Thủ tướng: Ứng phó chủ động, kịp thời, linh hoạt trong mọi tình huống, khẩn trương hỗ trợ doanh nghiệp, người dân
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Các báo cáo, ý kiến tại cuộc họp đánh giá, đến thời điểm này, việc nắm tình hình, phản ứng chính sách, thực thi chính sách của Việt Nam là kịp thời, phù hợp, linh hoạt, hiệu quả. Thực tế cho thấy công việc này đã bước đầu có hiệu quả khi tiếp theo sau Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ đã đồng ý và tuyên bố đàm phán thỏa thuận về thương mại đối ứng với Việt Nam với mục tiêu giảm thâm hụt thương mại giữa hai nước, bảo đảm cân bằng bền vững, lâu dài.
Sau khi nghe các báo cáo, ý kiến, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, về công việc sắp tới, cần tiếp tục nắm chắc diễn biến tình hình phức tạp hiện nay và kịp thời đề xuất, thực thi chính sách.
![]() |
Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Mục tiêu cụ thể là ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách; ổn định tâm lý nhà đầu tư, giúp doanh nghiệp, người dân thích ứng linh hoạt với tình hình mới, giảm phụ thuộc vào một thị trường, thúc đẩy đầu tư của nước ngoài, thu hút FDI tốt hơn, chất lượng hơn.
Về quan điểm, phải đặt công việc trên trong tổng thể chung phát triển đất nước, quan hệ quốc tế của Việt Nam, không để ảnh hưởng tới tổng thể 17 FTA đã ký kết với trên 60 thị trường trên thế giới; xử lý vấn đề này không ảnh hưởng vấn đề khác, ứng xử với đối tác này không để ảnh hưởng tới đối tác khác.
Đồng thời, xem đây là thời cơ để tái cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng xanh hóa, số hóa, tuần hoàn, phát triển nhanh nhưng bền vững, bao trùm, toàn diện; tái cấu trúc lại doanh nghiệp, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đầu tư chất lượng cao, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, thúc đẩy doanh nghiệp lớn lên, tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thủ tướng lưu ý thêm yêu cầu không để xảy ra thất nghiệp; rà soát các đối tượng bị ảnh hưởng, nhất là trong các ngành dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản, kế thừa các chính sách trước đây để thiết kế các chính sách hỗ trợ phù hợp, bảo đảm đối tượng hỗ trợ chuẩn xác, có trọng tâm, trọng điểm, xác định rõ phạm vi, đối tượng, thời hạn, mức độ và nguồn lực hỗ trợ. Trên cơ sở đó, các Phó Thủ tướng, các bộ trưởng căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao để chỉ đạo các giải pháp nhanh, kịp thời, nhất quán, bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp, hiệu quả.
![]() | ||||||||
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
|
Về các nhóm nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục phối hợp đồng bộ, hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.
Về chính sách tài khóa, các giải pháp giãn, hoãn thuế thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ, ngành thì làm ngay; các chính sách miễn, giảm thuế tiếp tục nghiên cứu, đề xuất ngay Quốc hội ban hành nghị quyết, việc này cần làm nhanh trong tổng thể quan hệ kinh tế đối ngoại, hội nhập; việc hoàn thuế VAT phải nhanh, kịp thời, cắt giảm thủ tục hành chính; mở rộng thêm đối tượng và kéo dài thời gian với chính sách liên quan phí, lệ phí, tiền thuê đất…
Thúc đẩy giải ngân đầu tư công, giải phóng nguồn lực cho nền kinh tế, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy tăng trưởng. Bộ Tài chính rà soát lại đầu tư công những năm qua, đánh giá trách nhiệm, ai không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân đầu tư công, gây lãng phí thì phải có chế tài, sớm báo cáo cấp có thẩm quyền.Về chính sách tiền tệ, tiếp tục ổn định tỷ giá, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất thông qua giảm chi phí, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số; thực hiện khoanh nợ, giãn, hoãn nợ; đề xuất, triển khai các giải pháp, như các gói tín dụng ưu đãi với một số lĩnh vực, mặt hàng như gói tín dụng 500.000 tỷ đồng cho hạ tầng, khoa học công nghệ, kích cầu tiêu dùng trong nước, mở rộng các gói tín dụng đang được triển khai hiệu quả; Chủ động bảo đảm ngoại tệ cho xuất nhập khẩu, bảo đảm dự trữ ngoại hối. |
![]() |
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Cương quyết cắt giảm thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền theo đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và Nghị quyết của Chính phủ, phấn đấu năm 2025 giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí kinh doanh; bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh.
