agribank-vietnam-airlines

Nơi ấy là địa đầu Tổ quốc

Bùi Sim Sim
Bùi Sim Sim  - 
Nằm ở địa đầu vùng Tây Bắc của Tổ quốc, “gạch nối” của hai điểm du lịch nổi tiếng là Sa Pa và Điện Biên Phủ, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 450km, ấy vậy mà Lai Châu -  khi nhắc đến, vẫn chỉ là cái tên gợi nhớ về một “vùng sâu vùng xa” mà sản vật nổi danh là những gì thuộc về “nghèo khó”… 
aa

Ngay cả thời điểm trước năm 2004, khi chưa tách thành 2 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, thì tên gọi của tỉnh lớn thời bấy giờ tuy vẫn mang tên Lai Châu, nhưng thủ phủ của tỉnh lại ở Điện Biên, nên dường như mọi thuận lợi ưu ái đều tập trung vào đó cả.

Để rồi, sau khi tách tỉnh, Lai Châu lãnh trọn phần phía Bắc, thành tỉnh có vị trí quan trọng về địa lý và an ninh quốc phòng với 265,095 km đường biên giới giáp với Trung Quốc. Còn phần phía Nam, thuận lợi hơn, gần Hà Nội hơn thì lại thuộc… tỉnh Điện Biên (!).

Nơi ấy là địa đầu Tổ quốc
Một trong những ngôi nhà của người dân tộc thuộc bản San Thàng hay còn gọi là bản Phố Đá còn giữ nguyên nét nguyên sơ

Với địa thế như vậy, nên sẽ không lấy gì làm lạ khi lâu nay Lai Châu vẫn được xem là một trong những tỉnh khó khăn nhất của cả nước, tỷ lệ hộ nghèo cao, chi phí sinh hoạt đắt đỏ vào hạng cao, thậm chí còn đắt đỏ hơn Hà Nội (ở mức 100%); trong đó hàng may mặc, vật liệu xây dựng, giao thông và thiết bị đồ dùng gia đình là 4 nhóm hàng có mức giá cao hơn từ 1-8%.

Năng lực cạnh tranh của Lai Châu theo đó cũng thuộc nhóm cuối bảng xếp hạng (13/14) tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, và 61/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Còn nếu nhìn trên bản đồ du lịch của Việt Nam thì Lai Châu, có chăng mới chỉ là một chấm đen nhỏ vô cùng mờ nhạt…

Thành phố Lai Châu hôm nay, có thể xem là thành phố trẻ được quy hoạch dựng xây một cách khá khang trang, sạch đẹp. Nhưng đó vẫn là thành phố của thanh vắng, bình lặng với nhịp sống chậm rãi, thưa thớt cư dân và du khách thập phương…

Có phải thế chăng mà ngay cả khi có một sự kiện lớn mang tên “Hội nghị Xúc tiến Đầu tư và quảng bá du lịch tỉnh Lai Châu lần thứ nhất năm 2016” và “Tuần văn hóa du lịch Lai Châu năm 2016” do UBND tỉnh Lai Châu, với sự tham vấn, đồng tổ chức của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), được đánh giá là chuỗi sự kiện kinh tế - đầu tư - văn hóa lớn nhất từ trước đến nay của tỉnh, với sự thu hút của hàng trăm đại biểu tụ về, thì Lai Châu dường như vẫn thế. Lững thững và thản nhiên…

Song, nếu để ý, sẽ không khó để nhận ra có một Lai Châu đang từng ngày từng giờ vươn mình bứt phá. Đang từng ngày từng giờ mang khát vọng làm giàu đổi đời để tiến kịp với miền xuôi, với các láng giềng tỉnh bạn, và xa hơn, là hội nhập với cộng đồng trong và ngoài nước.

Điều đó không khó để nhận thấy trong những chuyến đi thị sát khi về với những bản làng, những vùng núi cao xa xôi, hẻo lánh, những địa danh với nhiều tiềm năng đang quẫy cựa để chuyển mình, như: Sìn Hồ, Tam Đường, Phong Thổ… mà gắn liền với đó là những sản vật đang trên đường định vị thương hiệu như: chè xuất đi Nhật Bản, hoa lan nhập về Hà Nội…

Hoàn toàn không khó để bắt gặp ở bản Sin Súi Hồ, một bản người Mông thuộc xã Sin Súi Hồ, huyện Phong Thổ, những cái tên như anh Vàng A Chỉnh, Hảng A Sà, Vàng A Dế... với thu nhập ròng hàng trăm triệu đồng/năm, từ phát triển du lịch cộng đồng, trồng lan rừng, chăn nuôi…

Trong chén rượu hòa cùng bà con nơi bản Hon, một bản thuộc huyện Tam Đường với trên 90% dân số là người dân tộc Lự, nơi vẫn lưu giữ những nét bản sắc truyền thống của một trong những dân tộc ít người nhất Việt Nam, đang là điểm thu hút khách du lịch của tỉnh, ông Lê Trọng Quảng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu không quên động viên bà con phải phấn đấu để đưa Lai Châu trở thành điểm đến của “rừng xanh, nước trong, bản sạch”, xem nó như “chìa khóa” để mở vào “kho báu” thông qua những sản phẩm du lịch tưởng như bình dị nhất nhưng nếu biết cách làm thì nó sẽ mang lại giá trị gia tăng rất lớn.

Chính tư duy đổi mới, khát vọng hòa nhập, phát triển của những vị chức sắc như ông Quảng, cùng với sự quan tâm mạnh mẽ của Chính phủ, với quyết tâm đưa Lai Châu trở thành điểm dừng chân lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, hẳn sẽ là những cơ sở để hy vọng vào sự đột phá trong tương lai không xa.

Nhất là giờ đây, khi hệ thống giao thông được nâng cấp, đặc biệt là từ cuối năm 2014, con đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai hoàn thành, rút ngắn hành trình Hà Nội - Lao Cai từ 8-9 giờ xuống còn hơn 3 giờ, hành trình Hà Nội – Lai Châu từ hơn 12 giờ xuống còn khoảng hơn 6 giờ... Giao thông trở thành cánh cửa mở về phía tương lai, đưa Lai Châu vào một vị thế mới…

Để rồi, chính cái hoang sơ nguyên vẹn của một tỉnh đang nằm trong Top cuối của bàng xếp hạng kia lại chính là cơ hội để lựa chọn một con đường phát triển ít cạnh tranh nhất, khi những khó khăn do hoàn cảnh khách quan đem lại vừa được khơi thông...

Vì vậy, nói như TS.Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương: đã đến lúc, Lai Châu cần biết tận dụng, phát huy lợi thế đi sau, một lợi thế lớn và luôn có giá trị “tuyệt đối” trong thời đại ngày nay. Một trong những lợi thế đầu tiên phải nói đến là lợi thế về quỹ đất.

Mà theo đánh giá của ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch BIDV, với tư cách là một nhà đầu tư, thì cho đến hôm nay, trong cả nước, ít có địa phương nào có được một diện tích đất liền mảnh lên đến 500 ha để phục vụ các dự án phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, quy mô lớn… Trong đó, lượng đất hiếm chiếm 5% tổng trữ lượng của thế giới.

Cùng với đó là những lợi thế về thiên nhiên, văn hóa và con người. Có thể nói, không gian văn hóa, tiềm năng to lớn của Lai Châu hầu như chưa được khai thác. Nhược điểm đấy và cũng là ưu điểm đấy khi mà nơi đây vẫn còn giữ được gần như nguyên vẹn sự hoang sơ, chưa bị bàn tay của thương mại hóa can thiệp một cách thô bạo làm biến dạng hoặc tàn phá…

Chỉ đơn giản là với 20 dân tộc cùng sinh sống, trong đó 86% là người dân tộc thiểu số với những nét đặc sắc về văn hóa và tộc người đã là lợi thế đi sau. Không phải ngẫu nhiên mà bản Pú Đao, một bản người Mông nhỏ với 887 người dân ở huyện Sìn Hồ, Lai Châu được khách hàng của một lữ hành nước Anh bầu là một trong năm điểm đến hấp dẫn nhất ở Đông Nam Á.

Bên cạnh tiềm năng về văn hóa và con người, thì những núi non trùng điệp, thiên nhiên kỳ thú, cao nguyên bốn mùa mây phủ, khí hậu trong lành như Sìn Hồ, Hồ Thầu, Dào San; Rồi động Pu Sam Cáp, động Tiên Sơn, chưa kể việc đồng sở hữu với dãy núi Hoàng Liên Sơn với đỉnh Phan Xi Păng, cộng với cửa khẩu Ma Lù Thàng vào Trung Quốc… tất cả tạo nên những lợi thế cho một Lai Châu bứt phá trong phát triển các loại hình du lịch – một ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương trong tương lai.

Rõ ràng, Lai Châu có rất nhiều lợi thế tiềm năng để phát triển. Điều quan trọng là làm sao để có thể cải thiện được môi trường đầu tư thông thoáng, trở thành điểm hút hấp dẫn các doanh nghiệp.

Ông Đỗ Ngọc An, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu trước bá quan dự Hội nghị có đưa ra cam kết sẽ không quá 20 ngày để chấp nhận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận, cũng như sẽ làm tốt công tác hỗ trợ giải phóng mặt bằng, cung ứng đủ cơ sở hạ tầng, lao động… cho các chủ đầu tư.

