Nỗ lực trên “đường đua” PCI
![]() | PCI: Giữ lửa cải cách tạo bước ngoặt phục hồi |
Bấp bênh thứ hạng
Hai năm liên tiếp 2020 và 2021, Quảng Nam bị bật ra khỏi top 10 trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Cụ thể, từ địa phương nằm trong nhóm tốt, năm 2020 tỉnh đã tụt 7 bậc, từ thứ hạng 6 xuống 13, đến năm 2021 rơi xuống thứ hạng 19. Trong đó, tính năng động của chính quyền, minh bạch thông tin, đào tạo lao động hay gia nhập thị trường là những điểm sáng của Quảng Nam trong các năm trước, nay đã bị cộng đồng doanh nghiệp đánh giá thấp trong cuộc khảo sát PCI năm 2021...
Mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố chỉ số PCI 2021 dựa trên khảo sát chọn mẫu 11.312 doanh nghiệp. Trong đó, có 10.127 doanh nghiệp tư nhân và 1.185 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đây là lần công bố PCI thứ 17, kể từ năm 2005. Theo đó, Quảng Ninh dẫn đầu bảng xếp hạng với 73,02 điểm, và là năm thứ 5 vùng đất mỏ liên tiếp giữ vị trí quán quân. Trong khi, Quảng Nam đạt 66,24 điểm, xếp vị thứ 19, thuộc nhóm khá, tụt 6 bậc so năm 2020 (vị thứ 13), đứng vị thứ 4 vùng trọng điểm kinh tế miền Trung, sau Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế và Bình Định.
![]() |
Bãi sơ mi rơ moóc thành phẩm tại KCN Thaco - Chu Lai (Quảng Nam) |
Trong đợt xếp hạng lần này, Quảng Nam dù tụt thứ hạng nhưng điểm số đánh giá lại tăng 0,52 điểm (năm 2020 đạt 65,72 điểm). Có 6 chỉ số thành phần tăng điểm gồm: tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. 4 chỉ số thành phần giảm điểm gồm: gia nhập thị trường, tính minh bạch, tính năng động của chính quyền, đào tạo lao động.
Trước đó, trong bảng xếp hạng chỉ số PCI năm 2020, Quảng Nam đã đạt 65,72 điểm và xếp thứ 13 trên bảng xếp hạng, thuộc nhóm khá. So với 2019, Quảng Nam đã tụt giảm về điểm số lẫn thứ hạng (xếp thứ 6 với 69,42 điểm, thuộc nhóm tốt). Năm 2020, trong 10 chỉ số thành phần, Quảng Nam có 4 chỉ số tăng điểm gồm: gia nhập thị trường, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động. 6 chỉ số còn lại đều giảm, gồm tiếp cận đất đai, tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý.
Trong lịch sử tham dự “cuộc đua” cải thiện chỉ số, thứ hạng PCI, bản đồ năng lực cạnh tranh điều hành kinh tế Quảng Nam nhìn chung khá bấp bênh. Sau 10 năm nằm ở nhóm khá, Quảng Nam bất ngờ “chen chân” đến nhóm tốt trên bảng xếp hạng PCI vào năm 2015, trở thành gương mặt mới trong nhóm 10 tỉnh, thành có chỉ số, thứ hạng cao nhất nước. 5 năm liên tiếp từ 2015 đến 2019, Quảng Nam lọt vào top 10 các tỉnh, thành có chỉ số, thứ hạng cao nhất nước. Địa phương trở thành một trong những vùng đất sáng giá, hấp dẫn nhà đầu tư với tốc độ GRDP tăng bình quân 10,7%/năm. Quảng Nam cũng đã gia nhập vào nhóm những địa phương nộp ngân sách về Trung ương.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên sau một thời gian thành công 2 năm tiếp theo 2020 và 2021, Quảng Nam lại bị bật ra khỏi top 10... Theo ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, hai năm dịch bệnh vừa qua gặp quá nhiều khó khăn nên những chính sách, cơ chế tốt của địa phương không dễ dàng vận dụng trên thực tế. Những sáng kiến về việc công bố các quy định, trình tự, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, tiết giảm chi phí thời gian, giúp nhà đầu tư nhanh chóng tiếp cận, đưa dự án triển khai trên thực tế... đã không thể phát huy hết tác dụng.
Quyết tâm lấy lại vị thế
Quyết tâm lấy lại vị thế, kế hoạch cải thiện PCI của địa phương đã được ban hành. Mục tiêu của Quảng Nam là sẽ quay lại top 10, lọt vào top 6 năm 2025. Lãnh đạo cũng như cơ quan chức năng ở địa phương quyết tâm, cải thiện năng lực cạnh tranh về chất lượng điều hành kinh tế sẽ được đặt lên một vị trí xứng đáng. Theo đó, Quảng Nam sẽ minh bạch hóa từ cơ sở dữ liệu, quy hoạch, cơ chế, chính sách, thủ tục đến các dự án cơ hội. Xử lý tất cả khiếm khuyết trong vận hành cơ chế, chính sách cải thiện. Không cơ quan, địa phương nào đứng ngoài cuộc trong cuộc cải cách này.
Trong cuộc đua điểm số và thứ hạng PCI, địa phương nào cũng sẽ đưa ra những cơ chế, chính sách tốt. Tuy nhiên, nếu muốn có kết quả tốt, cần phải nhận diện cho được những điểm nghẽn, ách tắc, vướng mắc để gỡ bỏ. Cũng theo ông Hồ Quang Bửu, kế hoạch cải thiện PCI lần này thể hiện quyết tâm trong việc tạo ra sự khác biệt, chất lượng. Cả hệ thống chính trị vận hành công cuộc cải thiện một cách thông suốt... Trên thực tế, việc cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh là một trong ba nhiệm vụ đột phá chiến lược mà Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ lần thứ XXII của tỉnh Quảng Nam đã đề ra.
Thời gian gần đây, tỉnh đã tập trung cho việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung lại các quy hoạch để chất lượng tốt hơn, hấp dẫn nhà đầu tư hơn và chỉ đạo tiến đến số hóa, minh bạch để mọi nhà đầu tư đều được biết và tiếp cận nhanh nhất, đặc biệt là các quy định về quy trình, thủ tục đầu tư, đấu giá đất sạch, hoạt động kinh doanh nhà ở, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư... Bên cạnh, địa phương cũng rà soát các dự án đầu tư để quyết định cho giãn tiến độ hoặc thu hồi, trao cơ hội cho các nhà đầu tư khác. Được biết, Tỉnh ủy Quảng Nam đã thành lập ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm do Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng ban. UBND tỉnh cũng thành lập tổ công tác theo dõi, đôn đốc thực hiện các chỉ đạo của thường trực UBND tỉnh. Công tác tiếp doanh nghiệp định kỳ hàng tháng được duy trì; khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp đều được kịp thời giải quyết.
Tuy nhiên, theo nhiều người “điểm nghẽn” ở Quảng Nam cũng như một số địa phương khác trong cả nước chính là tình trạng “trên bảo dưới không nghe”. Chất lượng thực thi các chính sách, chủ trương trong thực tế cuộc sống còn yếu. Trong đó, có những sáng kiến hay ở cấp tỉnh chưa được thực thi tốt ở cấp sở, ngành. Hoặc, có chủ trương đúng đắn của lãnh đạo tỉnh đã không được xử lý tốt ở cấp huyện, thị, thành phố. Bởi vậy, có thể nói dù đã có kế hoạch cải thiện PCI rất cụ thể đã được ban hành. Song, để thật sự cải thiện được vị trí của mình trên bảng xếp hạng PCI, không bị bỏ lại phía sau Quảng Nam cần có thêm những cơ chế giám sát chặt chẽ, để bảo đảm các cơ chế, chính sách được thực thi một cách có hiệu quả trong thực tế. Những nỗ lực này sẽ góp phần tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, năng động và thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh nhằm thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, đảm bảo sự phát triển kinh tế, xã hội bền vững của Quảng Nam trong thời gian tới.
Tin liên quan
Tin khác

Đặc sắc chương trình áo dài nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam”

Tổng Giám đốc NHCSXH được Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen

Bộ Xây dựng dự thảo Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh

Dự thảo Nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH và CSDLQG về bảo hiểm

Làm sao để chuyển đổi xanh trong du lịch hiệu quả?

Dầu gội trị chấy Aladin của Sao Thái Dương bị đình chỉ, thu hồi khẩn cấp do không đạt chất lượng

Hội chợ du lịch quốc tế quy mô nhất Việt Nam sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh

Hanoi Metro phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I

Hơn 600 tổ chức, doanh nghiệp tham gia xúc tiến, quảng bá du lịch tại VITM Hà Nội 2025
