Tăng giá sách giáo khoa: Vì chất lên, hay lý do khác?
Theo Nhà xuất bản Giáo dục, chi phí đầu vào như nhân công, nguyên nhiên vật liệu, vận chuyển... đều tăng, khiến hoạt động xuất bản và phát hành sách giáo khoa bị lỗ những năm gần đây, từ 37-50 tỷ đồng/năm, nên việc tăng giá sách giáo khoa là “bất khả kháng”. Tuy nhiên, việc tăng giá lần này không nhận được nhiều sự ủng hộ, không hẳn do vấn đề tăng chi phí cho phụ huynh học sinh mà phần nhiều do băn khoăn chất lượng sách.
![]() |
Băn khoăn nội dung
Hiện nay, bộ sách giáo khoa của Việt Nam có rất nhiều điều cần bàn. Trong đó có chất lượng nội dung. Về hình thức, sách có thay đổi qua các năm nhưng còn quá nhiều “hạt sạn” trong mỗi trang sách.
Cụ thể như lỗi trình bày, diễn đạt, sử dụng chính tả, câu từ chưa phù hợp, có khi còn sai. Hình ảnh, câu từ gây sự phản cảm hoặc có cuốn sách đưa sai thông tin về kiến thức của cấp học, vẫn còn những nội dung đưa vào giảng dạy chưa phù hợp với tâm lý lứa tuổi...
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng này là khâu kiểm duyệt nội dung xuất bản tại các nhà xuất bản chưa chặt chẽ, để người dạy, người học khi đọc mới phát hiện ra những lỗi sai “tiểu tiết” ở mỗi trang sách.
Phụ huynh L.P.T, chia sẻ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có nhiều điểm bất cập, sai sót, “thua xa những thứ mà thời đói rách chúng ta được học năm xưa".
Chị L.P.T bức xúc khi phát hiện ra trong sách chứa nhiều nội dung mà đến bản thân chị còn cảm thấy khó hiểu, chứ chưa nói đến các cháu mới chập chững đi học. Theo quan điểm cá nhân, chị T đánh giá những câu chuyện trong sách không mang tính giáo dục và nhiều bài học vô nghĩa, dùng từ ngữ hết sức chợ búa.
“Lời lẽ trong câu chuyện được đánh giá rất phản cảm khi để 2 đứa trẻ xưng nhau bằng mày - tao, cách ngắt câu tương đối khó hiểu đối với trẻ. Còn nội dung chỉ chăm chăm dạy các cháu cách sống tiểu xảo thay vì lời hay ý đẹp”, chị L.P.T. nói.
Câu hỏi thực sự cần đặt ra ở đây, với chất lượng sách còn nhiều vấn đề bất cập như vậy, việc tăng giá sách có thực sự phù hợp trong thời điểm này. Phụ huynh và học sinh là những người trực tiếp mua và sử dụng sách, nhưng nếu chất lượng của nó ngày càng đi xuống, nhưng giá ngày càng tăng thì rất khó có thể chấp nhận với cơ chế độc quyền sách giáo khoa như hiện nay.
Tăng giá sách đơn thuần là bài toán kinh tế?
Qua tìm hiểu thì tổng doanh thu của Nhà xuất bản Giáo dục năm 2015 là 1041 tỷ đồng; 2016 là 1147 tỷ đồng; năm 2017 là 1203 tỷ đồng. Đặc biệt, theo thống kê, năm 2016 số lượng sách giáo khoa phát hành của Nhà xuất bản Giáo dục chiếm 56,4% toàn ngành xuất bản; năm 2017, con số này là 50,4%… Đây mới chỉ là sách giáo khoa, chưa kể sách tham khảo.
Theo tìm hiểu của phóng viên thoibaonganhang.vn, tỉ lệ rất cao phụ huynh phản đối việc sử dụng sách giáo khoa một lần vì cho rằng rất lãng phí. Mặc dù để tăng tỉ lệ sử dụng lại sách giáo khoa, Nhà xuất bản Giáo dục đã thực hiện in dòng khuyến cáo: “Hãy giữ gìn sách giáo khoa để dành tặng cho các em học sinh lớp sau” trên trang 1 của tất cả các cuốn sách giáo khoa, nhưng việc biên soạn, thiết kế các bài học, mục kiến thức trong các trang sách hiện nay lại không tạo ra điều kiện để sử dụng lại cuốn sách.
Trong nhiều trang sách để sẵn ô trống, dòng kẻ chấm để học sinh điền luôn đáp án hoặc câu hỏi trắc nghiệm để học sinh khoanh vào đáp án đúng. Như vậy, nếu bộ sách đó chuyển cho lớp sau học sẽ không còn tác dụng nhiều. Vì thế, hiện nay, đa số học sinh phải mua bộ sách mới để sử dụng chứ ít sử dụng lại, nhất là học sinh bậc tiểu học.
Đơn cử như năm 2018-2019 Nhà xuất bản giáo dục đưa ra thị trường 100 triệu bản sách giáo khoa. 100 triệu bản này sang năm hoàn toàn không được sử dụng mà nếu có thì là “bán đồng nát”.
Tính trung bình, mỗi năm phụ huynh chi 1.000 tỷ đồng để mua sách giáo khoa. Học sinh tiểu học ít nhất phải mua 6 cuốn; cấp trung học cơ sở 7-15 cuốn. Vậy mà mỗi năm số lượng sách nhiều như vậy, không được tái sử dụng, bị hết giá trị dạy và học, quả thực rất lãng phí.
Đại diện bộ tài chính, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá cho rằng: “Theo tính toán, việc thực hiện tăng giá sách giáo khoa sẽ tác động làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chung của cả năm khoảng 0,07%”.
Tổng cục Thống kê vào cuối năm ngoái đưa thông tin, CPI quý IV/2018 tăng 0,6% so với quý trước và tăng 3,44% so với quý IV/2017, trong đó nhóm giáo dục tăng 6,51% so với cùng kỳ năm trước, là nhóm có CPI tăng rất cao trong giai đoạn đó.
Trong nhiều năm trở lại đây, giáo dục là lĩnh vực có tác động đáng kể đến CPI, nhưng ngoài biểu hiện về mặt con số thì chi phí này cũng tác động rất lớn đến chi tiêu hộ gia đình, đặc biệt là hộ có thu nhập thấp. Tỷ trọng chi cho giáo dục tăng cũng đồng nghĩa với việc các gia đình phải tiết giảm chi phí khác, đặc biệt là chi tiêu sữa cho trẻ em.
Anh H.T, phụ huynh có con học tiểu học, cho rằng: “Trong thời điểm tháng 3 vừa qua, giá điện tăng, giá xăng tăng, giờ lại là giá sách giáo khoa thật sự sẽ là gánh nặng, nhất là đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn… “Giá sách tăng như vậy”, anh nói, “còn việc chất lượng sách cải thiện hay không thì chưa biết…”.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
