Quy hoạch tổng thể cảng hàng không - Cần sát thực tiễn
Vai trò quan trọng
Những năm qua, sân bay quốc tế Đà Nẵng là cửa ngõ quan trọng kết nối giao thương nhiều tỉnh, thành miền Trung với các địa phương khác và nhiều nước trên thế giới. Xác định vai trò quan trọng này trong phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã nhiều lần phê duyệt, nâng cấp công suất Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng để đáp ứng nhu cầu thực tế.
Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng cho biết, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng giữ vai trò chiến lược mang tính sống còn về an ninh quốc gia không thể thay thế. Đây là một trụ cột để quản lý điều hành vùng thông báo bay có phạm vi biên giới trên không phận gần 1 triệu km2. Cùng với sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Đà Nẵng là sân bay dự bị cho các chuyến bay quốc tế trên trục đường bay A1/P901/A202.
![]() |
Sân bay quốc tế Đà Nẵng đóng vai trò quan trọng không riêng đối với TP. Đà Nẵng mà cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên |
Theo Sở Giao thông vận tải TP. Đà Nẵng, công suất Sân bay Đà Nẵng năm 2019 đạt 15,53 triệu hành khách/năm (công suất thiết kế, xây dựng năm 2016 - 2017 khoảng 10 triệu khách/năm); công suất theo quy hoạch đến năm 2030 tại Quyết định 236/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là 28 triệu khách/năm; công suất theo điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15/3/2021 là 30 triệu khách/năm. Cùng với đó, tiếp tục nâng cấp sân bay đạt chuẩn cấp 4E, là cảng hàng không cửa ngõ quốc tế, quy mô diện tích đất dự kiến khoảng 856ha.
Với vai trò quan trọng không thể phủ nhận, nhưng vừa qua, đơn vị tư vấn lập dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã đề xuất đưa sân bay Đà Nẵng ra khỏi phân cấp cảng hàng không quốc tế cửa ngõ. Theo dự thảo quy hoạch đến năm 2030, trong 26 sân bay có 3 sân bay quốc tế cửa ngõ gồm Nội Bài (Hà Nội), Long Thành (Đồng Nai) và Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh). Đến năm 2050, trong 30 sân bay có 5 sân bay quốc tế cửa ngõ, bao gồm 3 sân bay nói trên và Chu Lai (Quảng Nam) và Cam Ranh (Khánh Hòa).
Theo chuyên gia Trần Dân, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường TP. Đà Nẵng, đặc điểm của Đà Nẵng là điểm cuối hành lang kinh tế Đông -Tây từ Myanmar qua Thái Lan, Lào, Việt Nam và đến Đà Nẵng. Không những là điểm kết nối đường bộ, đường biển mà còn là đường hàng không, nên Đà Nẵng có vai trò rất quan trọng. Do đó, việc quy hoạch đưa Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng ra khỏi cảng cửa ngõ quốc tế là không có cơ sở thuyết phục.
Đề nghị làm đúng theo các quyết định
Để góp ý đối với dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 của đơn vị tư vấn, UBND TP. Đà Nẵng vừa có Văn bản số 1326/UBND-SGTVT gửi Bộ Giao thông - Vận tải. Trong đó, Đà Nẵng đề nghị Bộ này và đơn vị tư vấn quy hoạch làm đúng theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và quy định của các luật liên quan.
Theo văn bản này, UBND TP. Đà Nẵng cho rằng, việc “Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” cần đặt ra mục tiêu, định hướng rõ ràng cho việc phát triển theo các mô hình, xu thế mới theo kinh nghiệm các sân bay tiên tiến trên thế giới; tạo động lực phát triển cho địa phương, vùng nói riêng, cho lĩnh vực giao thông vận tải nói chung, đóng góp vào phát triển kinh tế, xã hội đất nước trong thời kỳ mới.
Cùng với đó, cần nghiên cứu đặc thù của các sân bay để xác định các mô hình, xu hướng phát triển thích hợp cho mỗi sân bay, thay vì phát triển hầu hết giống nhau như hiện nay trên toàn quốc. Vậy nên, đối với các sân bay trong đô thị, đặc biệt sân bay Đà Nẵng cần có định hướng phát triển thích hợp, hiệu quả (như mô hình đô thị sân bay); khắc phục các hạn chế chỉ phục vụ mục đích giao thông, phát triển tách biệt và không có vai trò là động lực cho phát triển đô thị xung quanh.
Địa phương cũng cho rằng, dự thảo của đơn vị tư vấn đề xuất đưa Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng ra khỏi phân cấp cảng hàng không quốc tế cửa ngõ với lý do “phù hợp với nguồn lực đầu tư và công suất, quy mô tối đa của Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng” là chưa phù hợp với Luật Hàng không dân dụng cũng như thực tế của Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.
Cùng với đó, đơn vị tư vấn chưa xem xét đến điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự thảo trên cũng chưa phù hợp với Nghị quyết số 43/NQ-TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với quan điểm “kết nối chặt chẽ với các cực tăng trưởng, các trung tâm phát triển, các thành phố lớn trong cả nước và khu vực Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương…
Do đó, UBND TP. Đà Nẵng đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam giữ nguyên Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là cảng hàng không quốc tế, cửa ngõ quốc gia như hiện nay theo Quyết định số 236/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và quy định của Luật Hàng không dân dụng.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
