Thị trường bất động sản tiếp tục đi trên “con đường gập ghềnh”
![]() |
Nửa đầu năm 2023, thị trường bán lẻ Hà Nội không ghi nhận nguồn cung mới. |
Thị trường mặt bằng bán lẻ đầy thách thức và cơ hội
Khu vực dịch vụ đóng góp đến 78,85% vào tăng trưởng GDP Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2023. Trong quý II, hoạt động kinh doanh và cho thuê mặt bằng bán lẻ tại các trung tâm thương mại ở hai thị trường lớn ghi nhận hai diễn biến trái ngược.
Tại TP.HCM, giá thuê và tỷ lệ lấp đầy trung bình của các trung tâm thương mại không thay đổi đáng kể. Thị trường ghi nhận một số thương hiệu mỹ phẩm và thời trang quốc tế mới gia nhập, hầu hết ở khu vực trung tâm của một thành phố lớn (CBD).
Từ nay đến cuối năm, thị trường sẽ đón nhận các dự án mới như Central Premium Mall, Parc Mall (quận 8), Emart Phan Huy Ích (quận Gò Vấp) nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm, giải trí ngày càng tăng của người dân Thành phố.
Trong khi đó, giá thuê mặt bằng bán lẻ tại khu vực CBD của Hà Nội giảm 5% so với quý trước, tỷ lệ lấp đầy cũng giảm xuống còn 85 - 90% do nhiều khách thuê trả mặt bằng.
Nửa đầu năm 2023, thị trường không ghi nhận nguồn cung mới. Điều này có thể làm tăng nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội trong các quý tiếp theo.
Bà Đỗ Thị Xuân Trang - Trưởng phòng Dịch vụ Bán lẻ Colliers Việt Nam, đánh giá thị trường bất động sản bán lẻ Việt Nam hiện diện cả thách thức và cơ hội trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước một mặt buộc phải thu hẹp, mặt khác đang tận dụng thời gian này để xác định lại thị trường và chiến lược kinh doanh phù hợp.
Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài có nguồn tài chính mạnh đang tranh thủ thời điểm này để tiếp tục mở rộng thị phần tại Việt Nam và khẳng định giá trị thương hiệu của họ. Điều này mở ra cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước để cùng vượt qua khó khăn và đáp ứng kỳ vọng của các bên.
Chẳng hạn, Sơn Kim Retail vừa hợp tác với IFC để mở rộng hệ thống cửa hàng GS25. Nova F&B, với nhiều thương hiệu ẩm thực nội địa lẫn quốc tế, đã được nhà đầu tư Singapore mua lại và được vận hành bởi IN Hospitality. Trong khi đó, Nova F&B cũng tái cơ cấu để vượt qua giai đoạn khó khăn này và hoạch định lại chiến lược kinh doanh phù hợp trong bối cảnh mới.
Bất động sản công nghiệp tiếp tục đón sóng đầu tư công
Ông Nguyễn Việt Hoàng - Giám đốc Phát triển Kinh doanh Colliers Việt Nam, đánh giá mặc dù FDI vào bất động sản suy giảm trong nửa đầu năm nay nhưng thị trường bất động sản Việt Nam vẫn duy trì sức hút với các nhà đầu tư.
Số lượng yêu cầu tìm kiếm cao ốc văn phòng, bất động sản công nghiệp và nghỉ dưỡng tại Việt Nam có xu hướng tăng trong vài tháng qua. Với chủ đầu tư trong nước, tiếp cận vốn FDI được xem là động thái tiếp theo sau quá trình tái cấu trúc tổ chức và danh mục dự án.
Tổng cầu trên thế giới suy yếu làm giảm giá trị xuất nhập khẩu Việt Nam, dẫn đến hoạt động đầu tư và mở rộng sản xuất công nghiệp có phần chậm lại. Tuy nhiên, sự sụt giảm trong ngắn hạn không ảnh hưởng đáng kể đến hiệu suất đầu tư xây dựng và cho thuê của các khu công nghiệp trong quý II/2023.