Về nhóm các giải pháp chính sách thương mại, nêu rõ chúng ta còn nhiều thị trường truyền thống và tiềm năng cần khai thác, Thủ tướng chỉ đạo khai thác hiệu quả hơn 17 FTA đã ký, tiếp tục mở các thị trường mới; giải quyết tối đa, thỏa đáng các vấn đề thương mại mà Hoa Kỳ quan tâm, nhất là xuất xứ hàng hóa, hàng rào phi thuế quan, sở hữu trí tuệ; tiếp tục mở cửa thị trường với các đối tác, khu vực khác; tích cực trao đổi hàng hóa với các nước, trong đó có Hoa Kỳ, nhất là máy bay, khí LNG, thương mại quốc phòng, an ninh; kích cầu tiêu dùng trong nước.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi, thích ứng tình hình mới cả về lâu dài và giải quyết khó khăn trước mắt; thúc đẩy cả 3 lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; đẩy mạnh khởi nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khẩn trương triển khai Quỹ hỗ trợ đầu tư, Cổng một cửa đầu tư quốc gia.
Rà soát, sửa đổi kịp thời các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật cản trở sản xuất, kinh doanh, khẩn trương đề nghị Quốc hội dùng một luật sửa nhiều luật; đồng thời rà soát các luật có liên quan kinh tế đối ngoại, đề xuất chính sách với cấp có thẩm quyền.
Về chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, Thủ tướng chỉ đạo rà soát, đề xuất hỗ trợ số lao động bị ảnh hưởng; tiếp tục các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người có công, người nghèo, bảo hiểm xã hội, giải quyết chính sách thất nghiệp (việc này cần làm sớm, báo cáo Chính phủ trước ngày 20/4); hỗ trợ người sử dụng lao động, kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ giải quyết việc làm; nghiên cứu, bổ sung các chính sách hỗ trợ chi phí sinh hoạt tối thiểu cho người lao động; đẩy mạnh chương trình nhà ở xã hội, xóa nhà tạm, nhà dột nát….
Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động hỗ trợ đoàn viên công đoàn trong các ngành bị ảnh hưởng mạnh. Đồng thời, các doanh nghiệp tích cực, chủ động, chuyển đổi thích ứng tình hình mới, ứng dụng khoa học công nghệ, các bộ ngành, cơ quan tích cực hỗ trợ doanh nghiệp về thị trường, vốn, quản lý, mẫu mã, bao bì, bản quyền sở hữu trí tuệ…
Thủ tướng yêu cầu trong ngày 11/4, thành lập đoàn đàm phán với phía Hoa Kỳ do Bộ trưởng Công Thương làm trưởng đoàn, xây dựng kịch bản, phương án phù hợp, tinh thần là bảo đảm tối đa lợi ích quốc gia, dân tộc và lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Các Bộ: Công Thương, Tài chính, Ngoại giao tiếp tục tham khảo ý kiến bạn bè quốc tế; đồng thời bảo đảm thực hiện các cam kết của Việt Nam với các nước và không để gian lận thương mại.
* Cũng trong sáng ngày 10/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức cuộc họp triển khai chỉ đạo của Chính phủ về việc triển khai gói tín dụng 500 nghìn tỷ đồng cho vay đối với các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và công nghệ số. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì cuộc họp.
Tại cuộc họp, Phó Thống đốc ghi nhận sự đồng thuận và tích cực hưởng ứng từ các ngân hàng đối với chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN. Liên quan đến các khó khăn và thách thức hiện nay, đặc biệt là tác động từ chính sách thuế mới của Mỹ, nhiều doanh nghiệp và lĩnh vực kinh tế trọng yếu đang bị ảnh hưởng, kéo theo tác động đến người lao động. Vì vậy, theo Phó Thống đốc, việc triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng và các chính sách hỗ trợ kịp thời là rất cấp bách, thể hiện chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Với tinh thần đó, ngành Ngân hàng thống nhất triển khai chương trình này theo tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi".
Để triển khai hiệu quả gói tín dụng trên, Phó Thống đốc Thường trực NHNN yêu cầu thời gian tới các NHTM chủ động tính toán, cân đối dành nguồn lực, khẩn trương có văn bản đăng ký tham gia Chương trình tín dụng theo đúng chỉ đạo tại Công văn số 2627/VPCP-KTTH.
Các ngân hàng căn cứ danh mục dự án trọng điểm ngành giao thông, điện và công nghệ số do Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì ban hành để xác định đúng đối tượng cho vay, xem xét, thẩm định các dự án theo quy định của pháp luật. Về mức lãi suất cho vay, các NHTM chủ động xác định và công khai mức lãi suất áp dụng, phương thức tính lãi suất đối với khách hàng vay vốn theo Chương trình trong từng thời kỳ trên tinh thần hỗ trợ khách hàng giảm chi phí vốn nhằm góp phần tháo gỡ và thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, công nghệ số...
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Ưu tiên thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng
