Quảng Nam “lót ổ” chờ nhà đầu tư
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã ra quyết định ban hành danh mục các dự án thu hút đầu tư, ưu tiên đầu tư vào địa phương giai đoạn 2024 - 2025. UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các Khu Kinh tế và Khu công nghiệp Quảng Nam, các sở, ban, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào các dự án…
Theo quyết định, có tổng cộng 233 dự án gồm nhiều lĩnh vực. Trong đó, có các dự án lớn, đáng chú ý như: Dự án đầu tư, khai thác cảng hàng không Chu Lai. Dự án này đầu tư 1 đường cất hạ cánh mới phía đông sân bay, hệ thống đường lăn (đường lăn song song, đường lăn nối), sân đỗ tàu bay (32 - 40 vị trí đỗ), nhà ga hành khách đáp ứng 10 triệu hành khách/năm, nhà ga hàng hóa...
Dự án tuyến luồng Cửa Lở cho tàu 5 vạn tấn gắn với khu phi thuế quan Tam Hòa. Theo đó, đầu tư nạo vét tuyến luồng Cửa Lở phục vụ cho tàu 5 vạn tấn; đầu tư xây dựng bến cảng phục vụ cho tàu 5 vạn tấn tại khu bến Tam Hòa; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Khu phi thuế quan Tam Hòa...
Ngoài ra, còn có thể kể đến dự án đầu tư cụm cảng đường thủy nội địa khu vực Hội An tại vị trí dọc các tuyến sông Thu Bồn, Cổ Cò và tại xã đảo Tân Hiệp; tiếp nhận tàu khách trọng tải 400 ghế; đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng bến cảng phục vụ các tuyến đường thủy nội địa…
Trước đó, tại lễ công bố quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Quảng Nam cũng trao quyết định chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/thỏa thuận nghiên cứu địa điểm đầu tư cho các nhà đầu tư của 16 dự án tiêu biểu, với tổng vốn đầu tư hơn 20 nghìn tỷ đồng.
![]() |
UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành danh mục các dự án thu hút đầu tư, ưu tiên đầu tư vào địa phương. |
Trong đó, đáng chú ý Tập đoàn Thaco được trao chứng nhận đăng ký đầu tư 7 dự án ở lĩnh vực công nghiệp, với tổng vốn hơn 3, 9 nghìn tỷ đồng; Công ty cổ phần Tập đoàn Bin Corporation cũng được Quảng Nam trao thỏa thuận nguyên tắc nghiên cứu địa điểm đầu tư dự án đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Nam Thăng Bình, với tổng vốn đầu tư hơn 6,8 nghìn tỷ đồng.
Nỗ lực thu hút đầu tư, thời gian gần đây tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các địa phương tập trung đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đảm bảo tạo mặt bằng sạch để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, địa phương cũng đề xuất với Chính phủ điều chỉnh tăng chỉ tiêu đất công nghiệp, nhằm đảm bảo điều kiện xin chủ trương đầu tư xây dựng các khu công nghiệp mới, thu hút nhà đầu tư nước ngoài đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để các nhà đầu tư nước ngoài thu hút thêm các nhà đầu tư khác có tiềm năng khác đầu tư vào Quảng Nam.
Đặc biệt, Quảng Nam đã dành quỹ đất lớn để thu hút đầu tư các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào loạt dự án hạ tầng khu công nghiệp. Trong đó, có thể kể đến như Dự án đầu tư xây dựng và Kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Nam Thăng Bình tại huyện Thăng Bình (655 ha), với mục tiêu đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp theo loại hình Khu công nghiệp sinh thái.
Dự án Kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Sông Trà tại thôn Trà Huỳnh, xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức (50 ha), với mục tiêu hình thành hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp đồng bộ, khai thác quỹ đất với các điều kiện hạ tầng kỹ thuật phù hợp, tạo môi trường thuận lợi trong thu hút đầu tư, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế xã hội…
Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam, địa phương hiện có 1.349 dự án đầu tư còn hiệu lực (200 dự án FDI, tổng vốn hơn 6,2 tỷ USD và 1.149 dự án đầu tư nội địa với tổng vốn 230 nghìn tỷ đồng… Đây là một nguồn lực rất lớn để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương trong thời gian qua.
![]() |
Phát triển mạnh ngành công nghiệp ô tô trên cơ sở nền tảng cơ khí chính xác, tự động hóa và quản trị hiện đại là một trong những ưu tiên của Quảng Nam. |
Tuy nhiên, thời gian gần đây số lượng nhà đầu tư, doanh nghiệp đến xứ Quảng đang có xu hướng giảm dần trong các năm gần đây… Tình hình thu hút đầu tư ở Quảng Nam, đặc biệt thu hút vốn FDI sụt giảm do tác động của suy thoái kinh tế, áp lực lạm phát, điều kiện tài chính thắt chặt, gián đoạn trong chuỗi giá trị cung ứng sản xuất… dẫn đến nhà đầu tư hạn chế đầu tư mới, đầu tư mở rộng để tránh rủi ro. Đặc biệt, tại Quảng Nam kinh tế địa phương tập trung vào các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, công nghiệp. Trong đó, đối với lĩnh vực dịch vụ du lịch, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng làm cho thị trường lĩnh vực này suy giảm, chưa kịp phục hồi nên các nhà đầu tư cân nhắc lại thời điểm đầu tư.
Bên cạnh đó, hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp gặp nhiều khó khăn. Việc thiếu quỹ đất tái định cư nên không thể di dời dân trong vùng dự án, dẫn đến chưa có mặt bằng để giao cho nhà đầu tư…
Theo ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, tỉnh sẽ tập trung thực hiện các giải pháp trong tổ chức triển khai quy hoạch để thu hút các nhà đầu tư. Đồng thời, tạo các điều kiện thuận lợi nhất về chính sách, môi trường đầu tư, kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật, với phương châm phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường.
Quảng Nam cũng đã xác định ưu tiên thu hút các ngành kinh tế số, các ngành phát triển trên nền tảng công nghệ 4.0 như công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ môi trường, năng lượng sạch,... Đồng thời, địa phương sẽ tập trung phát triển mạnh ngành công nghiệp ô tô trên cơ sở nền tảng cơ khí chính xác, tự động hóa và quản trị hiện đại. Cùng với đó là phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của cơ khí, hình thành chuỗi liên kết để sớm hình thành trung tâm công nghiệp cơ khí đa dụng và công nghiệp phụ trợ ngành cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai mang tầm quốc gia và khu vực.
Tin liên quan
Tin khác

Phấn đấu hết tháng 5/2025 không còn hồ sơ hoàn thuế tồn quá hạn

Sẽ có nghị định mới về quản lý ODA, vốn vay ưu đãi

Niềm tin vào đồng USD đang lung lay

Bệ phóng cho tăng trưởng năm 2025

Chuẩn hóa quy định nghề hoạch định tài chính cá nhân theo tiêu chuẩn quốc tế

GS.TS Tô Trung Thành: Phát huy nội lực để tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025

Ưu tiên thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp
Lập Ban chỉ đạo về giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng
