Sám hối trước con sông
Chẳng cần phải tìm hiểu nhiều, ai cũng biết Hà Nội đang rùng rình phát triển theo chiều cao với những mục tiêu về một siêu đô thị thông minh. Những mỹ từ đẹp đẽ vẫn được vẽ ra để chỉ về thành phố tương lai mà nhiều người kỳ vọng và với một số người là sự mơ ước. Tất cả mọi thứ sẽ đều thuận tiện, ngăn nắp, sang trọng, phục vụ cho nhu cầu ngày càng cao của cư dân. Cũng chẳng cần miêu tả rậm lời, ai cũng biết có quá nhiều cao ốc vừa như sang trọng vừa như khô cứng đang mọc lên, với những khu đô thị đông đúc chật chội. Rồi ở nơi này nơi kia, các khu biệt thự đắt đỏ, khu phức hợp với thiết kế hiện đại tuyệt đẹp phục vụ giới thượng lưu, cả những khu nhà ở hạng 5 sao chỉ cần “a lô” là có người phục vụ…
Biết bao thứ “cao cấp” được tô vẽ, quảng cáo cực kỳ mỹ miều cố gắng chen chân trong cuộc sống hiện đại. Cao ốc chen chân với con người. Cao ốc đôi khi vượt xa khỏi tầm nhìn của con người để đón ánh mặt trời. Con người càng ngước lên. Lên mãi. Đến nỗi, hình như không còn biết nhìn xuống, dưới chân mình, dưới chân thành phố còn thảng thốt những điều bình dị mà lớn lao của thiên nhiên. Đó là những dòng sông đang kêu cứu. Hoặc chết đến mấy lần vì không ai cứu, hoặc không thể cứu được.
Các con rạch làm nhiệm vụ thoát nước hoặc bị lấp để làm nhà, làm đường, bãi đỗ xe ô tô; hoặc được bê tông hóa, chạy ngầm để chúng khỏi “nói”. Chúng không nói được bằng tiếng. Mà bằng mùi. Đúng hơn, kênh rạch trong thành phố Hà Nội đang bị “bịt miệng” theo cái nghĩa đớn đau nhất. Thực tế là những năm qua, người ta có tính toán đến chuyện giải cứu môi trường, kênh rạch, thế nhưng thay vì hoàn nguyên, trả lại vẻ đẹp như xưa, cải tạo để sông và kênh rạch hết ô nhiễm thì lại bê tông hóa, cho chúng chạy ngầm dưới đất coi như chẳng còn ai nhìn thấy cái vẻ xấu xí của kênh rạch nữa.
![]() |
Do xử lý xả thải kém nên sông Kim Giang ô nhiễm nặng |
Chỉ những con sông không bịt được như Tô Lịch, Kim Ngưu, Kim Giang, hay sông Nhuệ, dù rằng từ lâu đã mất hết vẻ lãng mạn. Nên sông vẫn nói bằng thứ mùi khủng khiếp của chúng. Mùi sông là mùi kêu cứu. Vì chúng quá lớn, nhiệm vụ của chúng quá cao cả. Đã có những dự án nhằm giải cứu các dòng sông nhưng dường như đều bó tay. Người ta vẫn gọi là những dòng sông chết. Có phải con người nhẫn tâm quá không, khi tìm đủ cách để được sống sang trọng, sung sướng, thì nhường phần khổ ải cho sông. Ước mơ về một con sông trong lành chảy trong thành phố vẫn là một sự xa xỉ mà không ai biết đến bao giờ mới trở thành hiện thực.
Tôi đã đi đến nhiều vùng đất, họa hoằn lắm mới có những con sông trong lành còn được nằm yên để soi mây trời, không bị đánh thức bởi dòng nước đen của nhà máy, các khu công nghiệp, khu khai thác mỏ hoặc cát sỏi. Và ở nơi nào càng đông đúc, ý thức người dân càng kém thì nơi ấy vết thương của sông càng sâu.
Bây giờ tôi sinh sống ở một nơi mà ngày trước được coi là đô thị kiểu mẫu của Hà Nội: Khu đô thị Linh Đàm. Nơi đây có dòng Kim Giang chảy qua. Chỉ đi vài cây số dọc sông Kim Giang là đến nút giao với sông Nhuệ. Chúng tôi đã gõ cửa nhiều cơ quan chức năng, hỏi chuyện rất nhiều người để tìm phương cách cứu sông Nhuệ, giúp sông Nhuệ bớt nghẽn, bị lấn chiếm, bị làm cho ô nhiễm…
Hơn chục năm qua kể từ ngày những kế hoạch, dự án lớn nhỏ được triển khai, con sông vẫn vậy. Đến hơn 70% sông, hồ, kênh rạch của Hà Nội vẫn chịu cái án ô nhiễm và Kim Giang phải chung số phận. Đã có lúc tôi mơ tưởng về dòng văn học sám hối. Con người cần sám hối trước thiên nhiên với biết bao chuyện vừa giận vừa thương. Nhưng là giận nhiều hơn bởi con người tham lam vắt kiệt tài nguyên và hít thở đến tận cùng những bãi bờ ngọt mát, luồng khí tinh khiết để rồi nhả ra sự nhẫn tâm ô uế.
Song, ước mơ vẫn chỉ là ước mơ, bởi ở đâu đó con người chưa hồi tỉnh và ngay đây trước dòng Kim Giang, ô uế vẫn được đổ ra ở đó với bao dòng nước đen kịt, để tạo nên dòng nước lớn hơn đen đúa. Đã xa rồi cái thuở trẻ con xuống tắm, trai tráng kéo vó bắt cá. Phía kia, sông Nhuệ chảy qua Hà Đông, Thanh Trì không còn cảnh trên bến dưới thuyền năm nào. Sự đẹp đẽ nguyên sơ trữ tình đó chỉ còn là một miền quá vãng mà người già sẽ tiếp tục kể cho đám trẻ con. Rồi đến lúc trẻ con cũng đứa nhớ đứa quên và trở nên quên hẳn. Cái đẹp bị xếp vào quá khứ. Nỗi đau và tiếc nuối vẫn sẽ lớn thêm trong muôn trăn trở của những người yêu sông.
Đô thị sẽ là siêu đô thị. Đô thị sẽ thông minh. Cũng sẽ bị cho là điều quái gở nếu tôi ước có những con sông thông minh, hay một dòng “siêu sông” nào đó được đầu tư nạo vét, thau rửa, để đến nỗi cá tôm có thể vùng vẫy, hay bên bờ được trồng hoa, chim trời đến đậu. Liệu có ai dám đầu tư vào cái dự án sẽ tốn rất nhiều tiền ấy, mà lợi nhuận thu về không phải là tiền, mà chỉ là vẻ đẹp? Chắc chắn khó. Khó lắm. Bởi các đại gia vẫn chú tâm cho những dự án thu lời nhanh. Nên sông đành xếp sau vậy.
Bởi đó, tôi thật lòng sám hối trước con sông. Tôi đã không thể dùng ngòi bút mình để cứu sông, để nhiều người hơn nữa biết sông quan trọng biết nhường nào, mà có thêm hành động để sông được hiện diện một cách thoải mái trong cuộc đời này. Tôi, không thể giúp sông cất lên tiếng nói của mạch nước thành phố triệu dân và có tiếng hòa bình, với rất nhiều di sản. Sông, chắc chắn rồi, cũng là di sản của mỗi chúng ta. Sám hối trước sông, để hành động, cũng là cách chúng ta sám hối và trả ơn di sản.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
