Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở Phú Yên
Nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, NHNN chi nhánh Phú Yên đã tăng cường chỉ đạo các TCTD trên địa bàn cải tiến, đổi mới, hiện đại hóa quy trình cung cấp, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ; triển khai mạnh mẽ các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng điện tử, ứng dụng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực ngân hàng; đẩy mạnh phát triển hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, chú trọng phát triển các tiện ích thanh toán trên thiết bị di động... đảm bảo cơ sở hạ tầng thanh toán để hoạt động thanh toán diễn ra thông suốt, kịp thời, an toàn và bảo mật.
Ông Trần Văn Trí, Phó giám đốc NHNN chi nhánh Phú Yên cho biết thêm, đơn vị cũng thường xuyên phối hợp với công an Phú Yên và các chi nhánh NHTM trên địa bàn thực hiện tốt công tác nắm tình hình, trao đổi thông tin liên quan đến hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Từ đó, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thanh toán điện tử. Hiện, 100% các TCTD trên địa bàn đã cập nhật và thông báo, niêm yết các phương thức, thủ đoạn tại quầy giao dịch của trụ sở, phòng giao dịch trực thuộc, trên các Website, ứng dụng Smartbanking, tin nhắn điện thoại đến chủ tài khoản; đồng thời, tổ chức bồi dưỡng tập huấn cho nhân viên ngân hàng nâng cao nhận thức, trình độ nhằm phát hiện giao dịch đáng ngờ…
Đến nay, số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt ở Phú Yên đã có sự gia tăng vượt bậc, trong đó chủ yếu tăng mạnh giao dịch qua kênh điện thoại, internet. Cụ thể, về giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, số lượng giao dịch năm 2023 ước đạt: 35.995.000 món, tăng 57% so với năm 2022. Giá trị giao dịch năm 2023 ước đạt: 300.415 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2022.
Việc thực hiện thanh toán qua ngân hàng đã được ngành Ngân hàng trên địa bàn quan tâm triển khai và đẩy mạnh thực hiện, hầu hết các chi nhánh NHTM đều đã triển khai thực hiện liên kết với các đơn vị cung ứng dịch vụ công. Trong đó, các chi nhánh NHTM nhà nước đóng vai trò chủ lực với mạng lưới hệ thống rộng và lượng khách hàng lớn.
![]() |
Số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt ở Phú Yên đã có sự gia tăng vượt bậc. |
Cụ thể, đối với dịch vụ thu, chi ngân sách nhà nước, toàn bộ các khoản thu ngân sách nhà nước, thu phạt vi phạm hành chính bằng tiền mặt được thực hiện nộp trực tiếp và không phải trả phí nộp tiền tại trụ sở chính và các điểm giao dịch của các NHTM nơi các đơn vị Kho bạc Nhà nước Phú Yên đã ủy nhiệm thu, trong đó qua các ngân hàng như: Agribank, Vietinbank, BIDV, Vietcombank, MB, LienVietPostBank, MSB, VPBank, ACB. Các chi nhánh NHTM cũng đã tích cực phối hợp với Kho bạc Nhà nước Phú Yên trong việc tổ chức thu, chi ngân sách nhà nước trên địa bàn. Các sở, ban, ngành cũng đã phối hợp thực hiện nộp và chi ngân sách nhà nước qua các NHTM.
Đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Yên cũng đã triển khai đến 100% cơ sở giáo dục nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, kết nối chia sẻ với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán để phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh triển khai kết nối và cung cấp dịch vụ công trên cổng dịch vụ công của tỉnh và Quốc gia; tích cực phối hợp với các NHTM trên địa bàn thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Từ năm 2017 ngành Thuế Phú Yên phối hợp với các ngân hàng để triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử qua các hình thức điện tử của ngân hàng (Internetbanking: mobile banking,…). Tính đến nay có 100% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ kê khai thuế điện tử và đã có 4.327 doanh nghiệp đăng ký tham gia dịch vụ nộp thuế điện tử. Tỷ lệ số doanh nghiệp nộp thuế điện tử/Tổng số doanh nghiệp nộp thuế trong tháng đạt 100%. Tỷ lệ số chứng từ nộp thuế điện tử/Tổng chứng từ nộp thuế đạt 98,7%...
Bảo hiểm Xã hội tỉnh cũng tích cực phối hợp với Bưu điện trong việc vận động người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng đang hưởng bằng tiền mặt đổi sang hình thức nhận qua tài khoản cá nhân. Phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh vận động người hưởng trợ cấp thất nghiệp nhận trợ cấp qua tài khoản cá nhân đạt 100%.
