Quảng Bình: Nỗ lực gỡ khó, tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn cho doanh nghiệp
Theo số liệu từ NHNN chi nhánh Quảng Bình, tính đến 31/8/2023, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 61.155 tỷ đồng, tăng 9,5% so với đầu năm. Tổng dư nợ đạt 81.218 tỷ đồng, tăng 3,1% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ ngành nông, lâm, ngư, diêm nghiệp 6.011 tỷ đồng, chiếm 7,4%; dư nợ ngành công nghiệp, xây dựng 16.027 tỷ đồng, chiếm 19,7%; dư nợ ngành dịch vụ khác 59.180 tỷ đồng, chiếm 72,9% tổng dư nợ…
Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 8.500 doanh nghiệp. Trong đó, gần 2.000 doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với ngân hàng, dư nợ 30.037 tỷ đồng, chiếm 37,0% tổng dư nợ. Phần lớn các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp hơn thị trường.
Ông Lương Hải Lưu, Phó Giám đốc phụ trách NHNN chi nhánh Quảng Bình, cho biết nhằm tăng cường khả năng cung ứng vốn cho phát triển kinh tế, phục hồi sản xuất, kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn cho doanh nghiệp cũng như người dân, NHNN chi nhánh Quảng Bình thường xuyên chỉ đạo các TCTD trên địa bàn hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế địa phương; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro...
![]() |
Ngành Ngân hàng trên địa bàn Quảng Bình đang nỗ lực cung ứng vốn cho nền kinh tế địa phương. |
Thực hiện Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, tính đến 31/8/2023, các TCTD trên địa bàn đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 292 khách hàng với tổng giá trị nợ đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ lũy kế đạt 273 tỷ đồng. Trong đó, có 63 khách hàng doanh nghiệp đạt 137 tỷ đồng; Tổng số dư nợ của khách hàng có khoản nợ không bị chuyển sang nhóm nợ xấu do được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ 465 tỷ đồng. Trong đó, của khách hàng doanh nghiệp 388 tỷ đồng…
Bên cạnh đó, triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, các TCTD trên địa bàn cũng đã nỗ lực vào cuộc. Đến 31/8/2023, có 8 khách hàng được hỗ trợ với dư nợ được hỗ trợ lãi suất 51.732 triệu đồng…
Đặc biệt, đẩy mạnh triển khai kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, ngay từ đầu năm 2023, NHNN chi nhánh tỉnh đã tổ chức Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trên địa bàn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Thông qua hội nghị đã thúc đẩy các TCTD tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như, giảm lãi suất, tích cực tăng trưởng tín dụng, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng... Ngay tại hội nghị, các bên liên quan đã tổ chức lễ ký kết thỏa thuận cấp tín dụng giữa Vietinbank Quảng Bình và Tập đoàn Sơn Hải cho các gói thầu thuộc dự án “Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021- 2025”, với số vốn 1.500 tỷ đồng; giữa Vietcombank Quảng Bình và Công ty cổ phẩn Dũng Nguyệt Anh cho dự án Nhà máy sản xuất viên nén gỗ với số vốn 110 tỷ đồng...
![]() |
Quảng Bình đã tổ chức Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp lần thứ 2 trong năm 2023. |
Gần đây nhất, tiếp tục tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, NHNN chi nhánh tỉnh đã tổ chức Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp lần thứ 2 trong năm 2023. Dự hội nghị có ông Phan Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, lãnh đạo các sở ban ngành, đại diện các TCTD cùng nhiều doanh nghiệp trên địa bàn… Tại hội nghị, NHNN chi nhánh Quảng Bình đã báo cáo tình hình cung ứng vốn, kết quả triển khai các giải pháp diều hành nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp cũng như người dân. Đại diện các TCTD trên địa bàn cũng đã giải đáp cụ thể những vướng mắc trong việc kết nối, tiếp cận nguồn vốn vay cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Cũng tại hội nghị này, đánh giá cao những nỗ lực của ngành Ngân hàng trên địa bàn trong thời gian qua, ông Phan Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu các sở ban ngành có liên quan tăng cường phối hợp với ngành Ngân hàng tiếp tục triển khai những giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…
Với nhiều nỗ lực của ngành Ngân hàng là vậy, song trên thực tế hiện nay tại Quảng Bình cũng như các địa phương khác cả nước, việc tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn cho doanh nghiệp vẫn còn gặp những khó khăn nhất định. Ngoài những khó khăn chung như, ảnh hưởng từ thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, sự sụt giảm của các doanh nghiệp khiến cho số lượng lao động nghỉ, giãn/ mất việc tăng lên, dẫn đến sự sụt giảm cầu tiêu dùng cũng như cầu tín dụng… thì tại Quảng Bình đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ còn những hạn chế khi tiếp cận vốn ngân hàng. Việc tiếp cận tín dụng của nhóm doanh nghiệp này còn hạn chế do, quy mô vốn nhỏ, vốn chủ sở hữu và năng lực tài chính, quản trị, điều hành hạn chế; thiếu phương án kinh doanh khả thi, chưa có kế hoạch ứng phó với biến động thị trường, khả năng liên kết với chuỗi sản xuất còn hạn chế. Chưa hết, thông tin về tình hình tài chính các doanh nghiệp còn thiếu minh bạch làm ảnh hưởng đến khả năng thẩm định của TCTD để đánh giá thực chất tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp…
![]() |
Du lịch một trong những thế mạnh của Quảng Bình. |
Tiếp tục nỗ lực cung ứng vốn cho nền kinh tế địa phương, cũng theo ông Lương Hải Lưu, trong thời gian tới, ngành Ngân hàng trên địa bàn tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng. Tiếp tục rà soát, cắt giảm phí, lệ phí không cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Đồng thời, rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi cho khách hàng tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn; áp dụng công nghệ vào quy trình cho vay, tiến tới tự động hóa toàn bộ quy trình vay vốn, giúp tăng tốc độ xử lý hồ sơ, gia tăng trải nghiệm khách hàng.
Tin liên quan
Tin khác

Ngân hàng tiếp sức, doanh nghiệp cất cánh

Đưa đồng vốn ngân hàng phát triển vùng phên dậu của Tổ quốc

OCB và VinaCapital hợp tác chiến lược, gia tăng lợi ích cho khách hàng ưu tiên

Gần 1,3 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH

NHNN Khu vực 4: Ổn định tổ chức, duy trì hiệu quả hoạt động với mô hình mới

Ngân hàng Nhà nước Khu vực 2 tổ chức chuỗi sự kiện hướng tới ngày Thống nhất đất nước

Thắp sáng giấc mơ an cư từ dòng vốn chính sách

Agribank hỗ trợ 1,5 tỷ đồng mua ghe Ngo cho đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh

NHCSXH Quảng Ngãi: Lan tỏa phong trào “Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà”
