Nhiều vướng mắc trong quy trình, thủ tục đầu tư
![]() | Cải thiện môi trường kinh doanh: Vẫn còn ‘khấp khểnh’ |
![]() | Điện tử hóa các thủ tục hành chính: Tháo gỡ vướng mắc để đẩy mạnh xuất khẩu |
![]() |
Nhiều dự án đầu tư bị trì hoãn chỉ vì vướng mắc trong khái niệm |
Nhà đầu tư lo mất quyền lợi chính đáng
Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV tổ chức tháng 11/2019, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư và Luật DN. Nhóm công tác Đầu tư và thương mại của VBF cho rằng, những tranh cãi dường như vẫn dừng lại ở những vấn đề nan giải, ví dụ như đối tượng cấu thành NĐT nước ngoài, công ty có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài, cùng những khái niệm và cách tiếp cận tương tự. Trong khi đó, nhiều quy định cụ thể gây ra vướng mắc thực tế trong quy trình, thủ tục đầu tư lại chưa được tính đến.
Chẳng hạn quy định bảo đảm đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật ảnh hưởng bất lợi đến các dự án đầu tư đã được cấp phép, quy định tại điều 14 của dự thảo Luật Đầu tư. Tuy nhiên, quy định này chỉ bảo đảm cho NĐT trong trường hợp sự thay đổi pháp luật ảnh hưởng bất lợi đến các ưu đãi đầu tư đã cấp cho dự án đầu tư nước ngoài. Các DN cho rằng quy định nên mở rộng để bao gồm bất kỳ thay đổi nào của các luật có tác động tiêu cực đến "các điều khoản, điều kiện và ưu đãi đầu tư" mà NĐT đang được hưởng để bảo đảm các khoản đầu tư của họ, thay vì chỉ bảo vệ ưu đãi đầu tư.
Một vấn đề khác được NĐT kiến nghị liên quan đến phương pháp danh sách chọn bỏ đối với các dịch vụ, quy định tại điều 9 dự thảo Luật Đầu tư. Theo đó, một NĐT nước ngoài có thể được chấp thuận đầu tư vào bất kỳ dịch vụ nào miễn là dịch vụ đó không bị liệt kê trong danh sách chọn bỏ mà Chính phủ sẽ công bố vào từng thời điểm. Tuy nhiên các NĐT nước ngoài cho rằng, quy định này sẽ tạo ra sự thay đổi có ý nghĩa đối với môi trường đầu tư khi và chỉ khi danh sách chọn bỏ được giới hạn ở những dịch vụ mà Việt Nam bảo lưu theo các điều ước quốc tế.
Vì vậy, Nhóm công tác Đầu tư và thương mại của VBF đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) giữ cho danh sách chọn bỏ được giới hạn nghiêm ngặt chỉ bao gồm các dịch vụ được Việt Nam bảo lưu trong các điều ước quốc tế khác nhau.
Liên quan tới xu hướng đầu tư các dự án năng lượng mặt trời trên mái nhà, cộng đồng NĐT nước ngoài cho biết, hiện nay Chính phủ rất khuyến khích các dự án này nhằm cung cấp nguồn năng lượng tái tạo, bền vững. Tuy nhiên chủ trương lớn lại khó được triển khai trên thực tế chỉ bởi vướng mắc về khái niệm. Theo đó, các dự án năng lượng sạch như vậy đang bị từ chối vì chúng không được tiến hành ở “một địa bàn cụ thể”, mà trên nhiều mái nhà của khách hàng sử dụng, tiêu thụ điện. “Đề nghị dự thảo Luật Đầu tư điều chỉnh định nghĩa này để xét đến những đổi mới như mô hình kinh doanh năng lượng mặt trời trên mái nhà”, khuyến nghị của Nhóm công tác nêu rõ.
Quy định về M&A còn bỏ ngỏ
Cũng trong bản tập hợp kiến nghị, cộng đồng NĐT nước ngoài đã nêu ra một số vấn đề vướng mắc liên quan đến thủ tục thực hiện các giao dịch mua bán và sáp nhập DN. Trong bối cảnh hình thức đầu tư này ngày càng gia tăng, việc pháp luật quy định chưa đầy đủ và rõ ràng có thể khiến NĐT lúng túng và cân nhắc lâu hơn trước khi ra quyết định.
