“Thủ phủ” cà phê mời gọi đầu tư
Đắk Lắk: Đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cà phê Đắk Lắk: Tín dụng chính sách xã hội tăng 16,2% |
![]() |
“Thủ phủ” cà phê mời gọi đầu tư |
Nhiều lợi thế và cơ hội
Nằm ở trung tâm khu vực Tây Nguyên, Đắk Lắk có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, quốc phòng với hệ thống giao thông thuận lợi, gồm hệ thống quốc lộ kết nối liền các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ...
Với diện tích tự nhiên hơn 13.000 km2, đây là vùng đất đỏ bazan rất trù phú, phù hợp với các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như: cà phê, cao su, hồ tiêu, cây ăn trái, rau củ quả, dược liệu... Bên cạnh những thuận lợi về điều kiện tự nhiên, Đắk Lắk còn có dân số trẻ, lực lượng lao động dồi dào. Hiện, toàn tỉnh có 1 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp, đang chuẩn bị đầu tư thêm 1 khu công nghiệp và 7 cụm công nghiệp khác, đảm bảo cho nhu cầu sử dụng đất của các nhà đầu tư trong và ngoài nước…
Bên cạnh đó, Đắk Lắk còn là một trong những cái nôi nuôi dưỡng không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại.
Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk khẳng định, trong những năm qua, địa phương đã đẩy mạnh hợp tác, giao thương với các địa phương, doanh nghiệp đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, thông qua sự hỗ trợ của Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh, Đắk Lắk đã và đang kêu gọi xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp, địa phương đến từ Ấn Độ.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số dự án đầu tư lớn của các doanh nghiệp Ấn Độ. Trong đó, có thể kể đến dự án Nhà máy chế biến cà phê hòa tan “Cà phê ngon” của Công ty trách nhiện hữu hạn Cà phê Ngon đặt tại cụm công nghiệp huyện Cư Kuin, sản xuất 36.000 tấn cà phê hòa tan/năm; 6.000 tấn cà phê lỏng/năm; đồng thời mua bán, xuất nhập khẩu cà phê nhân, công suất 15.000 tấn/năm; tổng vốn đầu tư 140 triệu USD và 100% vốn đầu tư của Ấn Độ. Đến nay, dự án đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương và đóng góp vào ngân sách địa phương gần 1 triệu USD/năm. Đây được xem là một trong những dự án FDI hiệu quả và có sức lan tỏa nhất trên địa bàn Đắk Lắk cũng như ở khu vực Tây Nguyên.
Trước đó, để tạo tiền đề cho quá trình hợp tác đầu tư lâu dài, tháng 11/2023, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức chuyến làm việc, xúc tiến đầu tư tại Ấn Độ. Ngay sau đó, UBND tỉnh đã phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức chương trình gặp gỡ doanh nghiệp Đắk Lắk và bang Odisha (Ấn Độ). Theo thống kê của Sở Ngoại vụ tỉnh Đắk Lắk, tính đến nay đã có 66 biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các hội, hiệp hội, doanh nghiệp của địa phương và các hiệp hội, doanh nghiệp của Ấn Độ được ký kết.
Theo ông Lê Minh Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam (Bộ Kế hoạch Đầu tư), hiện Đắk Lắk đang là địa phương tiếp nhận nguồn vốn đầu tư từ Ấn Độ lớn nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Trong khi đó, tất cả các tỉnh ở Tây Nguyên đều đang nằm trong vùng ưu đãi đầu tư. Bởi vậy, trong thời gian tới, các địa phương trong khu vực cần tăng cường quảng bá hình ảnh, chia sẻ nhu cầu hợp tác đầu tư, đặc biệt với các đối tác Ấn Độ. Đồng thời, cần cải thiện môi trường đầu tư minh bạch, đẩy mạnh xây dựng chính quyền số để gia tăng cơ hội tiếp cận với các nhà đầu tư nước ngoài.
Tạo thuận lợi cho nhà đầu tư
Tuy có nhiều tiềm năng và lợi thế, nhưng theo ông Nguyễn Thiên Văn, việc các nhà đầu tư Ấn Độ đến tìm hiểu, đầu tư còn hạn chế… Bởi vậy, trong thời gian tới địa phương mong muốn phía Ấn Độ thúc đẩy nhiều hơn nữa các hoạt động hỗ trợ, giới thiệu nhà đầu tư, nghiên cứu, khảo sát và tiến hành các hoạt động đầu tư, giao thương với Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung. Kỳ vọng trong tương lai Đắk Lắk sẽ trở thành địa phương cung cấp các mặt hàng nông sản như sầu riêng, trái cây, điều, cà phê… chất lượng cao cho thị trường rộng lớn Ấn Độ.
Để thu hút nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư đến từ Ấn Độ, Đắk Lắk cũng sẽ tập trung mọi nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng nhằm nâng cao vị thế, cải thiện môi trường đầu tư vào địa phương. Bên cạnh đó, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư; đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương, xây dựng Đắk Lắk từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ông Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, Ấn Độ là một thị trường khổng lồ cho Việt Nam với nhiều sản phẩm tiềm năng, có một tầng lớp trung lưu lớn chiếm khoảng 30% dân số, hơn 40 thành phố lớn với quy mô trên 1 triệu dân và đang phát triển rất nhanh chóng về mọi mặt… Đặc biệt, hai bên có tiềm năng rất lớn trong các lĩnh vực như, nông nghiệp, dệt may, du lịch, công nghệ thông tin… Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp của Ấn Độ hợp tác với Đắk Lắk nói riêng và các địa phương khác trong khu vực Tây Nguyên nói chung.
Cũng theo ông Madan Mohan Sethi, mặc dù 2 nước Việt Nam và Ấn Độ có kim ngạch thương mại song phương đạt tới 15,1 tỷ USD, nhưng vẫn đang ở dưới tiềm năng vốn có. Với quan hệ hợp tác bền chặt trên nhiều lĩnh vực cùng thế mạnh, khả năng cung ứng, nhu cầu hợp tác; các dự án kêu gọi đầu tư, thông tin các tour tuyến du lịch, thông tin về doanh nghiệp; các chính sách thu hút đầu tư... sẽ là bước tiến để Việt Nam - Ấn Độ phấn đấu đạt mức kim ngạch xứng tầm với tiềm năng vốn có.
Trong thời gian tới, các doanh nghiệp Ấn Độ sẽ tăng cường tìm hiểu về tiềm năng, thế mạnh ở Tây Nguyên. Trên cơ sở đó, sẽ xây dựng các chiến dịch truyền thông về Đắk Lắk và Tây Nguyên của Việt Nam đến với các doanh nghiệp, người dân của Ấn Độ. Qua đó, góp phần kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào khu vực giàu tiềm năng này.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
