Tạo lập niềm tin số cho người dân
Bảo vệ dữ liệu cá nhân chưa được quan tâm đúng mức
Phát biểu tại tọa đàm chuyên đề: “Đánh giá việc bảo vệ dữ liệu cá nhân trên các nền tảng tương tác với người dân của chính quyền địa phương”, ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) cho biết, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, đảm bảo quyền riêng tư trên các nền tảng như cổng thông tin điện tử, cổng dịch vụ công trực tuyến và ứng dụng thông minh của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh vẫn còn những khoảng cách nhất định so với quy định pháp luật, nhất là so với các thực hành tốt.
Ông Nguyễn Quang Đồng dẫn chứng, kết quả khảo sát ở toàn bộ 63 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương với 17 tiêu chí đánh giá cụ thể trong năm 2022 về việc bảo vệ quyền dữ liệu cá nhân trên các nền tảng tương tác với người dân của chính quyền địa phương cho thấy 59/63 cổng thông tin điện tử và 60/63 cổng dịch vụ công trực tuyến chưa công bố chính sách về quyền riêng tư (một dạng thỏa thuận điện tử thiết lập trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trước chủ thể dữ liệu là người dân, là căn cứ để người dân bảo vệ các quyền đối với dữ liệu của họ khi có sự cố hay tranh chấp xảy ra).
![]() |
Tạo lập niềm tin số sẽ thúc đẩy người dân tham gia mạnh mẽ hơn vào quá trình chuyển đổi số quốc gia |
Phần lớn các địa phương chưa thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đơn cử như dù pháp luật quy định các tỉnh phải công khai thông tin về đầu mối liên hệ về bảo vệ dữ liệu cá nhân nhưng kết quả rà soát cho thấy, chỉ có 17 trong số 50 ứng dụng thông minh hỗ trợ tương tác chính quyền và người dân hiện có, 1 trong số 63 cổng dịch vụ công trực tuyến và 3 trong số 63 cổng thông tin điện tử cấp tỉnh công bố thông tin này.
Một trong những vấn đề đáng quan ngại nhất mà kết quả đánh giá chỉ ra là việc hiểu sai và phân định sai trách nhiệm pháp lý của các chủ thể quản lý dữ liệu. Cụ thể, trách nhiệm pháp lý đối với dữ liệu cá nhân bị lẫn lộn giữa “cơ quan chủ quản” (Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố), “cơ quan/đơn vị vận hành” (Sở Thông tin - Truyền thông) và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xây dựng nền tảng. Nếu không phân định đúng vai trò, chức năng thì thiết kế và thực thi quy trình bảo vệ dữ liệu sẽ thiếu hiệu quả. Hơn thế nữa, khi có vấn đề, sự cố xảy ra, sẽ không có căn cứ để xác định chủ thể chịu trách nhiệm.
Ông Patrick Haverman - Phó trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam nhận định, Chính phủ Việt Nam và các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đặc biệt, dịch Covid-19 khiến người dân tương tác trên môi trường số nhiều hơn, tuy vậy, kết quả khảo sát hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh tại Việt Nam (PAPI) trong hai năm 2020 và 2021 cho thấy mới chỉ có 3,5% số người được hỏi cho biết họ đã sử dụng Cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia. Trong khi đó, việc thực hành tốt về bảo vệ dữ liệu cá nhân của công dân trong khu vực công là một trong những yếu tố then chốt để tạo dựng niềm tin của người dân về dịch vụ công trực tuyến.
Bảo vệ quyền riêng tư trên môi trường mạng
Dựa trên các kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu đưa ra một số khuyến nghị, ở khía cạnh hoàn thiện khung pháp luật quốc gia, cần xác định, phân loại rõ ràng dữ liệu cá nhân phù hợp với các xu hướng mới của chuyển đổi số, trong đó có các loại dữ liệu cá nhân được thu thập từ người sử dụng trên các nền tảng tương tác của chính quyền.
Đồng thời, phân biệt giữa tính riêng tư của dữ liệu và an toàn bảo mật dữ liệu, phân biệt rõ ràng giữa chủ thể kiểm soát dữ liệu và chủ thể xử lý dữ liệu, từ đó xác định rõ trách nhiệm pháp lý của các chủ thể đó đối với chủ thể dữ liệu cá nhân. Thiết lập chế độ trách nhiệm pháp lý mặc nhiên của cơ quan nhà nước khi đăng tải văn bản chính sách về quyền riêng tư, hoặc khi họ cung cấp công cụ cho người dân thể hiện quyền của mình.
Tương tự, cần làm rõ mối quan hệ pháp lý giữa cơ quan nhà nước thu thập dữ liệu cá nhân với doanh nghiệp cung cấp nền tảng tương tác trên môi trường số. Bên cạnh đó cần xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan và chuẩn hóa quy trình, thủ tục minh bạch trong sử dụng, chia sẻ dữ liệu cá nhân trong các cơ quan nhà nước và với các chủ thể bên ngoài để khối dữ liệu và quyền riêng tư được bảo vệ trong quá trình lưu trữ, sử dụng, chia sẻ sau đó.
Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra khuyến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có thể chủ trì xây dựng các văn bản mẫu cho các cơ quan chính quyền địa phương sử dụng trong quá trình cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm quyền riêng tư, bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Đặc biệt, chính quyền địa phương cần áp dụng các biện pháp, công cụ cụ thể để đảm bảo tính chính danh, hợp pháp trong xử lý thông tin cá nhân; thu thập, sử dụng thông tin cá nhân với mục đích rõ ràng…
Báo cáo cũng khuyến nghị cần mở rộng hơn cách tiếp cận trong đánh giá việc bảo vệ thông tin, dữ liệu và quyền riêng tư trên môi trường điện tử, môi trường số của các cấp chính quyền nói chung và của chính quyền địa phương nói riêng. Có thể xem xét bổ sung các chỉ số, chỉ tiêu quan trọng về bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư vào mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, để chuyển đổi số được thành công cả về chất và lượng, đặc biệt là để đạt được mục tiêu tối thượng là bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân.
Chia sẻ những khuyến nghị của nhóm nghiên cứu, từ thực tế địa phương, ông Nguyễn Dương Anh - Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, bảo vệ dữ liệu cá nhân là yếu tố đặc biệt quan trọng trong việc tạo dựng niềm tin của người dân vào chính quyền điện tử. “Ví dụ, ứng dụng phản ánh hiện trường - một thành phần của ứng dụng dịch vụ đô thị thông minh (Hue-S) - đã tiếp nhận hơn 50.000 phản ánh của người dân từ năm 2021 đến nay. Kết quả này là nhờ chúng tôi bảo mật tuyệt đối thông tin về người phản ánh theo quy chế vận hành, khai thác dữ liệu cá nhân tỉnh đã ban hành”.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