Theo ông Vũ Minh Chí - Quản lý Cấp cao, Dịch vụ Công nghiệp Colliers Việt Nam: “Việc thiết lập địa điểm sản xuất tại một quốc gia đòi hỏi kế hoạch dài hạn. Những biến động trên thị trường khu vực và toàn cầu, dù không thể tránh khỏi, đang thúc đẩy các nhà sản xuất tiếp tục triển khai kế hoạch đa dạng hóa chuỗi cung ứng để vừa giảm thiểu rủi ro gián đoạn, vừa chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo”.
Để đón đầu làn sóng này và trở thành trung tâm hậu cần của khu vực, Việt Nam cần cải thiện tính liên kết vùng hơn nữa để thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài, ngoài các nhà đầu tư truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore.
Ở phía Nam, TP.HCM tiếp tục dẫn đầu cả nước về giá thuê ở mức 214 - 300 USD/m2/kỳ hạn và tỷ lệ lấp đầy là 95%. Thành phố này đã xóa quy hoạch ba khu công nghiệp chậm triển khai và bổ sung quy hoạch hai khu công nghiệp mới với tổng diện tích 668 ha. Thành phố cũng kỳ vọng có thêm nguồn cung khu công nghiệp, khu công nghệ cao quy mô lớn trong thời gian tới khi vừa được cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp dưới 500 ha sang đất công nghiệp.
Tại Hà Nội, giá thuê trung bình đạt 168 USD/m2/kỳ hạn, tăng 5% so với quý trước, và tỷ lệ lấp đầy đạt 94%. Trong quý 2, thị trường có thêm 116 ha đất công nghiệp cho thuê mới từ Khu công nghiệp Tam Dương I (tỉnh Vĩnh Phúc). Nguồn cung tương lai sẽ dịch chuyển về các khu vực vệ tinh như Vĩnh Phúc (Khu công nghiệp Sông Lô II, Bình Xuyên II), Lạng Sơn (Khu công nghiệp VSIP), Nam Định (Khu công nghiệp Trung Thành), Hải Phòng (cụm công nghiệp Quyết Tiến).
Thị trường bất động sản công nghiệp Đà Nẵng bình ổn về giá thuê và tỷ lệ lấp đầy so với quý trước. Các diễn biến chính xoay quanh nguồn cung tương lai tập trung ở Quảng Nam và Huế.
Hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng lớn vừa hoàn thành và khởi công trên toàn quốc cho thấy triển vọng tươi sáng của thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam. Ở phía Bắc, cao tốc Hà Giang - Tuyên Quang và dự án Vành đai 4 sẽ giúp kết nối các tỉnh phía Bắc tốt hơn nữa.
Hệ thống đường Vành đai 3 ở phía Nam và các cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Phan Thiết, Bến Lức - Long Thành khi hoàn thành sẽ tạo tuyến giao thông kết nối Đồng bằng sông Cửu Long, TP.HCM và khu vực còn lại của vùng Đông Nam Bộ.
Tin liên quan
Tin khác

Thị trường bất động sản bán lẻ Hà Nội tăng trưởng ấn tượng

Phát triển nhà ở xã hội: Tăng lợi nhuận cho chủ đầu tư có phải là giải pháp căn cơ?

Thế hệ trẻ nan giải bài toán an cư

Lừa đảo mua nhà ở xã hội: Cẩn thận tiền mất, tật mang

“Kiềng ba chân” bảo chứng cho lợi thế kinh doanh vững chắc tại Asia Vibe

Mở ra cơ hội cho người trẻ mua nhà

Sốt đất ảo tại Quảng Nam, chính quyền tăng cường kiểm soát

Thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất

Đà Nẵng: Bất động sản nguy cơ bong bóng, nhà đầu tư cần tỉnh táo
![[Infographic] 10 yếu tố cần cân nhắc khi quyết định mua hay thuê nhà](https://tbnhnew.mastercms.vn/stores/news_dataimages/2025/042025/01/10/infor120250401101146.png?rt=20250401101203?250401041902)