Tuy nhiên, muốn Lai Châu thực sự phát triển thì một mình chính quyền Lai Châu không thể làm được. Mà nó đòi hỏi sự phối hợp, cam kết thực hiện mạnh mẽ cả từ phía nhà đầu tư, Chính phủ. Chính điều này đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người từng là Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc trước đây, lưu ý rất rõ trong phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Rằng, về phía địa phương, chính quyền tỉnh, huyện, xã phải đẩy mạnh cải cách hành chính để tạo ra và duy trì được một môi trường đầu tư tốt. Nhà đầu tư thì phải đảm bảo cam kết với địa phương, đi đến cùng, tránh tình trạng đánh trống bỏ dùi, hoặc chỉ chú trọng đến lợi ích kinh tế mà bỏ qua vấn đề bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Rồi sau cùng là vai trò của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong việc ổn định chính trị, an toàn quốc gia và sự thông thoáng của cơ chế…

Có thể nói, sự hiện diện của hơn 400 đại biểu là các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia về kinh tế, các doanh nhân, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, về với Lai Châu lần này, trong một Hội nghị Diên hồng lần đầu tiên được tổ chức dưới sự chủ trì trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, hoàn toàn có thể xem như một cú huých cho quyết tâm của Lai Châu, và cũng là cơ hội cho rất nhiều nhà đầu tư về một miền cực Bắc của Tổ quốc “đi sau” nhưng hy vọng là không “đến muộn”…

Vai trò và cam kết của BIDV

BIDV cam kết cung ứng gói hỗ trợ không hoàn lại trị giá 10 tỷ đồng để tư vấn quy hoạch và hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. 100 tỷ đồng cung ứng gói tín dụng ưu đãi với lãi suất bằng 80% lãi suất của NHCSXH cho các dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả theo cơ chế thị trường.

Phấn đấu duy trì mức tăng trưởng tín dụng giai đoạn 2016-2020 ở mức 25-30%/năm, trong đó 3 năm 2016-2018 sẽ dành khoảng 5-6 nghìn tỷ đồng với kỳ hạn linh hoạt, lãi suất ưu đãi cho các chương trình/dự án theo nguyên tắc có hoàn trả. Tiếp tục cam kết tài trợ 70 tỷ đồng đầu tư xây dựng trường bán trú dân tộc cho huyện mới chia tách là huyện Nậm Nhùn.

Nơi ấy là địa đầu Tổ quốc
Sin Súi Hồ một trong những địa danh đang hút khách du lịch hiện nay của Lai Châu
Bùi Sim Sim

Tin liên quan

Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tối 13/4, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”.
Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Chiều 11/4/2025, trong khuôn khổ hội nghị biểu dương lao động giỏi, lao động sáng tạo giai đoạn 2020–2025 do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh TP. Đà Nẵng tổ chức, UBND TP. Đà Nẵng đã trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố cho ông Dương Quyết Thắng, Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc NHCSXH vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động tín dụng chính sách, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Bộ Xây dựng đang tiến hành lấy ý kiến rộng rãi đối với dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, với tổng chiều dài dự kiến hơn 461km. Thông tin này vừa được công bố, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận về một dự án giao thông trọng điểm quốc gia.
Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH) và Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về bảo hiểm.
Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Ngày 11/4, trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Hà Nội - VITM 2025, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức Diễn đàn "Phát triển điểm đến xanh - Nâng tầm du lịch Việt Nam".
Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy lô dầu gội dược liệu sạch chấy Aladin - Hộp 1 tuýp 30g do không đạt chất lượng.
Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hội chợ ITE HCMC 2025 - hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam và khu vực hạ nguồn sông Mê kông lần thứ 19 sẽ diễn ra từ ngày 4-6/9/2025, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), Quận 7, TP. Hồ Chí Minh.
Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho biết, trong quý I/2025, Công ty đã tổ chức vận hành tuyệt đối an toàn 39.070 lượt tàu, phục vụ 4,78 triệu lượt hành khách, tăng 13,3% so với quý I/2024.
Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025

Ngày10/4/2025, Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2025 với chủ đề “Phát triển điểm đến xanh, nâng tầm du lịch Việt Nam” đã khai mạc tại Trung tâm Triển lãm quốc tế ICE Hà Nội, Cung Văn hóa Hữu Nghị (Hà Nội).
NHNN Khu vực 2 sửa chữa và bàn giao nhà cho người dân Cần Giờ

NHNN Khu vực 2 sửa chữa và bàn giao nhà cho người dân Cần Giờ

Ngày 10/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Khu vực 2 bàn giao căn nhà sửa chữa tại khu phố Hưng Thạnh, thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh. Đây là hoạt động nằm trong chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có hoàn cảnh khó khăn của ngành Ngân hàng thành phố.
AI
B - Edu
B - Finance
B - Data