Nỗ lực “bơm vốn” cho kinh tế địa phương
“Liều thuốc” trợ lực doanh nghiệp
Từ đầu năm 2023 đến nay, tại Hà Tĩnh các cấp, ngành tiếp tục triển khai nhiều giải pháp phục hồi kinh tế, xã hội, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường xúc tiến đầu tư, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội... Trong khi đó, cũng như ở nhiều địa phương khác, cộng đồng doanh nghiệp Hà Tĩnh cũng đang phải trải qua thách thức khi chi phí sản xuất gia tăng, đơn hàng sụt giảm, giá nguyên liệu đầu vào tăng, giá điện tăng...
Trong bối cảnh đó, với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đã có những đóng góp quan trọng, tích cực cùng địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đảm bảo an sinh xã hội. NHNN tỉnh đã phát huy tốt vai trò quản lý, tạo môi trường thuận lợi, cạnh tranh lành mạnh cho các TCTD hoạt động, vừa tạo mối quan hệ phối hợp ngày càng chặt chẽ và có hiệu quả với các cấp, các ngành. Thông qua nhiều hình thức, chi nhánh thường xuyên chuyển tải các cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động ngân hàng, giải quyết vướng mắc; phản ánh, đề xuất các biện pháp tháo gỡ lên cấp trên. Nhờ đó, sự đồng thuận của các cấp, ngành và cộng đồng doanh nghiệp, khách hàng đối với hoạt động ngân hàng ngày càng tăng lên.
![]() |
Các TCTD trên địa bàn Hà Tĩnh đang nỗ lực hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn |
Trong thực tiễn kinh doanh, công tác huy động vốn luôn được các TCTD trên địa bàn Hà Tĩnh đẩy mạnh. Với việc triển khai nhiều chính sách hiệu quả, nguồn vốn huy động trên địa bàn có sự tăng trưởng tốt. Theo đó, các ngân hàng lớn trên địa bàn như, Agribank Hà Tĩnh, Agribank Hà Tĩnh II, BIDV Hà Tĩnh, BIDV Nam Hà Tĩnh… đã đồng loạt triển khai nhiều chương trình tiết kiệm dự thưởng, các phần quà có giá trị cao nhằm kích cầu lượng tiền gửi tiết kiệm dân cư. Kết quả, tính đến đầu tháng 6/2023, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD đạt 90.780 tỷ đồng, tăng 7,73% so với cuối năm 2022 và tăng 5,61% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, đối với cho vay nền kinh tế, ông Nguyễn Văn Trung, Giám đốc NHNN Hà Tĩnh chia sẻ, chi nhánh thường xuyên chỉ đạo các TCTD hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; thực hiện nhiều giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng; đơn giản hóa thủ tục cho vay, niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình vay vốn; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục giám sát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Đặc biệt, trước những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp ở địa phương, ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đã chủ động triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, cùng với cơ quan chức năng trực tiếp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Các ngân hàng có dư nợ cho vay lĩnh vực này lớn như, Vietcombank Hà Tĩnh, Vietcombank Bắc Hà Tĩnh, BIDV Hà Tĩnh, BIDV Nam Hà Tĩnh hay VietinBank Hà Tĩnh… Sự tiếp sức từ ngành Ngân hàng là “liều thuốc”, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ở Hà Tĩnh giai đoạn hậu Covid-19. Ông Trương Khánh Thảo, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và thương mại 19/8 (huyện Thạch Hà) cho biết, ngay sau dịch bệnh, công ty bắt tay vào kinh doanh sản xuất. Tuy nhiên, vấn đề khó là nguồn vốn để nhập hàng cũng như đầu tư trang thiết bị máy móc. Trong thời điểm khó khăn đó, công ty được Agribank Hà Tĩnh II tạo điều kiện cho vay hàng chục tỷ đồng để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh…
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, dư nợ toàn địa bàn đạt mức tăng trưởng khá trong bối cảnh sức hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp. Tính đến đầu tháng 6/2023, dư nợ đạt khoảng 93.028 tỷ đồng, tăng 6,68% so với cuối năm 2022 và tăng 17,15% so với cùng kỳ. Trong khó khăn chung, nhưng tín dụng trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn tăng trưởng ở mức khá cao. Đây là kết quả những nỗ lực của ngành Ngân hàng trên địa bàn trong việc đáp ứng nhu cầu vốn và góp phần phục hồi kinh tế, xã hội.
Đẩy mạnh thực hiện các gói hỗ trợ lãi suất
Thời gian qua, NHNN Hà Tĩnh cũng đã tăng cường chỉ đạo các NHTM trên địa bàn tích cực đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, công khai, minh bạch.
