồng thời, người dân còn phản ứng, việc đền bù chưa nhận được sự đồng tình nhưng ông Phan Xuân Cảnh, Phó chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên thông báo sẽ cho phép đơn vị thi công nổ mìn làm hầm trở lại.
Về việc giải quyết bồi thường cho các hộ dân bị hư hỏng nhà do thi công, UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo, trách nhiệm giải quyết việc bồi thường cho các hộ dân là của chủ đầu tư, nhà thầu thi công và đơn vị bảo hiểm công trình.
Đây là dự án cấp quốc gia, do đó người dân cần tạo điều kiện để chủ đầu tư và nhà thầu thi công cho kịp tiến độ. Thế nhưng, để tạo sự đồng thuận với người dân thì chủ đầu tư cần phải chỉ đạo các nhà thầu thi công cần tuân thủ các quy định về xây dựng; khi thi công gây ra thiệt hại, hư hỏng thì phải có biện pháp kịp thời khắc phục để không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Thiết nghĩ, để xảy ra vụ việc trên cho thấy, chủ đầu tư công trình là Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vẫn chưa chỉ đạo kịp thời các nhà thầu giải quyết rốt ráo những thiệt hại của người dân, chưa thể hiện trách nhiệm rõ ràng đối với người dân vùng dự án. Do đó, thời gian tới, VEC cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc giải quyết những sự cố, đồng thời giúp người dân địa phương không bị xáo trộn cuộc sống vì thi công dự án.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
