Thiếu vật liệu cho dự án giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ
Được biết, theo kế hoạch, 76km dự án Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh có tổng mức đầu tư hơn 75.300 tỷ đồng, cần hơn 1,678 triệu mét khối (m3) đất đắp nền đường; hơn 7,233 triệu m3 cát đắp nền đường; gần 1,5 triệu m3 cát xây dựng và hơn 4,4 triệu m3 đá xây dựng.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay theo kết quả khảo sát và làm việc với các địa phương trong vùng, nhu cầu về nguồn đá xây dựng và đất đắp nền đường cơ bản đã đáp ứng nhu cầu của dự án. Tuy nhiên, cát xây dựng và đặc biệt là cát đắp nền đường còn thiếu nhiều so với nhu cầu của dự án. "Do đó, TP.Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Xây dựng và các địa phương khu vực ĐBSCL xem xét, xử lý nguồn vật liệu cát đắp cho các dự án; hướng dẫn các địa phương khai thác mỏ vật liệu cung cấp cho dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…”, ông Phúc nói.
Đặc biệt, cần hướng dẫn các địa phương hỗ trợ nhà thầu trong xác định giá bồi thường, thuê đất để khai thác mỏ vật liệu xây dựng trên cơ sở quy định pháp luật, theo chỉ đạo của Thủ tướng mới đây.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hồ Chí Minh, hiện nguồn cung cát xây dựng và cát đắp nền đang bị thiếu hụt trầm trọng. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương chỉ đảm bảo đáp ứng đủ khoảng 30% nhu cầu vật liệu cát xây dựng cho dự án; Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai đảm bảo đáp ứng đủ 40% nhu cầu dự án. Đối với 30% khối lượng cát xây dựng còn lại, dự kiến sẽ lấy tại An Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tuy nhiên, theo ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, các mỏ cát xây dựng tại địa phương đang phải ưu tiên cung cấp cho các tuyến cao tốc và các công trình trọng điểm của tỉnh như cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; tuyến nối Quốc lộ 91, tuyến tránh thành phố Long Xuyên... Mặt khác, tuy tỉnh An Giang và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có quy hoạch các mỏ cát tại vùng núi, nhưng các mỏ này không mấy hiệu quả về kinh tế do diện tích và chi phí giải phóng mặt bằng lớn, điều kiện vận chuyển khó khăn.
Về cát đắp nền (cát san lấp), các mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long có khả năng đáp ứng khoảng 3,6 triệu m3 (tương đương khoảng 50% nhu cầu dự án). Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hồ Chí Minh cho biết, để khai thác khoáng sản phục vụ dự án cần được chấp thuận chủ trương của UBND cấp tỉnh. Còn 50% nhu cầu cát đắp nền, dự kiến sẽ lấy tại Đồng Tháp (khoảng 20%) và An Giang (khoảng 30%), nhưng hai địa phương trên từ chối cung cấp cho dự án Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh vì lý do ưu tiên phục vụ các dự án trọng điểm tại địa phương đã nêu phần trên.
Trước tình hình này, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hồ Chí Minh kiến nghị: “UBND TP.Hồ Chí Minh cần giao Tổ công tác rà soát, điều phối nguồn vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án đường vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh phối hợp với Ban giao thông và Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh xây dựng kế hoạch khảo sát thực tế tại các mỏ của các địa phương; lập danh sách các mỏ khoáng sản đang khai thác có trữ lượng đáp ứng nhu cầu dự án và danh sách các mỏ dự phòng (bao gồm các mỏ hết hạn giấy phép; các mỏ đang gia hạn giấy phép; các mỏ còn trữ lượng lớn nhưng điều kiện khai thác, vận chuyển không thuận lợi) để báo cáo UBND TP.Hồ Chí Minh”.
Dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh có tổng chiều dài khoảng 76,3 km đi qua địa phận TP.Hồ Chí Minh và 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Dự án sẽ được chia thành 8 dự án thành phần trên địa phận từng địa phương. Dự án khi hoàn thành sẽ có quy mô 8 làn xe cao tốc, cấp đường ô tô cao tốc 100km/h, đường song hành 2 bên (đường đô thị 2-3 làn xe), cấp đường ô tô đô thị 60km/h. Dự kiến tiến độ thực hiện dự án sẽ cơ bản hoàn thành vào năm 2025, đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026. |
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