Tương tự, Công ty Điện lực Phú Yên đã triển khai nhiều tiện ích thanh toán tiền điện thuận lợi, đa dạng các phương thức thanh toán để khách hàng chọn lựa, thanh toán tiền điện mọi lúc, mọi nơi như: trích nợ tự động từ tài khoản ngân hàng, thanh toán hóa đơn trên Internet Banking/Mobile banking; thanh toán qua Ví điện tử: ViettelPay, ZaloPay, MoMo, Payoo, VNPay, VNPTPay, Vimo, ShopeePay… Công ty Cổ phần Cấp thoát nước tỉnh cũng liên tục mở rộng liên kết các kênh thanh toán qua ngân hàng, Internet banking, ví điện tử thực hiện dịch vụ thu hộ tiền nước…
![]() |
Các cơ quan truyền thông cần đẩy mạnh tuyên truyền các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. |
Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng theo ông Trần Văn Trí việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở Phú Yên vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt chủ yếu tập trung ở trung tâm thành phố, thị xã và thị trấn… Mạng lưới cơ sở hạ tầng ATM, máy POS còn hạn chế do đa số được lắp đặt ở vùng trung tâm, nơi tập trung đông dân cư, các khu công nghiệp, trong khi ở khu vực nông thôn, miền núi còn ít. Từ đó, gây khó khăn cho chủ thẻ khi sử dụng hàng ngày.
Các phương tiện, mô hình thanh toán/chuyển tiền hiện đại ở các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa thực sự phát triển, còn nhiều gia đình học sinh không mở tài khoản tạo khó khăn trong việc triển khai thanh toán học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cho ngành giáo dục. Một số người dân thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh chưa có tài khoản ngân hàng nên việc thanh toán phí, lệ phí trực tuyến còn hạn chế.
Đặc biệt, nhiều người dân vẫn giữ thói quen sử dụng tiền mặt, còn tâm lý e dè khi sử dụng thẻ ngân hàng trong các giao dịch thanh toán, đặc biệt người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng là người đã lớn tuổi, tâm lý e ngại sử dụng tài khoản cá nhân, dễ quên mật khẩu. Một bộ phận dân cư ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa có điều kiện tiếp xúc, được tuyên truyền, hướng dẫn cách sử dụng các dịch vụ ngân hàng…
Để tiếp tục thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, ông Trần Văn Trí cũng đề xuất, UBND tỉnh Phú Yên tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai kịp thời và hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1175/QĐ-UBND của UBND tỉnh Phú Yên về Kế hoạch phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Việc triển khai các hoạt động chuyển đổi số nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công nói riêng cần có sự phối hợp giữa các sở ngành và NHNN chi nhánh tỉnh Phú Yên để hoạt động triển khai được hiệu quả và tiết giảm chi phí cho xã hội.
Ông Trần Văn Trí cũng đề nghị các đơn vị lồng ghép các nội dung về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt vào các đề án, dự án, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của sở, ngành, địa phương mình, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân và đối tượng trong việc thực hiện đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn. Các cơ quan truyền thông cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường truyền thông, phổ biến kiến thức và các phương tiện tham gia thanh toán không dùng tiền mặt, lan tỏa rộng rãi đến người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở địa phương.
Tin liên quan
Tin khác

Ngân hàng tiếp sức, doanh nghiệp cất cánh

Đưa đồng vốn ngân hàng phát triển vùng phên dậu của Tổ quốc

OCB và VinaCapital hợp tác chiến lược, gia tăng lợi ích cho khách hàng ưu tiên

Gần 1,3 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH

NHNN Khu vực 4: Ổn định tổ chức, duy trì hiệu quả hoạt động với mô hình mới

Ngân hàng Nhà nước Khu vực 2 tổ chức chuỗi sự kiện hướng tới ngày Thống nhất đất nước

Thắp sáng giấc mơ an cư từ dòng vốn chính sách

Agribank hỗ trợ 1,5 tỷ đồng mua ghe Ngo cho đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh

NHCSXH Quảng Ngãi: Lan tỏa phong trào “Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà”
