“Thị dân” hết vướng vay vốn tam nông
![]() |
Ảnh minh họa |
Với việc bổ sung những “cá nhân, hộ gia đình sinh sống trên địa bàn thành phố, thị xã nhưng tham gia sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp” vào danh sách những khách hàng được vay vốn ưu đãi lãi suất, Nghị định 55/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân mà Chính phủ vừa ban hành đã tháo gỡ một trong những bất cập quan trọng nhất mà Nghị định 41 trước đó đã gặp phải, do các quy định cứng nhắc về khái niệm đô thị cũng như sự thiếu thực tế trong việc xác định khu vực nông thôn.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy rằng, vào thời điểm năm 2010, cả nước có khoảng 615 thị trấn, 47 thị xã và 64 thành phố trực thuộc tỉnh. Ở thời điểm này dân số tại khu vực các đô thị trên cả nước ước khoảng gần 28 triệu người.
Trong khi đó, theo điều tra của Chương trình Nâng cấp đô thị quốc gia, tại các đô thị loại IV (các thị xã, thị trấn lớn) tỷ lệ người dân sinh sống tại các xã vùng ven ở mức 45,9%; các đô thị loại I tỷ lệ dân cư ở các xã vùng đệm và vùng ven còn cao hơn, phổ biến ở mức 48,5%.
Như vậy, nếu tính trung bình tỷ lệ người dân sống tại các khu vực ven đô là 50%, thì trong hơn 4 năm triển khai Nghị định 41, cả nước đã có khoảng 34,4 triệu người dân (tương đương khoảng 17 triệu hộ) không có cơ hội vay vốn từ chương trình tín dụng nông nghiệp của Chính phủ vì bị coi là “thị dân”.
Thực tế, ngay sau khi Nghị định 41 được triển khai, các địa phương đã nhận ra bất cập về người thụ hưởng trong việc áp dụng của văn bản này. Tuy nhiên, các Thông tư hướng dẫn của những bộ, ngành sau đó cũng không giải thích và tháo gỡ triệt để. Kết quả là trong suốt hơn 4 năm triển khai thực hiện chính sách tín dụng tam nông trên phạm vi toàn quốc (từ tháng 6/2010 đến nay), hầu hết các hộ dân sản xuất nông nghiệp ở khu vực ven các đô thị đều không thể vay vốn ưu đãi lãi suất.
Đơn cử tại TP. Hồ Chí Minh, thời điểm năm 2011, sau khi triển khai cho vay theo Nghị định 41, nhiều quận, huyện đã kiến nghị tháo gỡ vướng mắc. Sau đó, UBND TP. Hồ Chí Minh đã phải ban hành Quyết định 36 (đến 2013 được thay thế bằng Quyết định 13), dùng ngân sách của địa phương để mở rộng khả năng cấp vốn và hỗ trợ lãi suất.
Nhờ hai Quyết định này tính đến cuối năm 2014, mặc dù không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng tam nông, nhưng đã có khoảng 12.000 hộ dân ở các khu vực quận, huyện ven TP. Hồ Chí Minh vay được vốn rẻ từ các NHTM trên địa bàn để sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp.
Hoặc tại các tỉnh khu vực ĐBSCL - khu vực nông nghiệp nông thôn lớn nhất nước, mặc dù không trực tiếp tháo gỡ “nút thắt thị dân” như cách của TP. Hồ Chí Minh nhưng chính quyền các tỉnh, thành phố như Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp… cũng đã chủ động dùng ngân sách địa phương để hỗ trợ từ 70 – 100% lãi suất vốn vay nhằm mua sắm máy móc, thiết bị nông nghiệp.
Nhờ cách làm này, từ 2010 đến nay, cũng có hàng chục ngàn hộ dân sống bằng nghề nông nghiệp tại các khu vực ven các đô thị tiếp cận được nguồn vốn rẻ trong khi chưa thể vay vốn theo Nghị định 41 hoặc các chính sách ưu đãi tín dụng khác của Chính phủ.
Như vậy có thể nói rằng, hiệu quả của chính sách đôi khi lại vô tình bị hạn chế bởi một số câu chữ, quy định mang tính gò bó và cứng nhắc. Những tổng kết của NHNN cho thấy, tính đến cuối tháng 4/2014, nhờ có Nghị định 41, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của cả nước đạt trên 685.400 tỷ đồng.
Nếu ngay từ đầu, hàng chục triệu hộ gia đình sinh sống bằng nghề nông không bị “loại khỏi cuộc chơi” thì dư nợ cho vay từ chính sách này đã có thể tăng thêm hàng trăm ngàn tỷ đồng nữa.
Chính vì thế, sự sửa đổi, bổ sung về đối tượng được vay vốn theo Nghị định 55 chắc chắn sẽ khiến cho dòng tín dụng đổ về các khu vực ven đô tăng lên mạnh mẽ. Nó cũng sẽ là chìa khóa đầu tiên để nền nông nghiệp tại các đô thị chuyển mình với các chương trình tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp xu hướng phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa.
Tin liên quan
Tin khác

Tăng cho vay tín chấp đối với nông hộ và các mô hình sản xuất theo chuỗi

Co-opBank đồng hành cùng hệ thống QTDND

Cần Thơ: Rà soát nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách đến từng nhóm khách hàng

Đồng vốn Agribank - động lực cho khởi nghiệp thành công

Lạng Sơn: Nâng cao hơn nữa hiệu quả tín dụng chính sách xã hội

Khánh Hòa nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội

Agribank đồng hành xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại

Quảng Nam nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách trong giai đoạn mới

Ninh Thuận nâng cao chất lượng tín dụng chính sách