Theo đó, NHNN tỉnh và các NHTM trên địa bàn đã tham dự các hội nghị trực tuyến do NHNN chủ trì, để triển khai các nội dung của chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN. NHNN tỉnh và Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã phối hợp tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, nhằm triển khai, tuyên truyền về chính sách hỗ trợ lãi suất, giải đáp những kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến hoạt động vay vốn hỗ trợ lãi suất.
Bên cạnh đó, NHNN tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các TCTD triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất. Hàng tháng, báo cáo kết quả thực hiện và các khó khăn, vướng mắc về NHNN tỉnh tổng hợp xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý. Để góp phần triển khai thực hiện chính sách có hiệu quả, NHNN Hà Tĩnh còn thiết lập đường dây “nóng” tiếp nhận các ý kiến, phản ánh của các tổ chức, cá nhân liên quan đến chính sách hỗ trợ lãi suất.
Theo đại diện BIDV Hà Tĩnh, với phương châm “Hợp tác, đồng hành, phát triển”, trước những khó khăn do đại dịch gây ra, BIDV nói chung và BIDV Hà Tĩnh nói riêng đã có nhiều chính sách hỗ trợ lãi suất cho người dân, doanh nghiệp. Trong đó, thực hiện Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN, chi nhánh đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để khách hàng nắm bắt được cơ chế, chính sách của Nhà nước; đồng thời, tích cực rà soát, đánh giá khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ khách hàng; hồ sơ cho vay chặt chẽ, đúng quy định, bảo đảm vốn vay được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.
Cho vay theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, tại Hà Tĩnh tính đến thời điểm đầu tháng 6/2023, các NHTM trên địa bàn giải ngân cho 7 khách hàng (gồm 4 doanh nghiệp và 3 hộ kinh doanh) với doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất 48.693 triệu đồng, số tiền lãi đã hỗ trợ 197 triệu đồng. Tiếp cận nguồn vốn ưu tiên, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn được hưởng lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi để tái đầu tư sản xuất, kinh doanh thời kỳ hậu Covid-19, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.
Bên cạnh đó, các chính sách cho vay ưu đãi theo Nghị quyết 11/NQ-CP tại NHCSXH cũng được triển khai quyết liệt và đạt kết quả tốt. Tính đến 31/5/2023, NHCSXH Hà Tĩnh đã triển khai 4 chương trình tín dụng chính sách tại Nghị quyết số 11/NQ-CP bao gồm: Cho vay giải quyết việc làm, cho vay nhà ở xã hội, cho vay học sinh sinh viên mua máy tính và cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non. Dư nợ cho vay đối với các chương trình trên là 474,46 tỷ đồng, đạt 95,11% so với kế hoạch dư nợ được giao. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị định số 36/2022/NĐ-CP của Chính phủ, NHCSXH Hà Tĩnh cũng đã thực hiện hỗ trợ lãi suất cho 55.556 lượt khách hàng với doanh số được hỗ trợ lãi suất là 2.428 tỷ đồng, số tiền lãi đã hỗ trợ đến 31/5/2023 đạt 32,97 tỷ đồng…
Cũng theo ông Nguyễn Văn Trung, thời gian tới ngành Ngân hàng trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác hỗ trợ lãi suất công khai, minh bạch, đúng quy định, đúng đối tượng, mục đích, ngăn ngừa các rủi ro, trục lợi chính sách, tuân thủ quy định, hướng dẫn nội bộ của hội sở chính và các quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN; không để xảy ra trường hợp khách hàng đúng đối tượng, đáp ứng đủ điều kiện mà không được hỗ trợ lãi suất. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách hỗ trợ lãi suất qua các phương tiện thông tin đại chúng… giúp khách hàng nắm thông tin, chủ động tiếp cận chính sách. Về phía các TCTD cũng cần chủ động, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc tại đơn vị và báo cáo hội sở chính, NHNN tỉnh về các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, các đề xuất, kiến nghị trong quá trình triển khai thực hiện.
Tin liên quan
Tin khác

Ngân hàng tiếp sức, doanh nghiệp cất cánh

Đưa đồng vốn ngân hàng phát triển vùng phên dậu của Tổ quốc

OCB và VinaCapital hợp tác chiến lược, gia tăng lợi ích cho khách hàng ưu tiên

Gần 1,3 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH

NHNN Khu vực 4: Ổn định tổ chức, duy trì hiệu quả hoạt động với mô hình mới

Ngân hàng Nhà nước Khu vực 2 tổ chức chuỗi sự kiện hướng tới ngày Thống nhất đất nước

Thắp sáng giấc mơ an cư từ dòng vốn chính sách

Agribank hỗ trợ 1,5 tỷ đồng mua ghe Ngo cho đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Trà Vinh

NHCSXH Quảng Ngãi: Lan tỏa phong trào “Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà”