Vướng mắc đầu tiên liên quan đến thời gian hiệu lực của giao dịch chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp. Nhóm công tác Đầu tư và thương mại của VBF cho biết, một số cơ quan quản lý đầu tư tại các địa phương yêu cầu các bên phải thực hiện thanh toán tiền chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp trước khi đăng ký và sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, dựa trên các yêu cầu theo Khoản 2 Điều 31, hoặc Khoản 1 Điều 77 của Luật DN rằng một công ty phải đăng ký thay đổi hoặc chuyển nhượng vốn trong vòng 10 ngày kể từ ngày thay đổi hoặc hoàn thành việc chuyển nhượng cổ phần/phần vốn góp.
Các cơ quan này, chẳng hạn như Sở KH&ĐT tỉnh Bình Dương, đã diễn giải quy định này theo hướng cho rằng “hoàn thành chuyển nhượng” phải bao gồm việc “hoàn thành thanh toán cho việc chuyển nhượng”. Theo các NĐT nước ngoài, cách áp dụng, diễn giải luật như vậy là trái ngược với nhiều điều khoản theo Bộ luật Dân sự.
Cụ thể, Điều 450 Bộ luật Dân sự quy định về thời điểm có hiệu lực của việc chuyển giao quyền tài sản, theo đó quyền tài sản chỉ được coi là đã chuyển nhượng khi giấy chứng nhận đăng ký đã được hoàn tất dưới tên của người mua. Hoặc Khoản 3 Điều 434 Bộ luật Dân sự cho phép các bên thỏa thuận thời gian thanh toán... Cách diễn giải này làm các NĐT lo ngại rằng sau khi thanh toán có thể có vấn đề xảy ra và họ sẽ bị mất tiền.
Do đó, Nhóm công tác đề nghị Dự thảo Luật DN phải bao gồm điều khoản bổ sung quy định cụ thể rằng các bên trong giao dịch chuyển nhượng cổ phần có thể quyết định thời gian thanh toán, và thời điểm có hiệu lực cho việc chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp là khi người mua được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sửa đổi.
Cũng liên quan đến hình thức mua bán và sáp nhập DN, Hiệp hội DN Ấn Độ chỉ ra một bất cập khác liên quan đến thủ tục đăng ký DN. Cơ quan này cho biết, theo quy định của Luật DN, các DN sẽ thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh trong vòng 10 ngày kể từ ngày các thay đổi được thực hiện đối với nội dung đăng ký kinh doanh của DN. Trong các giao dịch mua bán và sáp nhập, cơ quan đăng ký giải thích quy định này theo cách người bán và người mua phải hoàn thành việc chuyển nhượng thanh toán cổ phần, phần vốn góp trước khi công ty được phép thực hiện các thủ tục để ghi tên của các cổ đông hay thành viên mới (người mua) vào nội dung đăng ký DN.
Hiệp hội DN Ấn Độ lo ngại, cơ chế này dường như không đúng với thực tiễn và các tiêu chuẩn quốc tế đối với các giao dịch mua bán và sáp nhập, do không đảm bảo lợi ích của người mua. Bởi lẽ nếu chiếu theo quy định này, người mua được yêu cầu thanh toán 100% giá trị chuyển nhượng trong khi tên của họ lại chưa được ghi trong nội dung đăng ký DN. Với các vướng mắc như vậy, cộng đồng DN nước ngoài khuyến nghị rằng cần có những quy định cụ thể và rõ ràng hơn về việc thực hiện các thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh cho các giao dịch mua bán và sáp nhập để giảm tâm lý bất an của NĐT.
Tin liên quan
Tin khác

Thu thuế qua sàn Thương mại điện tử vẫn còn nhiều thách thức

Sản lượng khai thác dầu khí của PVEP đạt 24,69 triệu tấn giai đoạn 2020-2025

Bình tĩnh trước khó khăn để củng cố sức mạnh nội tại

Ứng dụng AI trong kinh doanh và quảng bá sản phẩm

Đề xuất bãi bỏ một số Thông tư lĩnh vực tài chính doanh nghiệp

Thúc đẩy cải cách, tăng tính minh bạch và củng cố niềm tin nhà đầu tư

Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam: Hành trình đổi mới và sứ mệnh xanh

Vietnam Airlines ký Biên bản ghi nhớ với CitiBank trị giá từ 560 triệu USD

Giảm thiểu tác động từ chính sách thuế quan mới tới doanh nghiệp
