Rủi ro rình rập các trường công tự chủ tài chính
![]() | Đại biểu Quốc hội: Vẫn có hiện tượng cào bằng trong xã hội hóa giáo dục |
![]() | Khi trường học bắt tay doanh nghiệp |
Tự chủ hình thức và rủi ro “vượt rào”
Những vấn đề trên được nêu lên tại Hội thảo khoa học “Cơ chế tài chính đối với trường đại học công lập - Vấn đề đặt ra và vai trò của Kiểm toán Nhà nước”, do Kiểm toán Nhà nước tổ chức ngày 19/3/2019.
![]() |
Khá nhiều trường thực hiện các khoản thu ngoài quy định |
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, đa số hiện nay chỉ quan tâm việc các trường đại học công lập tự chủ về tài chính mà không nhìn đến sứ mệnh của các trường đại học là giáo dục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng. Trong khi, hiện các trường tự chủ cũng đang bị bỏ mặc, thiếu sự quan tâm của các bộ, ngành và địa phương. Các trường phải tự lo để tự chủ được tài chính và đảm bảo chất lượng đào tạo nhưng lại bị bó buộc ở nhiều quy định luật pháp hoặc mâu thuẫn nhau, hoặc không phù hợp.
Kiểm toán Nhà nước chỉ ra, tuy đã được giao tự chủ song trên thực tế hoạt động các trường vẫn chịu sự điều chỉnh của nhiều Luật như: Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Quản lý sử dụng tài sản nhà nước (được thay thế bởi Luật Quản lý sử dụng tài sản công), Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Viên chức và các luật về thuế, tài chính…
Vì lẽ đó nên dù theo cơ chế các trường đại học công lập tự chủ về tài chính được tự chủ về mặt tổ chức cán bộ, tổ chức, tuyển dụng nhân sự…, tuy nhiên các trường không thể làm khác các quy định về Luật Công chức, Viên chức. Tại hầu hết các trường đại học công lập, việc tuyển dụng và bộ máy vẫn phụ thuộc vào cơ quan quản lý cấp trên.
Hay như theo cơ chế tự chủ, các trường được quyền quyết định việc đầu tư các dự án bằng nguồn thu hợp pháp, nhưng vẫn phải xin chủ trương và phê duyệt kế hoạch đầu tư trung hạn theo Luật Đầu tư công.
“Dù dự án của các trường quy mô nhỏ như mua thiết bị, công nghệ cho phòng thí nghiệm, và dù dùng nguồn từ quỹ phát triển trường tiết kiệm được cũng phải tuần tự các bước theo Luật Đầu tư công… Đến khi xong thủ tục, đấu thầu được thì thiết bị công nghệ đã lạc hậu”, PGS.TS. Phạm Xuân Hoan (Trường Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết.
Bên cạnh đó, quy định chính sách cũng không đầy đủ cho các hoạt động thực tiễn khiến hoặc các trường thu học phí vượt quy định, hoặc thu các khoản bị cho là ngoài quy định như thu học lại, thu cải thiện điểm, thu tiền nhập học, tiền làm thẻ, tài liệu cho sinh viên. Các khoản thu này, theo kết quả kiểm toán tại một số trường đại học công lập lên tới hơn 14,5 tỷ đồng.
“Những khoản thu này, là hoạt động thật, nhu cầu có thật, để thực hiện các hoạt động này các trường phải bỏ chi phí thật, nếu không thu thì có khi không đủ bù chi, nhưng thu thì rủi ro cho người đứng đầu”, TS. Lê Đình Thăng (Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành 3 - Kiểm toán Nhà nước) cho biết.
Hệ thống các tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở để trường thực hiện chưa được ban hành kịp thời. Thực tế này đẩy những người đứng đầu vào 2 tình huống, hoặc sẽ phải “vượt rào”, nhưng có khi vướng pháp luật. Hoặc sẽ thụ động không dám làm gì như thế sẽ hạn chế về thực hiện chức năng nhiệm vụ, không đáp ứng được yêu cầu đào tạo trong điều kiện mới, hoàn cảnh mới.
Đánh đồng tự chủ với tự lo tài chính
Trong khi không được tự chủ thực sự thì “trào lưu tự chủ hiện nay dường như có sự đánh đồng giữa tự chủ với tự lo về tài chính, làm ảnh hưởng đến mô hình phát triển của trường đại học”, PGS. Hoan phát biểu.
Đồng quan điểm này, ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, các trường chỉ được tự chủ xác định mức học phí trong khung định mức do Nhà nước quy định. Nhưng “khung này chưa tính đúng, tính đủ mức chi phí thực tiễn cần thiết để bảo đảm chất lượng đào tạo”.
Cũng cho rằng quan niệm tự chủ tức là tự lo về tài chính là hoàn toàn không phù hợp với trường đại học công lập, đại diện Đại học Luật TP.HCM cho rằng, hệ lụy từ cách hiểu này sẽ là cắt giảm ngân sách đầu tư cho giáo dục đại học, khởi động cuộc đua tăng học phí để tăng nguồn thu và dẫn đến hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh.
Một số trường, ngành đào tạo có nhu cầu cao trong xã hội, ngành “hot” thu hút được nhiều sinh viên thì có số thu học phí lớn, thu nhập của giảng viên cao. Tuy nhiên có một số trường đại học công lập, một số ngành đào tạo mà nhu cầu xã hội không cao thì khó khăn trong việc thu hút sinh viên, nguồn thu thấp, dẫn đến thu nhập của giảng viên thấp...
“Tất cả những tồn tại, hạn chế này xuất phát từ việc thiếu một cơ chế tự chủ rõ ràng, tường minh đối với các trường đại học công lập”, GS.TS. Đoàn Xuân Tiên, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh.
Vì vậy, để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong đào tạo đại học, nhiều ý kiến đề xuất cần tạo cơ chế để các trường được tự chủ xác định mức học phí hợp lý, tương xứng với chất lượng đào tạo.
Bên cạnh đó, có cơ chế để các trường được vay vốn ưu đãi khi đầu tư, phát triển trường thay vì dồn mọi khoản đầu tư này lên chi phí của người học. Đồng thời hoàn thiện cơ chế chính sách để hạn chế những vướng mắc trong quá trình thực hiện cơ chế tự chủ tại các trường đại học như chính sách về lao động, tiền lương, công chức, viên chức, chính sách học bổng, hỗ trợ học tập; chính sách đầu tư công, chính sách về xã hội hoá, thành lập doanh nghiệp trực thuộc… Thay việc hỗ trợ từ NSNN theo mức độ tự chủ của các trường đại học công lập sang việc ban hành danh mục các đối tượng được hưởng sự hỗ trợ của Nhà nước trong sử dụng dịch vụ công.
Từ đó thay đổi cách hỗ trợ của Nhà nước cho người học qua cách khống chế trần học phí ở mức thấp hiện nay sang cách hỗ trợ trực tiếp cho sinh viên cần hỗ trợ. Đồng thời đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính cho các trường tự chủ tài chính.
Tin liên quan
Tin khác

Phá sập đường dây mua bán tài khoản ngân hàng để lừa đảo
