NHTW Ấn Độ giảm lãi suất, báo hiệu sẽ nới lỏng thêm vì thuế quan
![]() |
NHTW thứ hai giảm lãi suất
Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) của Ấn Độ, bao gồm 3 thành viên RBI và 3 thành viên bên ngoài đã nhất trí cắt giảm lãi suất tái cấp vốn 25 điểm cơ bản xuống còn 6,00%. Trước đó RBI cũng đã giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 2, lần cắt giảm đầu tiên kể từ tháng 5/2020.
Cả 6 thành viên của MPC cũng nhất trí thay đổi lập trường chính sách tiền tệ từ “trung lập” sang “thích ứng”.
Ấn Độ đã trở thành NHTW thứ hai sau Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) cắt giảm lãi suất kể từ khi các mức thuế thương mại rộng khắp được công bố.
Các mức thuế quan đã làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ và toàn cầu, đồng thời gây ra tình trạng hỗn loạn trên thị trường tài chính, khiến các NHTW các thị trường mới nổi phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn giữa việc cắt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng và củng cố đồng tiền của họ.
Thống đốc RBI Sanjay Malhotra cho biết trong tuyên bố của mình rằng, mức thuế 26% mà Mỹ công bố đối với hàng nhập khẩu từ Ấn Độ đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn. Nhưng việc định lượng tác động đến tăng trưởng là rất khó khăn.
“Tăng trưởng đang cải thiện sau hiệu suất yếu kém trong nửa đầu năm tài chính 2024-25, mặc dù vẫn thấp hơn mức chúng tôi mong muốn”, ông Malhotra cho biết, đồng thời nói thêm rằng triển vọng lạm phát là lành tính.
Ông cũng cho biết, sự thay đổi lập trường chính sách có nghĩa là MPC chỉ xem xét hai lựa chọn, hoặc giữ nguyên hiện trạng hoặc cắt giảm lãi suất và lập trường này không liên quan trực tiếp đến các điều kiện thanh khoản.
“Với sự bất ổn xung quanh chính sách thương mại của Mỹ sắp diễn ra và lạm phát có vẻ được kiềm chế, khả năng sẽ có thêm nhiều đợt cắt giảm lãi suất nữa”, Shilan Shah - Phó giám đốc kinh tế thị trường mới nổi tại Capital Economics cho biết. “Chúng tôi cho rằng lãi suất tái cấp vốn sẽ giảm xuống còn 5,50% trong năm nay”, vị này cho biết.
ANZ Research cũng dự kiến RBI sẽ có thêm hai đợt cắt giảm lãi suất nữa và dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 8 năm 2025.
![]() |
Biểu đồ cho thấy lạm phát bán lẻ của Ấn Độ, tốc độ tăng trưởng GDP theo quý và lãi suất tái cấp vốn của ngân hàng trung ương thấp hơn nhau |
Giảm dự báo tăng trưởng, lạm phát
RBI hiện ước tính tăng trưởng ở mức 6,5%, thấp hơn một chút so với ước tính trước đó là 6,7%. Trong khi lạm phát được dự kiến sẽ ở mức 4%, thấp hơn so với ước tính trước đó là 4,2% .
“Trong điều kiện kinh tế toàn cầu đầy thách thức như vậy, lạm phát lành mạnh và triển vọng tăng trưởng vừa phải đòi hỏi MPC phải tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng”, MPC cho biết trong tuyên bố bằng văn bản.
Tuy nhiên các nhà kinh tế ước tính tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ năm thế giới có thể bị ảnh hưởng 20-40 điểm cơ bản trong năm tài chính hiện tại do tác động trực tiếp và gián tiếp của mức thuế quan cao hơn. “Chúng tôi thấy tăng trưởng thấp hơn ước tính của RBI và dự kiến ở mức 6,3% cho năm tài chính 2026”, Sakshi Gupta - Nhà kinh tế tại Ngân hàng HDFC cho biết.
Cảnh báo đồng Rupee suy yếu
Trong báo cáo chính sách tiền tệ đi kèm, RBI cũng cho biết chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng và mối đe dọa của chiến tranh tiền tệ có thể gây thêm áp lực lên đồng rupee.
Báo cáo cũng cho biết, nếu đồng rupee mất giá 5% so với mức giả định hiện tại là 86 INR/USD, lạm phát có thể tăng khoảng 35 điểm cơ bản, mặc dù tăng trưởng GDP có thể được hưởng lợi khoảng 25 điểm cơ bản thông qua kênh thương mại khi xuất khẩu trở nên cạnh tranh hơn.
Chính sách quản lý tiền tệ của RBI sẽ tiếp tục nhắm mục tiêu vào “biến động quá mức”, Malhotra cho biết. RBI không nhắm mục tiêu vào bất kỳ mức nào đối với đồng rupee nhưng “sẽ không ngần ngại can thiệp nếu có biến động quá mức”, ông cho biết.
Đồng rupee đã giảm 1,2% kể từ khi thuế quan đáp trả của Hoa Kỳ được công bố, phần lớn phù hợp với mức lỗ được thấy ở các đồng tiền chính của châu Á. Đồng tiền này đã chạm mức thấp kỷ lục là 87,95 vào ngày 10 tháng 2.
Tin liên quan
Tin khác

Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đang lấy lại cân bằng

Các ngân hàng trung ương lên kịch bản ứng phó với bão thuế quan

Quan chức Nhật Bản cho biết, họ muốn đồng yên Nhật mạnh lên

Áp lực đè nặng lên trái phiếu Mỹ và bạc xanh

Mỹ miễn thuế đối ứng với smartphone, laptop và loạt sản phẩm công nghệ

Trái phiếu Kho bạc Mỹ không còn là tài sản an toàn?

Tình thế lưỡng nan của Fed: Lạm phát hay suy thoái

Đồng euro vọt lên đỉnh 3 năm so với USD, giới đầu tư đánh giá lại triển vọng tài sản Mỹ

Thuế quan khiến tâm lý người tiêu dùng Mỹ suy giảm và đẩy kỳ vọng lạm phát lên cao
