Sống xanh - tưởng đắt, hóa rẻ
Gia đình anh Phạm Văn Tạo vừa mua căn hộ có tổng diện tích 78m2 tại dự án chung cư EcoHome Phúc Lợi (Tập đoàn Capital House) thân thiện với môi trường. Điều đáng nói, mặc dù diện tích căn hộ khá thoải mái, gần gấp đôi so với căn phòng của gia đình anh trước đây nhưng chi phí điện nước sinh hoạt của gia đình không cao hơn, thậm chí có tháng còn ngang bằng, mặc dù giá điện thời gian gần đây đã tăng lên. Không chỉ có gia đình anh Tạo mà hàng trăm, hàng nghìn gia đình khác cũng đang lựa chọn cho mình những dự án thân thiện với môi trường, lấy ánh sáng và đón gió tốt, giúp cư dân sinh sống trong khu dự án không chỉ có sức khỏe tốt mà còn tiết kiệm được tối đa chi phí điện nước.
![]() |
Dự án Diamond Lotus Riverside của Phúc Khang với hơn 8.000 m2 mảng xanh |
Ông Đào Hùng Tiến, Phó tổng giám đốc phụ trách phát triển dự án của Tập đoàn Capital House cho biết, đối với những hộ gia đình có thu nhập từ thấp đến trung bình, khoản tiết kiệm chi phí sinh hoạt hàng tháng nhờ vào những lợi ích mà công trình xanh mang lại rất quan trọng. Đến nay, công ty cũng đã hoàn thành thêm ba công trình chung cư xanh tại Hà Nội và hiện đang thi công một công trình khác. Dự kiến, những công trình xanh sẽ là trọng tâm trong chiến lược phát triển bền vững của công ty.
Theo nhận định của các chuyên gia, giống như các quốc gia đang phát triển bùng nổ khác trên thế giới, Việt Nam đang trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Tầng lớp trung lưu đang gia tăng, dân số sống tại đô thị được dự báo sẽ tăng từ 34,7 triệu người vào năm ngoái lên 65,7 triệu người vào năm 2050. Điều đó có nghĩa là hơn một nửa dân số sẽ chuyển đến sống ở các khu vực đô thị. Như vậy, cần có thêm 12 triệu mét vuông diện tích sàn mỗi năm, đây cũng chính là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng của ngành xây dựng Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều công trình xây dựng hơn đồng nghĩa với việc những nhu cầu liên quan khác cũng gia tăng. Xây dựng và vận hành các công trình chiếm một phần ba tiêu dùng điện tại Việt Nam, và điều này đã thể hiện ở nhu cầu điện gia tăng trong những năm qua. Nhu cầu điện đã tăng 13%/năm kể từ năm 2000 và dự báo sẽ tăng hơn 8% từ nay cho đến 2030. Lĩnh vực xây dựng cũng góp phần vào mức tăng 12%/năm phát thải khí nhà kính của cả nước, mức tăng thuộc hàng cao nhất thế giới.
Mới đây, với sự hỗ trợ từ SECO, Tổ chức IFC cũng đã tư vấn cho Chính phủ Việt Nam xây dựng quy chuẩn mới về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả (EDGE), qua đó giúp ngành xây dựng cắt giảm phát thải khí nhà kính. Quy chuẩn là một phần trong các nỗ lực của Việt Nam nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính 8% vào năm 2030, phù hợp với các cam kết trong Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu. Được biết, chỉ trong 5 năm, EDGE đã được áp dụng cho gần 1,4 triệu mét vuông diện tích sàn tại Việt Nam – chiếm hơn 50% thị trường công trình xanh của cả nước. Các công trình nhận được chứng chỉ EDGE tại Việt Nam đã mang lại lợi ích cho 50.000 cư dân, những người đã tiết kiệm được gần 1,4 triệu đô la Mỹ hóa đơn tiền điện nước. Các công trình này cũng giảm tiêu dùng được 12.000 MWH điện một năm và giúp tránh phát thải được gần 10.000 tấn khí nhà kính một năm.
Ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng cho biết, xây dựng những tòa nhà đô thị trong thời gian tới phải hướng đến tiêu chí “xanh, bền vững và thông minh”. Hệ thống đánh giá công trình xanh EDGE là sự lựa chọn phù hợp cho các thị trường mới nổi như Việt Nam, nơi mục tiêu hướng đến là áp dụng các tiêu chuẩn công trình xanh cho phân khúc dự án nhà ở trung cấp và bình dân thay vì các dự án nhà ở cao cấp.
“EDGE nhanh chóng trở nên phổ biến tại Việt Nam là do hệ thống đi liền với một ứng dụng tính toán các giải pháp “xanh” kèm theo chi phí đầu tư và mức tiết kiệm cụ thể, một điều vốn chưa được cung cấp bởi các hệ thống đánh giá khác. Sự phát triển của các công trình xanh mang lại lợi ích chung cho nhiều bên”, ông Thịnh phân tích.
Một chủ đầu tư dự án đã áp dụng tiêu chuẩn xanh vào công trình xây dựng chia sẻ thêm, để các công trình có thể tồn tại bền vững, cần phải hòa hợp với môi trường. Việc áp dụng EDGE, giúp các dự án chỉ mất thêm khoảng 1% đến 1,5% chi phí xây dựng ban đầu nhưng mang lại lợi ích lớn hơn nhiều cho những người mua căn hộ. Ước tính những cư dân mới có thể tiết kiệm được từ 30% đến 40% - thậm chí đến 60% - hóa đơn tiền điện nước.
Ngoài Tập đoàn Capital House, hiện có khá nhiều chủ đầu tư cũng tập trung nỗ lực xây dựng các công trình xanh tại thị trường Việt Nam. Trong đó có thể kể đến một số Tập đoàn, Công ty BĐS như EZ Land, Phúc Khang, Nam Long... Rõ ràng, các DN BĐS trong nước đang dần nhận thức được các lợi ích của công trình xanh. Điều này cho thấy, công trình xanh đang trở thành xu hướng phát triển chung của thị trường BĐS không chỉ bởi lợi ích của chủ đầu tư, nhà phát triển dự án mà còn hướng đến nhu cầu, lợi ích của khách hàng, cũng như vì một thị trường phát triển bền vững.
Tin liên quan
Tin khác

Thị trường bất động sản bán lẻ Hà Nội tăng trưởng ấn tượng

Báo động mất cân đối cơ cấu nguồn cung nhà ở

Sẽ tháo gỡ triệt để nút thắt về nhà ở xã hội

Hà Nội sẽ xây thêm hầm chui, mở rộng làn đường Hoàng Quốc Việt

Đất nền miền Bắc trỗi dậy mạnh mẽ

Phát triển nhà ở xã hội: Tăng lợi nhuận cho chủ đầu tư có phải là giải pháp căn cơ?

Vista Residence Da Nang: Giá trị thặng dư bền vững hay “cơn sốt” nhất thời?

Ra mắt siêu đô thị Sun Mega City rộng 1690ha - biểu tượng thịnh vượng phía Nam Hà Nội

Bất động sản TP. Hồ Chí Minh: Sức cầu ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực
